Friday, November 22, 2019

Chia sẻ cùng mẹ kinh nghiệm dinh dưỡng

Với mong muốn con lớn khôn, khoẻ mạnh, người mẹ thường hay thu thập và áp dụng những kiến thức, kinh nghiệm cũng như những lời khuyên hữu ích trong việc chăm sóc con trẻ. Đáp ứng nhu cầu này, Cô Gái Hà Lan đã nghiêm túc tiến hành nhiều nghiên cứu khoa học về nhu cầu dinh dưỡng của trẻ cũng như những tập quán nuôi con của mẹ nhằm giúp các gia đình nâng cao hơn chất lượng dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày cũng như giúp trẻ có điều kiện tốt để phát triển toàn diện. Sau đây là những chia sẻ của các chuyên gia dinh dưỡng Cô Gái Hà Lan từ kết quả của những nghiên cứu trên để mẹ chăm sóc chế độ ăn uống của trẻ tốt hơn.

Chia sẻ cùng mẹ kinh nghiệm dinh dưỡng
Chăm sóc bé đúng cách sẽ giúp bé lớn khôn khoẻ mạnh

Mẹ thường nghĩ rằng: Trẻ thích gì thì mẹ sẽ cho trẻ ăn thật nhiều món đó, vì trẻ thèm ăn tức là cơ thể trẻ đang thiếu nên đòi hỏi nhiều hơn.

Cô Gái Hà Lan chia sẻ: Không hẳn những gì trẻ thích sẽ tốt cho trẻ. Ở độ tuổi này trẻ cần có chế độ dinh dưỡng đảm bảo đủ về số lượng: ba bữa mỗi ngày, phải cho trẻ ăn bữa sáng, thêm một đến hai bữa phụ trong ngày. Đồng thời phải đảm bảo đủ về chất lượng: mỗi bữa ăn chính cần có đủ bốn nhóm thực phẩm: chất đạm, chất béo, chất bột và rau hay hoa quả. Ngoài ra, phải đảm bảo an toàn vệ sinh: rửa tay sạch trước khi ăn, chọn thức ăn có che đậy, sạch sẽ, không ôi thiu, không có phẩm màu, không ăn quà vặt bán rong ngoài đường... Mẹ nên lưu ý các yêu cầu trên để trẻ không thừa chất này mà lại thiếu chất kia ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

Mẹ thường nghĩ rằng:Uống sữa là cách tốt nhất để trẻ tăng chiều cao tối ưu.

Cô Gái Hà Lan chia sẻ: Sữa là nguồn cung cấp canxi giàu có nhất (bên cạnh các thức ăn như tôm, cua, cá, nghêu, sò...) cho việc phát triển chiều cao. Tốt nhất là có thể uống sữa đều đặn 250 – 300ml sữa mỗi ngày. Bên cạnh đó, để hỗ trợ phát triển chiều cao tốt hơn cũng như đảm bảo sức khoẻ toàn diện hơn, trẻ cũng cần bổ sung thêm những yếu tố vi chất như: vitamin A, D, sắt, kẽm… Vitamin A có nhiều trong gan, lòng đỏ trứng, bơ, sữa béo, rau lá xanh đậm, củ quả vàng đậm. Vitamin D có nhiều trong gan cá, lòng đỏ trứng. Kẽm có nhiều trong hải sản, củ cải, đậu nành. Sắt có nhiều trong các loại thịt đỏ, huyết, trứng... Đồng thời, mẹ cũng nên chú ý cho trẻ học tập và nghỉ ngơi hợp lý. Ngủ tối thiểu tám tiếng mỗi ngày (khoảng bảy tiếng buổi tối, một tiếng buổi trưa). Không thức quá khuya, cần ngủ trước 10 giờ. Dinh dưỡng hợp lý và dành thời gian nghỉ ngơi thoải mái giúp cơ thể phát triển một cách tốt nhất.

Mẹ thường nghĩ rằng: Nên nghe theo lời khuyên của mọi người, hoặc thông tin quảng cáo để chọn mua sữa an toàn và phù hợp cho trẻ.

