Tuesday, November 26, 2019

Phòng chống say nắng và cách xử trí

Say nắng là phản ứng của cơ thể khi hoạt động ngoài trời nóng nực, có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Vì sao bị say nắng?

Phòng chống say nắng và cách xử trí
Theo BS Nguyên Hoa, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM), khi bị nắng nóng, cơ thể sẽ có các phản ứng để giảm nhiệt độ cho cơ thể như: Giãn nở mạch máu để máu dồn nhiều tới da làm thoát nhiệt ra ngoài; tuyến mồ hôi hoạt động mạnh, tiết ra nhiều mồ hôi, mồ hôi bay hơi để hạ nhiệt cho cơ thể. Cơ thể có khả năng điều hoà thân nhiệt ở một giới hạn nhất định để thích ứng với môi trường xung quanh. Khả năng này ở mỗi người khác nhau. Người khoẻ mạnh sẽ có sức chịu đựng tốt hơn người yếu. Khi sự điều hòa thân nhiệt của cơ thể không thích ứng kịp với sự thay đổi nhiệt độ tăng nhanh và cao của môi trường bên ngoài hoặc cơ thể bị mất quá nhiều nước qua mồ hôi thì dễ dẫn tới hiện tượng say nắng, nóng. Nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Ai dễ bị say nắng?

*Trẻ em. Theo BS Như Huỳnh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), trẻ em dễ bị say nắng nếu đi ra ngoài giữa trời nắng nóng hoặc chơi các môn thể thao ngoài trời do cơ thể phát triển chưa được hoàn thiện, dẫn đến việc điều tiết thân nhiệt cơ thể kém.

*Người cao tuổi dễ bị say nắng là do tuyến mồ hôi dưới da bị teo lại, hoạt động của hệ tuần hoàn bị suy yếu, cơ thể tỏa nhiệt không nhanh.

*Phụ nữ có thai và sản phụ là đối tượng có sức khỏe yếu. Việc mang thai và sinh nở đã làm tiêu hao của họ nhiều năng lượng. Ngay cả khi ngồi trong nhà nhưng nhiệt độ cao, không thông thoáng, nhóm người này cũng có thể bị say nắng.

*Người mắc bệnh tim mạch cũng dễ bị say nắng, do thời tiết nóng nực khiến thần kinh phấn chấn, tăng gánh nặng cho tim. Mặt khác, do chức năng tim không hoàn thiện khiến hơi nóng trong người tỏa ra không kịp nên dẫn đến say nắng.

*Người bị viêm nhiễm, suy dinh dưỡng có thể khiến hơi nóng trong người tăng lên nhanh chóng, vi khuẩn và virus làm cho cơ thể tiết ra những chất không có lợi cho việc tỏa nhiệt nên dễ bị say nắng. Những người bị suy dinh dưỡng thường tụt huyết áp, mạch máu bị co bóp mang tính phản xạ.

Triệu chứng

Theo BS Như Huỳnh, khi bị say nắng, cơ thể sẽ có cảm giác nóng bức, mệt nhiều. Say nắng có thể đến bất thình lình và làm cho sự mệt mỏi kéo dài nhiều ngày sau đó.

Thời điểm thường gặp say nắng là vào buổi giữa trưa, khi đó mặt trời chiếu thẳng xuống trái đất và cũng là thời điểm có nhiều tia tử ngoại. Khi bị say nắng, biểu hiện đầu tiên là vã mồ hôi, mặt đỏ nhừ, khó chịu, có trường hợp bị đau bụng, nôn mửa. Sau đó là các biểu hiện nặng hơn như hoa mắt, chóng mặt, mạch nhanh, ngất lịm, tiểu ít, thân nhiệt tăng cao.

Với trẻ em, trong một số trường hợp nặng, trẻ có thể ngừng đổ mồ hôi, da đỏ nóng và tăng thân nhiệt, nguy hiểm hơn là một số trẻ rơi vào tình trạng không kiểm soát được hành vi, thậm chí mất ý thức.

Người lớn có thể bị say nắng do phơi mình quá lâu dưới ánh sáng mặt trời hoặc ở nhiệt độ cao như ở trong hầm, lò.

Xử trí

Với trẻ em:

BS Nguyên Hoa khuyến cáo, trẻ sốt cao có thể đe dọa đến tính mạng của trẻ, do vậy cần xử trí nhanh như sau:

* Đem bé đến chỗ mát. Lau mát cho bé bằng nước mát hoặc nước lạnh và quạt cho bé. Cần lưu ý là uống hạ sốt như Ibuprofen hoặc acetaminophen cũng không làm trẻ hạ sốt.

* Nếu bé hôn mê, nhúng bé vào nước lạnh có thể cứu sống bé.

* Nếu bé còn tỉnh, cho bé uống một ly nước lạnh, sau 15 phút lại cho uống đến khi bé cảm thấy đỡ hơn.

* Đưa trẻ đến cơ sở y tế.

Với người lớn:

*Hạ thân nhiệt của người bệnh bằng cách đưa người bị say nắng vào chỗ có bóng mát.

*Cởi bỏ bớt quần áo.

*Cho uống nước lạnh có chút muối.

* Dùng khăn thấm nước sạch lạnh lau người đồng thời theo dõi thân nhiệt của người bệnh đến khi hạ xuống 380C.

* Gọi xe cấp cứu. Trường hợp xử trí ban đầu không có kết quả và có biểu hiện nặng hơn cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được chữa trị kịp thời.

Phòng tránh

Để phòng tránh say nắng, những người phải làm việc nhiều trong môi trường có nhiệt độ cao như nông dân làm việc ngoài trời, công nhân hầm lò... cần phải được trang bị mũ, nón che kín đầu và gáy. Uống nhiều nước khi khát, nước nên pha thêm một chút muối.

Với trẻ em, cũng nên cho trẻ uống nhiều nước khi đi ra ngoài trời nắng nóng vì bé sẽ đổ mồ hôi nhiều và cơ thể bị mất nước. Nếu bé phải chơi thể thao ngoài trời thì lượng nước mất càng nhiều hơn. Vì vậy, hãy cho trẻ uống nước ngay cả khi bé chưa cảm thấy khát.

Tử vong vì say nắng

13 giờ 15 phút ngày 8/5, khi đang trên đường đến trường, em Vi Thị Như, học sinh lớp 7, xã Châu Hội (Quỳ Châu, Nghệ An) bị ngất bên vệ đường do bị say nắng. Rất may, khi em Như đã được các bạn cùng đi học phát hiện và đưa đến cấp cứu tại Trạm xá xã Châu Hội. Sau khi được các bác sĩ, y tá cấp cứu kịp thời nên em đã tỉnh lại. Chiều cùng ngày em Vi Thị Như đã bình phục và trở về nhà.

Trước đó, ngày 6/5, bà Hoàng Thị Quý, trú tại xã Thanh Hà (Thanh Chương, Nghệ An) đã chết khi đang đi chăn trâu ở cánh đồng Chùa Quào do bị say nắng. Thời điểm bà Quý đi chăn trâu vào khoảng thời gian từ 14 - 15 giờ chiều, đúng vào lúc nhiệt độ ở cánh đồng đang cao nhất trong ngày. Cuối giờ chiều, chồng nạn nhân đi đám cưới về không thấy vợ đâu đã nhờ bà con lối xóm đi tìm, phát hiện bà Quý chết từ trước đó.

(Theo Hồng Trà// Gia đình)

Phòng chống say nắng và cách xử trí Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Nguyễn Vinh

0 Comments:

Post a Comment