Friday, February 21, 2020

Sắc màu thổ cẩm Hoa Tiến

Bản Hoa Tiến (xã Châu Tiến – Quỳ Châu- Nghệ An) là một trong những cái nôi dệt thổ cẩm nổi tiếng. Khi xưa, người con gái dệt thổ cẩm để làm của hồi môn khi về nhà chồng hoặc dùng trao đổi để góp phần phụ giúp kinh tế gia đình. Ngày nay, thổ cẩm đã trở thành sản phẩm không thể thiếu trong đời sống vật chất và tinh thần của người Thái.

Nhưng cho dẫu thế nào, thì trên mỗi nét thêu đều ẩn chứa cái duyên ngầm ý nhị và bàn tay tài hoa của người phụ nữ Thái. Mỗi tấm thổ cẩm đều bắt đầu từ trồng bông, nuôi tằm, kéo sợi cho đến nhuộm màu, thêu thùa. Đó là cả một quy trình lao động đầy nhẫn nại và sáng tạo.

Sắc màu thổ cẩm

Sắc màu thổ cẩm Hoa Tiến
Phụ nữ Thái bên khung cửi dệt thổ cẩm

Từ quốc lộ 48, gần đến cầu Châu Tiến rẽ vào con đường đổ bê tông uốn lượn qua cánh đồng Tồng Mộng, đến với Làng nghề dệt thổ cẩm Hoa Tiến. Thời điểm giáp tết Kỷ Hợi 2019 này, bà con làng nghề đang tranh thủ dệt vải, thêu thùa.

Chị Sầm Thị Hoa (bản Hoa Tiến 1) cầm tấm thổ cẩm mới vừa dệt xong nói với chúng tôi rằng “Tôi thấy người Thái ở Mai Châu, Hoà Bình thường dệt các loại vải thô, vải sọc, vải có ô vuông theo cách dệt lòng một. Còn người Thái ở Hoa Tiến (Quỳ Châu) chúng tôi lại vừa dệt, vừa thêu với một số kiểu dệt cơ bản như: dệt kết hoa văn trên khung (khuýt); dệt i kat (cạt mí); dệt thảm mạn (hứa hấu); dệt chữ nhân. Chúng tôi hay thêu cài hoa văn bằng các sợi màu đã được chuẩn bị qua các thao tác cài, đan trực tiếp trên khung dệt. Nhiều loại hoa văn khác nhau như voi, rồng, mặt trời hoa lá, cây cỏ…”. Có lẽ nhờ vậy mà phụ nữ Hoa Tiến đã dệt nên những tấm thổ cẩm đẹp nhờ sự sáng tạo của khối óc và sự khéo léo của đôi bàn tay.

Làng nghề Dệt thổ cẩm Hoa Tiến tự phát thành lập từ năm 1994 để phục vụ nhu cầu của khách du lịch tại các điểm tham quan, các khu du lịch trong huyện và các địa phương lân cận như Quỳ Hợp, Quế Phong.

Gần đây, cùng với dự án “Phát triển nông thôn đa lĩnh vực” do Vương quốc Bỉ tài trợ, UBND huyện Quỳ Châu đã mời các chuyên gia, các nghệ nhân nghiên cứu và khẳng định tiềm năng phát triển nghề dệt thổ cẩm của địa phương. Nhờ vậy mà làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến đã thực sự hồi sinh. Chỉ tính năm 2017, toàn huyện dệt được khoảng 22.000m2 thổ cẩm, trong đó có phần đóng góp không nhỏ của cụm bản Hoa Tiến. Bản Hoa Tiến hiện nay có hai tổ dệt thêu, chuyên sản xuất hàng cho nhiều nơi ở trong và ngoài tỉnh.