Cô Gái Hà Lan chia sẻ: Đó là một nguồn thông tin để tham khảo nhưng không nên quá phụ thuộc. Trước sự phong phú về chủng loại sữa trên thị trường hiện nay, nếu không cẩn thận mẹ sẽ rất dễ bị phân tâm bởi những lời quảng cáo hoa mỹ. Có một cách khá đơn giản nhưng không phải ai cũng biết để khỏi mua lầm hàng là đọc kỹ những thông tin trên nhãn sản phẩm để có sự so sánh và kiểm chứng thông tin khi cần thiết. Đặc biệt với sữa, thì cách chọn và đọc nhãn sữa như sau: sữa có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, thương hiệu uy tín, nguồn gốc rõ ràng, thông tin dinh dưỡng, hiệu quả sử dụng? Thành phần dinh dưỡng của sữa thường được trình bày theo đơn vị/100g, đơn vị/100ml hay một lần pha... Mẹ cần quan tâm tới các thành phần chính như: lượng calorie, lượng chất béo, chất bột đường, chất đạm, vitamin, khoáng chất.

Mẹ thường nghĩ rằng: Trẻ tròn trĩnh, mập mạp chắc là trẻ khoẻ mạnh nhờ chế độ dinh dưỡng.

Cô Gái Hà Lan chia sẻ: Nhiều trẻ trông có vẻ mập mạp, tròn trĩnh, nhưng các mẹ hãy cảnh giác, có thể đó là dạng suy dinh dưỡng thể phù. Những trẻ có chế độ ăn và uống sữa kém chất lượng sẽ không hấp thụ đủ lượng chất đạm cần thiết. Trong khi đó, chất đạm đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát triển các mô, hình thành men, kháng thể... trong hoạt động sống của cơ thể. Chất đạm còn tham gia vận chuyển dinh dưỡng, chuyển hoá nước và kích thích bé ăn ngon miệng. Nếu khẩu phần ăn thiếu chất đạm kéo dài, bé sẽ chậm phát triển thể chất, dễ mắc bệnh và nhiễm trùng do sức đề kháng kém, dẫn đến suy dinh dưỡng thể phù (kwashiorkor).

Mẹ thường nghĩ rằng: Hàng ngày mẹ vẫn chuẩn bị trước thức ăn và dùng lồng bàn đậy lại để an tâm khi đón trẻ về là có ngay bữa cơm cho trẻ. Điều này rất tiện lợi và tốt cho cả mẹ lẫn con.

Cô Gái Hà Lan chia sẻ: Tiện lợi thì có nhưng tốt thì không chắc. Trong lúc vắng nhà để rước trẻ, mẹ đâu biết chuyện gì đã xảy ra với thức ăn đã được chuẩn bị của mình! Tốt nhất nên ăn lúc nào nấu chín lúc đó. Không nên ăn thức ăn đã nấu chín nhưng để thời gian quá lâu mà không được bảo quản cẩn thận, vì có thể ruồi, nhặng hoặc gián xâm nhập mang theo mầm bệnh, trong đó có thể có vi khuẩn tả. Dụng cụ dùng để chế biến, dùng trong ăn, uống (như bát, đũa, cốc, chén, muôi, thìa...) sau khi rửa sạch bằng nước lã cần được nhúng lại vào nước đang đun sôi. Tuyệt đối không ăn các loại thức ăn chưa nấu chín như rau sống, tiết canh, gỏi cá, nem chạo, nem chua, không uống nước lã… Thành phố hiện đang có nguy cơ dịch tả, do vậy điều quan trọng hàng đầu để phòng bệnh tiêu chảy cấp tính do vi khuẩn tả là cần “ăn chín, uống sôi”, bảo quản đồ ăn đã chế biến cẩn thận.

(Theo Trung Trần // SGTT Online)

Chia sẻ cùng mẹ kinh nghiệm dinh dưỡng Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Nguyễn Vinh

0 Comments:

Post a Comment