Wednesday, November 20, 2019

Đột quỵ vì nắng nóng

Thời tiết nóng bức kéo dài, số ca đột quỵ gia tăng. Những người vốn bị bệnh tim mạch, tăng huyết áp, béo phì… càng dễ gặp tai biến này.

Khi bị đột quỵ, người thân thường không đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện mà lo cạo gió, cắt lể khiến khả năng sống của người bệnh rất bấp bênh. Hiện khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 TP HCM, điều trị nội trú cho 150 bệnh nhân đột quỵ. Con số này đã tăng vài chục ca so với ngày thường.

Nhập viện vì gắng sức dưới trời nắng

Đột quỵ vì nắng nóng
Điều trị cho bệnh nhân đột quỵ ở Bệnh viện Thống Nhất TP HCM. Ảnh: Nguyễn Thanh.

Sau khi nhập viện kịp thời, các bác sĩ tiến hành “giải tán” cục máu đông bằng cách truyền thuốc tiêu sợi huyết vào đường động mạch và đặt stent ở đoạn mạch máu bị hẹp nên bà L. (73 tuổi, ngụ Bến Lức, Long An) đã qua khỏi cơn nguy kịch. Trước đó, người nhà đưa bà L. nhập viện trong tình trạng bị ngất đột ngột do lên cơn đau tim và tăng huyết áp vì làm việc gắng sức dưới trời nắng nóng.

Bác sĩ Trần Chí Cường, khoa Tim mạch, Bệnh viện ĐH Y dược TP HCM, cho biết, đột quỵ xảy ra do nhồi máu não hoặc xuất huyết não. Nhóm bệnh nhân nhồi máu não chiếm 80% do nghẽn hoặc hẹp mạch máu não; còn xuất huyết não do bệnh nhân bị tăng huyết áp, mắc các bệnh lý dị dạng mạch máu não, phình mạch máu não… Với thời tiết nóng bức như hiện nay, những bệnh nhân vốn bị tim mạch, huyết áp nếu bực tức, nóng giận thì dễ hình thành cục máu đông khiến đường đưa máu lên não bị tắc nghẽn gây đột quỵ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Liên, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 TP HCM, cho biết nắng nóng không phải là nguyên nhân trực tiếp. Nhưng nếu bệnh nhân vốn mắc các bệnh mạn tính mà gắng sức làm việc trong thời tiết nóng bức kéo dài thì dễ “phát” cơn đột quỵ, nhất là những bệnh nhân không kiểm soát được huyết áp, từng bị đột quỵ.

Không cạo gió, cắt lể

Trên thế giới, đột quỵ đứng hàng thứ ba về mức độ tử vong sau bệnh ung thư và tim mạch. Riêng tại Bệnh viện Nhân dân 115, có khoảng 10% bệnh nhân đột quỵ tử vong khi điều trị. Đáng lo ngại, tỷ lệ tàn phế do tai biến này lại đứng hàng đầu, thường gây ra các rối loạn vận động, không thể đi đứng, nói mà không hiểu, mù một hoặc cả hai mắt, trầm cảm… Tuy nhiên, khi ngã bệnh, người nhà thường “lôi” bệnh nhân ra cạo gió, giác hơi, nặn chanh… chứ không đưa nhanh đến bệnh viện. Đột quỵ chữa được, nhưng hoàn toàn phụ thuộc vào người nhà trong việc phát hiện và đưa đến bệnh viện sớm.

Khi đưa đến bệnh viện, người bệnh sẽ được điều trị bằng ba phương pháp hiện đại: khai thông động mạch bằng cách tiêm thuốc tiêu sợi huyết qua đường tĩnh mạch (trong vòng ba giờ đầu); hoặc tiêm vào đường động mạch (trước 6 giờ), dùng máy hút cục máu động ra và kết hợp tiêm vào đường động mạch cho những bệnh nhân có những cục máu đông cực lớn.

Tuy nhiên, để phòng ngừa, những bệnh nhân hẹp động mạch cần điều trị thường xuyên, nhất là những bệnh nhân vốn mắc tim mạch, thiếu máu não cục bộ, rối loạn mỡ máu, hẹp động mạch. Người bệnh không nên giữ thói quen uống rượu, hút thuốc lá, lạm dụng các chất gây nghiện càng dễ bị đột quỵ do mạch máu tắc nghẽn.

Đột quỵ vì nắng nóng Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Nguyễn Vinh

0 Comments:

Post a Comment