Trong các dịp lễ hội địa phương như Hang Bua, Thẩm Ồm, đền Chín Gian… những chiếc khăn Piêu truyền thống hoặc kết hợp với nét hiện đại, những chiếc túi, giỏ xách, ba lô xinh xắn được dệt bằng chất liệu thổ cẩm không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Pháp, Bỉ,…

Duy trì và phát triển

Sắc màu thổ cẩm Hoa Tiến
Các sản phẩm thổ cẩm của Làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến

Chị Sầm Thị Bích, Chủ nhiệm Hợp tác xã Làng nghề Thổ cẩm Hoa Tiến cho hay: Trước đây, sản phẩm thổ cẩm được làm ra chủ yếu để phục vụ nhu cầu trong gia đình, làm của hồi môn khi con gái về nhà chồng. Đã là cô gái Thái thì ai cũng phải biết dệt thổ cẩm và thêu thùa, họ thường tự tay làm những bộ chăn, đệm, những chiếc khăn Piêu… và thổ cẩm đã trở nên một phần không thể thiếu trong đời sống vật chất và tinh thần của họ.

Con gái Thái từ 6 đến 7 tuổi phải làm quen với bông, sợi, dệt vải, mười hai, mười ba tuổi bắt đầu làm quen với công việc thêu thùa. Mặc dù vất vả với việc làm nương rẫy, nhưng mỗi khi có thời gian là người phụ nữ Thái lại miệt mài bên khung cửi. Có lẽ cũng vì vậy mà mỗi đường nét hoa văn, mỗi gam màu phối trộn dường như còn thấm đượm tình yêu lao động, yêu quê hương.

Từ những khung dệt thổ cẩm thô sơ được tạo thành từ những thanh tre, ống nứa… người phụ nữ Thái đã dệt nên những miếng thổ cẩm để trang trí cho từng loại sản phẩm mà họ cần. Vì thổ cẩm được dệt hoàn toàn bằng tay nên độ chặt, lỏng, mềm cứng của sản phẩm đều được người phụ nữ Thái điều chỉnh một cách tinh tế.Tính cách và tuổi tác được thể hiện rất rõ trên những sản phẩm thổ cẩm của người Thái. Với những cô gái Thái đang yêu thì không thể giấu nổi tình cảm của mình bằng những gam màu sáng chủ đạo. Còn những người phụ nữ lớn tuổi thì thiên về những gam màu trầm, về những đường nét rắn rỏi và đậm nét suy tư.

Duy trì và phát triển một nền văn hóa, bản sắc dân tộc với phong trào dệt thổ cẩm hiện nay Làng Hoa Tiến có hơn 120 hộ tham gia dệt thổ cẩm, đem lại thu nhập cho mỗi gia đình trung bình 60 đến 70 triệu đồng/năm. Thổ cẩm đã mang thương hiệu Hoa Tiến đi khắp 9 châu 10 mường và có chỗ đứng khá vững chắc trên thị trường trong nước và các nước láng giềng như Lào và Thái Lan.

Chị Lang Thị Kim (ở làng Hoa Tiến, xã Châu Tiến) tâm sự: “Chúng tôi giữ nghề dệt thổ cẩm này là để sản xuất sản phẩm tiêu dung trong gia đình hoặc lúc con cái dựng vợ gả chồng, khi chia tài sản cho co cái ra ở riêng đều có thổ cẩm và những đồ thổ cẩm này còn được dùng để mặc khi đi lễ hội của người Thái. Bên cạnh đó chúng tôi để bán cho du khách khi đến thăm mường quê của chúng tôi”.

Đi giữa thăm thẳm núi rừng của bản Thái cổ, nghe tiếng lách cách khung dệt, thấp thoáng sắc màu thổ cẩm phơi trên hàng rào, lại như thấy nét duyên thổ cẩm từ ngàn xưa vẫn còn rạng rỡ tới hôm nay. Đến với làng Hoa Tiến- Quỳ Châu, đến với một vùng đất cổ thuộc vành đai văn hoá Phủ Quỳ, nơi có những người Việt cổ đã sinh sống từ hàng trăm ngàn năm trước, nơi được thiên nhiên ban tặng những phong cảnh núi rừng hùng vĩ dọc dòng sông Hiếu thơ mộng, nơi có vô số phong cảnh hang động và dòng thác trắng ngần tuyệt tác của thiên nhiên với những cái tên đã trở nên rất đỗi quen thuộc như Thẩm Bua, Thẩm Ồm, Tạt Ngoi, Thác Đũa..và là nơi giai điệu của những tiếng thoi đưa luôn mãi ngân vang.

Sắc màu thổ cẩm Hoa Tiến Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Nguyễn Vinh

0 Comments:

Post a Comment