Vừa ăn vừa làm việc, ăn quá no, ăn vội, để bụng quá đói… đều là những thói quen xấu dẫn đến bệnh viêm dạ dày. Đây là một bệnh rất phổ biến, có thể gặp ở cả trẻ em lẫn người lớn.
Bệnh cũng có thể kèm các triệu chứng khác như: ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, nôn, ậm ạch khó tiêu, táo bón hoặc tiêu chảy… Ở trẻ em, bệnh thường biểu hiện bằng tình trạng chậm lên cân, suy dinh dưỡng, đau bụng mạn tính và nôn ói.
Nếu không điều trị, viêm dạ dày có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày, hẹp môn vị hoặc ung thư dạ dày.
Những thói quen "hại" dạ dày
Việc ăn quá no làm chức năng tiêu hóa của dạ dày giảm đi, lượng thức ăn chưa kịp tiêu hóa sẽ lên men làm cho dạ dày phình to, kích thích dạ dày tăng tiết dịch vị dẫn đến viêm dạ dày. Nhưng nếu bạn ăn quá nhanh, dạ dày cũng không kịp tiết dịch và co bóp để tiêu hóa thức ăn, lâu ngày cũng dẫn đến bệnh.
Khi bạn ăn vội, ăn không nhai kỹ, thức ăn không được nghiền tốt, dạ dày phải co bóp nhiều hơn, tiết dịch nhiều hơn cũng gây viêm dạ dày. Ăn quá nhiều canh cùng bữa cơm sẽ làm căng dạ dày gây tăng tiết axit, lâu ngày cũng có thể bị bệnh.
Nếu bạn vừa ăn vừa làm việc, khả năng mắc bệnh sẽ cao hơn những người khác. Do khi làm việc, nhất là làm việc trí não, một lượng lớn máu phải tập trung đến não để phục vụ cho các hoạt động trí não khiến lượng máu cung cấp cho dạ dày thực hiện chức năng tiêu hóa giảm đi, ảnh hưởng tới hoạt động của dạ dày và các cơ quan tiêu hóa khác, dễ gây ra bệnh.
Việc ăn quà vặt thường xuyên cũng làm dạ dày luôn ở trong trạng thái làm việc, tiết dịch và co bóp để tiêu hóa thức ăn, không được nghỉ ngơi.
Thực phẩm không tốt cho dạ dày
Bạn nên tránh những thực phẩm có tác dụng làm tăng tiết dịch axit, gây tổn hại niêm mạc dạ dày như:
Thực phẩm có vị chua: trái cây chua, giấm, dưa hành, dưa cà muối chua… khi ăn vào làm cho lượng axit trong dạ dày tăng lên, có thể gây viêm dạ dày.
Thực phẩm cay nóng: ớt, tiêu, cà ri, mù tạt…; thức ăn lên men (mắm, tương, chao…) cũng kích thích dạ dày tiết nhiều dịch vị, khi ăn quá nhiều có thể gây tổn thương cho lớp niêm mạc dạ dày.
Các men vi sinh có trong thành phần của rượu bia nếu uống ở mức độ vừa phải sẽ giúp dạ dày tiêu hóa thức ăn tốt hơn. Tuy nhiên, thành phần chủ yếu của rượu bia là cồn, có tác dụng kích thích dạ dày tiết axit, nếu uống nhiều trong thời gian dài sẽ làm cho nồng độ axit trong dạ dày luôn ở mức cao, dẫn đến bệnh.
Cà phê kích thích dạ dày tiết axit, làm tăng nồng độ axit trong dạ dày.
Các loại nước uống có ga khi dùng cũng sẽ sinh lượng khí nhiều làm cho dạ dày phình to ra, áp lực tăng cao gây ra trướng bụng, đồng thời kích thích dạ dày tăng tiết nhiều axit dịch vị.
Cần lưu ý:
Những thức ăn hoặc đồ uống lạnh sau khi đi vào dạ dày sẽ làm nhiệt độ trong dạ dày giảm đi. Các mao mạch ở thành dạ dày co lại ảnh hưởng tới khả năng tiếp nhận cũng như co bóp để tiêu hóa thức ăn.
Muối cũng kích thích dạ dày, ruột. Sử dụng nhiều muối có nguy cơ mắc bệnh viêm dạ dày cao hơn.
Ngoài ra, ngày nay một tác nhân gây viêm dạ dày rất quan trọng thường được nhắc đến là vi khuẩn Helicobacter pylori. Nếu ăn uống không vệ sinh, dùng rau không rửa sạch, không rửa tay trước khi ăn sẽ rất dễ bị nhiễm khuẩn này.
Bên cạnh việc ăn uống, lo âu, căng thẳng tâm lý cũng có thể gây bệnh vì ảnh hưởng đến chức năng tiết dịch và co bóp của dạ dày.
Dùng các thuốc giảm đau, chống viêm kéo dài không theo chỉ định của bác sĩ cũng sẽ làm tổn thương niêm mạc dạ dày.
Phòng ngừa viêm dạ dày
Nên ăn uống điều độ đúng giờ, không ăn quá no hoặc để bụng quá đói; ăn chậm, nhai kỹ trong một không gian thư giãn sẽ tốt cho việc tiêu hóa thức ăn.
Hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu bia, cà phê, các thức ăn chua, cay, thức uống có ga, không uống quá lạnh, nên ăn thức ăn mềm, dễ tiêu; kiêng ăn các thực phẩm mặn.
Giữ vệ sinh khi ăn uống, rửa sạch rau quả, rửa tay trước khi ăn.
Khi dùng các thuốc giảm đau, kháng viêm... phải do bác sĩ chỉ định vì những thuốc này gây ảnh hưởng xấu tới dạ dày.
Loại bỏ những lo lắng, phiền muộn, sống lạc quan, vui tươi, yêu đời cũng giúp bạn tránh được bệnh viêm dạ dày.
ThS. BS Phan Chung Thùy Lynh
(GV TT Đào tạo Bác sĩ Gia đình - ĐH Y dược TP.HCM)
Nguồn: Phụ nữ Online
0 Comments:
Post a Comment