Nghe có vẻ kỳ quặc, sao lần vô sinh lần hai (vô sinh thứ phát), đã có con sao gọi là vô sinh được, nhưng thực tế điều đó vẫn xảy ra, và ngày càng nhiều hơn...
Tuổi càng cao, “sức càng yếu”
Cuộc sống khó khăn thuở nuôi con đầu lòng đã thôi thúc vợ chồng anh chị Dũng Thanh (Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội) quyết tâm xây dựng một cơ ngơi kha khá rồi mới tính đến chuyện có đứa thứ hai. Họ lao vào công cuộc kiếm tiềm trong các thương vụ để mai này có “điều kiện nuôi con tốt nhất”. 10 năm sau, khi cửa nhà đầy đủ, tiền bạc dư thừa, cả hai anh chị mới quyết định cho thằng cu nhớn có đứa em.
Chị tháo vòng, cùng anh bỏ hẳn những chuyến buôn bán xa xôi để ở nhà thực hiện kế hoạch sinh em bé. Nhưng một năm, rồi năm rưỡi, cái bụng chị vẫn im lìm. Sốt ruột, anh chị chạy chữa khắp nơi, từ bốc thuốc nam cho chị đến tìm mua những bài thuốc dân gian quý hiếm cho anh để tẩm bổ, rồi lăn lộn khắp các bệnh việc phụ sản lớn nhỏ, kết luận vẫn không có gì hơn ngoài lời trấn an của bác sỹ: “Anh chị luống tuổi rồi cần phải có thời gian”. Khi đó cả hai vợ chồng anh chị Dũng Thanh đều đã 39 tuổi.
Họ cũng là nạn nhân của cái thời người ta mải làm ăn mà quên cả nhiệm vụ duy trì nòi giống. Vô sinh thứ cấp do tuổi tác bây giờ gặp nhan nhản khắp nơi. Với hầu hết phụ nữ, khả năng sinh sản cao nhất là ở độ tuổi từ 15 - 30, giảm dần sau tuổi 30 và xuống dốc hoàn toàn ở tuổi 35.
Trên thực tế, ở tuổi 36, chỉ khoảng 25% phụ nữ có thể mang thai. Nguyên nhân sâu xa của việc tuổi càng cao càng khó sinh nở là do trứng của người phụ nữ phải chịu những tổn hại về nhiễm sắc thể theo tuổi tác, trứng càng già thì những tổn hại càng lớn và khả năng thụ thai càng giảm.
Còn với đàn ông, cái cốt lõi của việc sao mãi vẫn không có thêm đứa nữa là do sự suy giảm số lượng và chất lượng tinh trùng. Điều này chiếm đến 40% nguyên do các trường hợp vô sinh. Tất nhiên, vấn đề tuổi tác có liên quan mật thiết đến việc suy giảm khả năng làm cha. Càng lớn tuổi, số lượng và chất lượng của những “con giống” càng giảm. Bởi thế, các bác sỹ khuyên những cặp vợ chồng muốn có con thứ hai khi tuổi đã ngoài 30 nên đi thăm khám kiểm tra nếu sau 6 tháng “nỗ lực” mà không có kết quả.
Viêm nhiễm, kẻ thù của “gái một con”
Sinh con đầu, chị Ngọc Lan (phường Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội) phải mổ và bị viêm nhiễm một đợt rất nặng với biến chứng để lại là bị tắc cả hai bên vòi trứng. Tất nhiên, nếu biết cái “hậu họa” này thì cả hai vợ chồng anh chị đã lo chạy chữa từ sớm. Đằng này, mọi sự cứ bình thường, và đến khi muốn có đứa thứ hai mà chờ mãi chẳng thấy có bầu, chị Lan đến bác sỹ khám mới té ngửa mình phải đi thông tắc vòi trứng thì mới có thể mang thai lại.
Còn Minh Hà (Q. Thanh Xuân, Hà Nội) thì do “lỡ kế hoạch” khi con gái đầu lòng mới được 10 tháng tuổi nên cả hai vợ chồng quyết định phá bỏ cái mầm thai mới nhú. Vì làm thủ thuật hút thai ở một cơ sở y tế tư nhân, điều kiện vệ sinh không đảm bảo nên Minh Hà đã bị viêm dính buồng tử cung. Hậu quả là vĩnh viễn cô không thể sinh con theo cách tự nhiên được nữa.
Còn Thu Huệ (khu chung cư Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội) lại là một trường hợp rủi ro khác. Sau lần sinh con đầu, chị đặt vòng để tránh thai, nhưng kể từ đó chị liên tục bị rong kinh. Đi khám, bác sỹ kết luận chị bị viêm tử cung. Chữa đi chữa lại vài lần cho dứt điểm chứng viêm, nhưng ba năm sau đó, khi có ý định sinh em bé thứ hai, chị chờ đợi mãi cũng vẫn thấy tin mừng bặt vô âm tín. Khi khám lại và soi tử cung, chị mới hay tử cung có sẹo, và bác sĩ nghi đó là nguyên nhân khiến chị khó có con thứ hai.
