Saturday, November 16, 2019

Cây thuốc trị bệnh cúm

Cúm là một bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp gây bởi virut cúm. Các triệu chứng của bệnh cúm là khởi bệnh đột ngột, sốt đột ngột, nhức mỏi chân tay, đau mình mẩy, đau họng, sổ mũi, ho khan, có cảm giác rất mệt mỏi.

Thể cúm bội nhiễm rất hay gặp, do virut cúm làm giảm sức chống đỡ của các tế bào miễn dịch của phổi. Triệu chứng khi đó là: ho có đờm, lúc đầu có màu trắng, loãng, sau có màu vàng xanh. Người già, trẻ em dễ bị bội nhiễm vi khuẩn gây viêm phổi. Trẻ em mắc bệnh cúm còn hay bị viêm xoang, viêm tai, viêm thanh quản.

Cây thuốc trị bệnh cúm
Trong y học cổ truyền, có nhiều kinh nghiệm sử dụng thuốc từ cây cỏ để điều trị bệnh cúm đạt hiệu quả tốt.

Kim ngân hoa: Cây kim ngân phân bố chủ yếu ở các tỉnh vùng núi và trung du phía Bắc. Bộ phận dùng làm thuốc là hoa sắp nở, có lẫn một số hoa đã nở, phơi hay sấy khô. Cao chiết từ hoa kim ngân được chứng minh có tác dụng kháng virut cúm, thành phần hóa học có hoạt tính là flavonoid toàn phần. Ngoài ra, kim ngân còn có tác dụng kháng khuẩn và chống dị ứng.

Theo y học cổ truyền, kim ngân có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát khuẩn. Được dùng trị cảm cúm, ban sởi, tả lỵ, ho do phế nhiệt (do nhiễm khuẩn, nhiễm virut). Ngày dùng 4-6g hoa hay 10-16g cành lá dưới dạng thuốc sắc, thuốc hãm.

Sài hồ: Sài hồ có tên khoa học là Bupleurum chinense, có nguồn gốc ở Nhật Bản và Trung Quốc và được trồng nhiều nhất ở hai nước này. Gần đây, nước ta đã nhập hạt giống sài hồ từ Nhật Bản và trồng thử ở vùng núi cao Sa Pa, cây sinh trưởng phát triển tương đối tốt. Bộ phận dùng làm thuốc là rễ đã được phơi hoặc sấy khô. Đã nghiên cứu thấy flavonoid toàn phần chiết xuất từ phần trên mặt đất của cây sài hồ có tác dụng kháng virut cúm týp B. Cao chiết từ rễ có tác dụng ức chế sự tăng sinh của virut cúm.

Ngoài ra, sài hồ còn có tác dụng hạ sốt, giảm đau, chống viêm, điều hòa miễn dịch. Trong y học cổ truyền, sài hồ được dùng chữa sốt cao do cảm cúm, cảm lạnh, sốt rét, bệnh nhiễm khuẩn. Ngày uống 4-12g, có thể tới 16g, dạng thuốc sắc, dùng riêng hoặc phối hợp với các vị khác.

Câu đằng: Ở Việt Nam, có 8 loài câu đằng được dùng làm thuốc. Câu đằng phân bố rải rác ở khắp các tỉnh miền núi. Bộ phận dùng là đoạn thân có gai ở kẽ lá, cong như lưỡi câu và cứng của cây câu đằng, phơi hay sấy khô. Một alcaloid indol chiết xuất từ câu đằng có hoạt tính ức chế mạnh virus cúm A. Ngoài ra, câu đằng còn có tác dụng an thần và chống co thắt cơ trơn. Trong y học cổ truyền, câu đằng được coi là có tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, được dùng chữa sốt cao co giật ở trẻ em. Ngày dùng 6-10g, dạng thuốc sắc hoặc bột.

Chú ý: Không nên sắc câu đằng quá lâu, đợi khi sắc các vị thuốc khác gần được mới cho câu đằng vào.

Các bài thuốc chữa cảm cúm

Cây thuốc trị bệnh cúm
Cây sài hồ

Bài 1: Kim ngân hoa, liên kiều, mỗi vị 40g, cát cánh, bạc hà, ngưu bàng tử, mỗi vị 24g; cam thảo, đạm đậu sị, mỗi vị 20g; hoa kinh giới, đạm trúc diệp, mỗi vị 16g. Tất cả sấy khô tán bột, làm thành viên, mỗi ngày uống 12g, chia 3 lần. Có thể ngày dùng 24g bột sắc lấy nước uống.

Bài 2: Kim ngân, thanh cao, kinh giới, mỗi vị 80g; địa liền, cà gai leo, tía tô, mỗi vị 40g, gừng 20g. Tán bột, sắc uống mỗi ngày 16-20g.

Bài 3: Sài hồ 15g, bán hạ 7g, nhân sâm, sinh khương, cam thảo, đại táo, hoàng cầm, mỗi vị 4g. Sắc uống ngày một thang.

Bài 4: Sài hồ 100g, cam thảo 25g. Tán nhỏ, rây bột mịn. Ngày uống 8g với nước.

Điều trị hỗ trợ viêm phổi do nhiễm virut hoặc vi khuẩn

Bài 1: Kim ngân hoa, sinh địa, huyền sâm, mỗi vị 20g; địa cốt bì, sa sâm, mạch môn, mỗi vị 16g, hoàng liên 12g, thủy xương bồ 6g. Sắc uống ngày một thang.

Bài 2: Kim ngân, sinh địa, huyền sâm, mạch môn mỗi vị 20g; liên kiều, uất kim, đan bì, mỗi vị 12g; hoàng liên, thạch xương bồ, mỗi vị 6g. Sắc uống ngày một thang.

Chữa cảm cúm, sốt cao, chân tay co giật ở trẻ em: Câu đằng 10-15g, kim ngân hoa 10g, cúc hoa 6g, bạc hà 4g. Sắc uống ngày một thang.

(Theo Sức khoẻ & đời sống)

Cây thuốc trị bệnh cúm Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Nguyễn Vinh

0 Comments:

Post a Comment