Friday, November 8, 2019

Bệnh viêm mũi dị ứng và cách điều trị

Ở xứ nóng ẩm và nhiều khói, bụi ô nhiễm như chúng ta thì viêm mũi là bệnh mà chúng ta thấy ngày một nhiều.
Bệnh viêm mũi dị ứng và cách điều trị
Viêm mũi: là tình trạng viêm lớp lót (niêm mạc) trong mũi và hầu họng. Tình trạng viêm này làm cho lớp ló

Viêm mũi: là tình trạng viêm lớp lót (niêm mạc) trong mũi và hầu họng. Tình trạng viêm này làm cho lớp lót này trở nên nhạy cảm bất thường và có thể bị kích ứng bởi không khí lạnh, khói, mùi khó chịu, thực phẩm kích thích (như có nhiều tiêu, ớt, …) và khói thuốc lá. Biểu hiện có thể là ngứa, đau họng, nghẹt mũi hay chảy nước mũi.

Viêm mũi dị ứng: là viêm mũi do dị ứng gây ra. Điều này có nghĩa là hệ miễn dịch của người bệnh phản ứng lại các chất gây dị ứng. Các chất gây dị ứng có thể là mạt giường (dị ứng nguyên trong nhà), thú nuôi, nấm mốc, khói, … (nhớ rằng chất gây dị ứng với người này có thể là bình thường với người khác và ngược lại).

Ảnh hưởng của viêm mũi dị ứng lên hen suyễn

Viêm mũi dị ứng và hen suyễn có một vấn đề chung là …dị ứng; mũi và phế quản cùng thuộc hệ hô hấp. Vì thế, chúng có mối quan hệ mật thiết với nhau. Thống kê ở Úc thấy rằng đa số những người bị suyễn có bị viêm mũi dị ứng (lên đến 80%).

Viêm mũi dị ứng có thể làm cho việc kiểm soát hen suyễn trở nên khó khăn hơn. Điều trị hiệu quả viêm mũi dị ứng có thể làm giảm lên cơn suyễn và giúp cho phổi làm việc tốt hơn. Viêm mũi dị ứng đặc biệt là khi bị nghẹt mũi rất dễ làm mất ngủ, và mất ngủ lại gây ra rất nhiều hệ lụy, trong đó có dễ bị lên cơn suyễn.

Viêm niêm mạc mũi và họng gây ra nghẹt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi. Vì vậy, đa số những biện pháp điều trị hiệu quả là xịt (spray) glucocorticoid vào trong mũi. Xịt glucocorticoid vào trong mũi giúp ngăn chặn phản ứng viêm (các thuốc xịt glucocorticoid này cũng tương tự với các thuốc xịt glucocorticoid trong dự phòng hen suyễn nhưng khác về cách thức sử dụng). Nếu bạn bị cả viêm mũi dị ứng lẫn hen suyễn, bạn nên sử dụng cả hai thuốc dự phòng này một cách đều đặn.

Lưu ý rằng triệu chứng của hen suyễn có thể che đậy triệu chứng viêm mũi dị ứng, vì thế nếu bạn bị hen suyễn, nên kiểm tra xem mình có bị viêm mũi dị ứng hay không.

Triệu chứng của viêm mũi dị ứng

  • Đau họng thường xuyên
  • Khàn giọng
  • Nghẹt mũi thường xuyên mà không có các triệu chứng khác.
  • Thường phải thở bằng miệng (đặc biệt lúc ngủ) và hay gặp ở trẻ em.
  • Ngủ thường hay ngáy
  • Trẻ em hay bị nhiễm trùng tai giữa
  • Thường hay bị nhức đầu mà không có nguyên nhân khác
  • Ho, đặc biệt trẻ em lúc nằm ngủ ban đêm
  • Mũi mất cảm giác về mùi
  • Thường hay bị rối loạn giấc ngủ.
Những điều cần tránh khi bị viêm mũi dị ứng

Không nên hút thuốc và tránh ngồi gần người hút thuốc lá. Khói thuốc lá làm cho viêm mũi dị ứng và hen suyễn trở nên tồi tệ hơn và nó cũng làm cho các thuốc dự phòng giảm tác dụng.

Thường thì cùng dị ứng nguyên có thể khởi phát cả hen suyễn lẫn viêm mũi dị ứng, vì vậy, rất hữu ích khi xác định được chúng và tránh chúng khi có thể. Tuy nhiên, việc này là rất khó khăn, cho nên nếu có thể được bạn nên trang bị máy lọc không khí trong phòng làm việc và phòng ngủ (các phòng này phải tương đối kín), nhưng cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng chứng minh máy lọc không khí giúp kiểm soát hen suyễn và viêm mũi dị ứng.