Đó chỉ là số ít trong rất nhiều những trường hợp phụ nữ sinh lần đầu suôn sẻ mà khó có con thứ hai do viêm nhiễm. Hơn bất kỳ một nguy cơ gây vô sinh nào, viêm nhiễm rất dễ gặp, và mang đến những rủi ro khôn lường cho khả năng sinh sản của người phụ nữ.
Viêm niêm mạc tử cung có thể làm cho niêm mạc tử cung phát triển trong những ngày rụng trứng và có thể dẫn đến dính dạ con. Viêm tắc vòi trứng khiến trứng và tinh trùng không thể gặp nhau để thụ tinh được. Viêm màng cổ tử cung, một chứng bệnh mà lớp màng tử cung dính chặt vào các bộ phận khung xương chậu, nếu không được chữa kịp thời sẽ bịt kín vòi trứng, ngăn cản quá trình thụ thai hoặc gây nên hiện tượng chửa ngoài dạ con.
Hậu quả của hiện tượng này là trứng đã được thụ tinh sẽ tự bám vào một vị trí nào đó ngoài tử cung, thường là ở ngay ống dẫn trứng nên nhất thiết phải phẫu thuật cắt bỏ. Nhiễm trùng không được chữa trị (sau khi nạo, hút, phẫu thuật mổ đẻ...) khiến tử cung lỗ chỗ sẹo hay dị tật và những dị tật này có thể ngăn cản trứng đã được thụ tinh vào làm ổ đúng nơi hay làm cho trứng không đến được tử cung.
Nếu không được chữa trị kịp thời, những triệu chứng viêm nhiễm rất nhẹ lâu ngày cũng có thể gây bán tắc, dị dạng tử cung khiến cho người bệnh trở thành vô sinh. Bởi thế, chị em không thể coi thường ngay cả những triệu chứng ngứa ngáy dù là nhẹ nhàng nhất ở bộ phận sinh sản.
Những căn bệnh giấu mặt và sự bất đồng giữa hai cơ thể
Thời gian trôi cũng cũng đồng nghĩa với sự xuất hiện của những rắc rối mà ở lần sinh đầucả vợ và chồng không hề có. Với người phụ nữ sự thay đổi hooc môn hay các vấn đề nội tiết bỗng dưng lộ diện làm cho khả năng mau mắn và“nhạy” trong việc thụ thai bị biến đổi.
Những u nang buồng trứng tiềm ẩn ngay trong thời kỳ mang thai lần trước giờ mới lộ diện hay những rối loạn bất kỳ nào đó ở buồng trứng bỗng xuất hiện cũng có thể khiến cho noãn không phát triển hoặc làm cho trứng không đủ chín, hay chín mà không rụng gây nên vô sinh.
Ở nam giới, vô sinh thứ cấp có thể là do bất thường của tinh trùng như hình thái tinh trùng bất thường (hình thái tinh trùng quái dị),bất thường do ống dẫn tinh ( tắc ống dẫn tinh), tinh hoàn không có khả năng sinh tinh trùng...
Sự suy giảm khả năng sinh sản của người đàn ông còn có thể bắt nguồn từ những căn bệnh mới lộ diện như chứng tăng huyết áp hay tiểu đường hoặc do uống quá nhiều rượu hay một lượng không nhiều thuốc phiện.
Ngày nay, trường hợp các cặp vợ chồng hoàn toàn khỏe mạnh, các xét nghiệm kiểm tra cũng hoàn toàn bình thường mà vẫn không thể sinh con là chuyện không hiếm. Các bác sĩ tìm ra được một số bất đồng giữa môi trường âm đạo của người vợ với khả năng sống sót tinh trùng của người chồng (nồng độ PH, kháng thể chống tinh trùng của chồng...), bất thường nhóm máu...
Một số nguyên nhân toàn thân cũng có thể ảnh hưởng tới vô sinh thứ phát như viêm cầu thận mạn gây suy thận có thể làm cho bệnh nhân nhiễm độc thai nghén ở những lần sinh sau, bất đồng nhóm máu Rh của bố và mẹ.
Với những cặp vợ chồng đã một lần lên chức cha mẹ, nguyên nhân của việc vô sinh lần hai còn phụ thuộc rất nhiều vào tâm lý. Cái suy nghĩ: “đẻ một đứa rồi thì làm gì có chuyện yếu tinh trùng,” “lần trước chửa đẻ bình thường thì chắc chắn buồng trứng không làm sao cả” hay “có làm gì đâu mà viêm với nhiễm” ... cũng khiến họ không chịu tới bác sỹ để sớm có các biện pháp chữa trị kịp thời.
Càng để lâu, bệnh càng phát triển nặng hơn và việc chữa trị cũng vì thế mà lâu dài, tốn kém hơn. Các bác sỹ thì tin rằng, vô sinh lần hai luôn dễ chữa hơn vô sinh lần một. Nhưng đó không phải là cái cớ để trì hoãn việc chữa trị hoặc kéo dài thời gian sinh con tiếp theo sau hơn 5 năm.
(Theo Pháp luật Việt Nam)
0 Comments:
Post a Comment