Wednesday, November 27, 2019

Dinh dưỡng cho trẻ năng động

Không ít bà mẹ thắc mắc “Tại sao con mình ăn nhiều mà không lên cân?”, hoặc “Con tôi ăn bằng con hàng xóm mà lại gầy hơn, có phải vì bé chạy nhảy nhiều quá?”, “Có cách nào nuôi con để bé vừa tròn trịa, vừa khoẻ mạnh vừa thông minh không?”... Hãy cùng tìm hiểu về bản chất của hiện tượng “ăn nhiều, vận động nhiều” ở trẻ.
Dinh dưỡng cho trẻ năng động
Nếu trẻ vận động nhiều mà ăn như trẻ vận động ít thì không thể lên cân được. Trẻ vận động cơ bắp như chạy nhảy, vui đùa tiêu hao một lượng năng lượng ngang với người lao động nặng. Cụ thể, nếu ngồi im chỉ tiêu hao năng lượng 1,43kcal/kg/giờ, nhưng nếu đi bộ thì tiêu hao năng lượng 2,86kcal/kg/giờ và chạy thì tiêu hao 8,14kcal/kg/giờ. Như vậy nếu chạy nhảy nhiều, trẻ phải ăn gần gấp đôi bình thường. Nếu trẻ ăn ít, không đủ năng lượng cung cấp ngay lúc đó thì trẻ sẽ phải huy động năng lượng từ tổ chức mỡ dự trữ nên trẻ sẽ không thể tròn trịa hay tăng cân được. Và khi chuyển hoá chất dinh dưỡng để cung cấp năng lượng thì cần nhiều vitamin và muối khoáng như vitamin B1, B2, C, canxi, magie, kẽm, sắt... Do đó nhu cầu năng lượng, vitamin và muối khoáng của trẻ thích vận động cao hơn trẻ bình thường. Tuy nhiên, không phải vì muốn trẻ mập hay tăng cân mà ta bắt trẻ hoạt động ít bởi trẻ hoạt động nhiều là trẻ khoẻ mạnh, năng động, thông minh. Vai trò của cha mẹ là cần hướng trẻ vào những hoạt động có ích và cung cấp đủ nhu cầu dinh dưỡng cần thiết cho trẻ để trẻ phát triển toàn diện.

Bữa ăn cho trẻ dù được nấu theo thực đơn nào thì nguyên tắc chính vẫn là cung cấp nhiều năng lượng, nhiều vitamin và muối khoáng. Với bữa ăn chính, cần tăng cường dầu mỡ trong khẩu phần ăn như thêm dầu ăn vào cháo, phở, mì, nui hoặc thêm bơ vào bánh mì. Vì 1g chất bột và đạm chỉ cung cấp 4kcal, nhưng 1g chất béo cung cấp đến 9kcal. Một lợi điểm là khi cho thêm dầu, mỡ, bơ thì bữa ăn tăng thêm năng lượng nhưng tăng ít về số lượng sẽ giúp trẻ ăn rất dễ dàng.

Ngoài ra cần tăng thêm bữa phụ có đủ dinh dưỡng cho trẻ bằng một ly sữa bột phù hợp với lứa tuổi của trẻ, hoặc một hộp sữa tươi có bổ sung vi chất dinh dưỡng như canxi, magie, kẽm, selen, hoặc một hũ yaourt, một quả chuối, một chén chè đậu sau khi ăn bữa chính. Trước khi trẻ ngủ nên cho trẻ ăn thêm một cữ tối có đủ chất dinh dưỡng như một cái bánh bao, một tô mì, một cái bánh ít hoặc một hộp sữa tươi.

Khi trẻ dưới 10 tuổi thì nhu cầu dinh dưỡng hai giới nam nữ không khác nhau nhiều, trừ khi có sự vận động khác nhau. Nhưng khi trên 10 tuổi thì trẻ trai cần ăn nhiều hơn trẻ gái khoảng 20% năng lượng (khoảng ba chén cơm hoặc hai ly sữa mỗi ngày) vì cơ bắp nhiều hơn nên tiêu hao năng lượng nhiều hơn. Đặc biệt khi vận động nhiều, không nên cho trẻ ăn quá no trước khi vận động nặng vì ăn no sẽ làm trẻ tức bụng có thể ói khi chạy nhảy. Cha mẹ nên cho trẻ ăn thức ăn dễ tiêu để cung cấp năng lượng tức thời như sữa, trái cây, mật ong chẳng hạn.

Sau khi vận động nhiều, trẻ thường rất khát nước và có xu hướng tìm nước mát để uống đặc biệt là trẻ thích nước ngọt. Những lúc như vậy, cha mẹ có thể cho trẻ uống một ly sữa ướp lạnh sẽ thích hợp vì vừa dễ uống và vừa cung cấp vitamin, muối khoáng và cả nước nữa. Ngoài ra, ăn thêm trái cây như chuối cũng giúp bổ sung thêm năng lượng và vitamin, khoáng chất cho trẻ.

Tóm lại, nếu trẻ ưa vận động thì cần phải ăn nhiều hơn bình thường. Ngoài bữa chính còn phải bổ sung thêm bữa phụ. Thức ăn bổ sung không đơn giản chỉ bổ sung năng lượng mà còn phải bổ sung vitamin và muối khoáng. Thức ăn tốt và dễ bổ sung nhất là sữa tươi có bổ sung vi chất dinh dưỡng. Đặc biệt với trẻ – chiều cao còn phát triển – chất đạm, canxi là rất quan trọng. Nếu ăn không đủ cho vận động thì chiều cao cũng sẽ bị ảnh hưởng. Để đáp ứng được nhu cầu đạm và canxi, trẻ từ bốn tuổi trở lên cần uống 300 – 500ml sữa mỗi ngày.

(Theo Tạ Lâm // SGTT Online)

Dinh dưỡng cho trẻ năng động Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Nguyễn Vinh

0 Comments:

Post a Comment