Dị ứng nguyên trong nhà (mạt giường)

Dị ứng nguyên trong nhà (tiếng Anh gọi là “house dust mite” có tên khoa học là Dermatophagoides pteronyssinus hay D. farinae, là những sinh vật bé nhỏ với kích thước khoảng 30micromet, chúng sống trong nhà, ăn những tế bào da chết bong ra và phân của chúng là dị ứng nguyên thường gặp nhất trong nhà, thường hay kích hoạt hen suyễn hay dị ứng mũi xoang). Dị ứng nguyên trong nhà gặp nhiều ở xứ nóng ẩm như Việt Nam chúng ta.

Có nhiều cách để tránh dị ứng nguyên trong nhà. Trong các nghiên cứu khoa học, hai vấn đề thường được báo cáo nhiều nhất để làm giảm số lượng dị ứng nguyên trong nhà là:

  • Giặt sạch mùng, mền, bao nệm, bao gối, … bằng nước nóng (phải nóng trên 550C).
  • Dùng loại bao nệm, bao gối loại chống bụi để bao bọc nệm, gối.

Dị ứng nguyên từ thú nuôi

Nếu bạn bị ứng với thú cưng của bạn và bạn phải tiếp tục sống chung nhà với nó, đừng bao giờ cho chúng vào phòng ngủ. Bạn không thể kiểm soát tốt viêm mũi dị ứng của bạn nếu vẫn phải sống chung nhà với thú nuôi mà bạn bị dị ứng. Thường thì việc tắm thú nuôi không làm giảm đi dị ứng nguyên và còn có thể làm cho tình trạng dị ứng xấu đi.

Sau khi loại bỏ thú nuôi, hãy làm vệ sinh sạch sẽ tường, sàn nhà và thảm. Do các phần tử gây dị ứng từ thú nuôi có thể còn dính trong quần áo và một số bề mặt đồ vật, các dị ứng nguyên này vẫn còn lại trong nhà một thời gian dài sau khi đã loại bỏ thú nuôi.

Điều trị viêm mũi dị ứng

Có nhiều thuốc điều trị viêm mũi dị ứng, nhưng hiệu quả và an toàn nhất là các thuốc xịt glucocorticoid.

Các thuốc xịt glucocorticoid

Thuốc xịt glucocorticoid giúp làm giảm viêm niêm mạc mũi. Để đạt được kết quả tốt nhất nên dùng thuốc xịt này đều đặn và lâu dài giống như thuốc dự phòng hen suyễn. Cho đến nay, thuốc xịt glucocorticoid dùng trong viêm mũi dị ứng được ghi nhận là rất an toàn.

Với những người bị viêm mũi dị ứng theo mùa, không cần phải dùng liên tục. Bệnh nhân khi biết sắp có triệu chứng viêm mũi dị ứng xảy ra, dùng thuốc xịt glucocorticoid khoảng 6 tuần rồi ngưng. Thường thì tác dụng của thuốc xịt glucocorticoid đạt được đầy đủ sau 2 tuần dùng thuốc.

Những thuốc xịt glucocorticoid thường chứa một trong những hoạt chất sau: beclomethasone, budesonide, mometasone, fluticasone, …

Thuốc kháng histamin dạng uống

Các thuốc kháng histamin dạng uống có thể được dùng một mình hay có thể dùng phối hợp với các thuốc khác. Các thuốc kháng histamin dạng uống giúp làm giảm nhanh các triệu chứng hắt hơi, chảy nước mũi, ngứa ngáy, …

Các thuốc kháng histamin có thể chia làm hai nhóm chính: (1) nhóm cũ: thường có tác dụng phụ là gây buồn ngủ như chlorpheniramin, polaramin, … (2) nhóm mới: ít có tác dụng gây ngủ như terfenadine, loratadine, …khi dùng nhóm thuốc này phải thận trọng ở người bị bệnh tim.

Cần nhớ rằng, với những người bị cả viêm mũi di ứng lẫn hen suyễn, hãy lưu ý rằng, các thuốc kháng histamin nếu dùng kéo dài có thể làm xấu đi tình trạng hen suyễn.

Thuốc kháng histamin dạng xịt

Được dùng tương tự như thuốc xịt corticosteroid nhưng thời gian dùng ngắn hơn nhiều.

Thuốc giảm sung huyết mũi dạng uống

Rất hiệu quả trong những trường hợp bị nghẹt mũi. Nhưng chỉ nên dùng vài ba ngày và thận trọng ở người bị tăng huyết áp.

Nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý

Biện pháp này giúp làm sạch niêm mạc mũi. Khi nhỏ mũi không được để cho đầu chai thuốc chạm vào mũi và nên loại bỏ chai thuốc sau khi mở nắp 24 giờ.

(Theo Báo hensuyen)

Bệnh viêm mũi dị ứng và cách điều trị Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Nguyễn Vinh

0 Comments:

Post a Comment