Sunday, December 8, 2019

Phòng bệnh mùa Đông Xuân

Nguy cơ gia tăng bệnh cúm

Mùa đông-xuân là thời điểm thuận lợi cho bệnh cúm hoành hành. Bệnh dễ lây lan qua tiếp xúc trực tiếp, đặc biệt trong các môi trường kín, tập trung đông người. Việc tiêm vắcxin hiện có tại Việt Nam chỉ có tác dụng phòng cúm với các chủng được khuyến cáo trong mùa dịch 2005-2006. Tiêm cúm thông thường cũng là một biện pháp góp phần phòng chống cúm H5N1 ở người, nhất là trẻ em, người già.
Phòng bệnh mùa Đông Xuân
Bình thường, nếu một người đã phòng bệnh cúm thông thường, nếu mắc thêm cúm H5N1 sẽ không quá lo ngại bởi có thể điều trị khỏi nếu phát hiện sớm. Nhưng nếu một trường hợp bị cúm người lại nhiễm thêm cúm gia cầm, khả năng hai virus này tái tổ hợp thành một chủng virus mới có độc lực mạnh hơn, khiến cho khả năng lây lan từ người sang người sẽ rất cao.

Bệnh ở cơ quan hô hấp

Hệ hô hấp rất dễ bị tổn thương. Mùa đông -xuân là mùa các bệnh phổi - phế quản phát triển mạnh do các yếu tố thời tiết: độ ẩm cao, khí áp thấp, nhiệt độ thấp, cộng thêm khả năng đề kháng của cơ thể bị suy giảm, các vi sinh vật (vi trùng, virus, nấm mốc, bụi phấn hoa, ký sinh trùng...) phát triển thuận lợi. Đặc biệt cơ thể dễ nhiễm trùng trong môi trường nhiều khói thuốc. Khi cơ thể nhiễm lạnh, bộ phận đầu tiên bị ảnh hưởng là đường hô hấp trên gây nên viêm mũi, viêm họng, xoang, từ đó nhiễm trùng lan xuống khí phế quản và nhu mô phổi gây viêm phế quản, viêm phổi. Biểu hiện ở những chứng bệnh sau:

1. Hen phế quản:

Phế quản của người bị hen rất nhạy cảm với mọi kích thích gây bệnh như phấn hoa, hóa chất, bụi sinh vật, nấm, mốc, vi khuẩn, bụi vô cơ... hay có nguồn gốc nội tại trong cơ thể như các nội tiết tố, những thay đổi của môi trường bên trong cơ thể...

Trong bệnh hen phế quản, cần chú ý đến: thể khó thở kịch phát (thường gặp ở trẻ nhỏ) thể khó thở liên tục xuất hiện ngay từ đầu thường gặp ở bệnh nhân có tiền sử hen lâu ngày; thể hen có tràn khí màng phổi xảy ra ở người phế nang đã bị giãn; thể hen ác tính, hen do sử dụng aspirin; thể hen có cơn tăng huyết áp kèm theo.

Mùa đông, theo thuyết Ngũ hành, thuộc về hành Thủy, ứng với tạng Thận, thời tiết thiên về lạnh (hàn) và khô. Vạn vật có xu hướng giảm trao đổi với môi trường để tích lũy nội lực cho chu kỳ phát triển tiếp theo vào mùa xuân. Do thời tiết khô, lạnh nên con người dễ mắc bệnh hơn các mùa khác, đặc biệt là bệnh về hô hấp.

Phòng tránh bệnh chủ yếu là phải loại trừ được các yếu tố gây bệnh như tránh lạnh, tránh bụi bặm, ký sinh vật, nấm mốc, phấn hoa... Đến bệnh viện để được điều trị bệnh nhanh, có hiệu quả, cắt được cơn hen trong thời gian ngắn nhất, không để cơn hen phát triển thành ác tính.

2. Viêm khí - phế quản cấp:

Các tác nhân gây viêm khí - phế quản cấp mùa đông - xuân thường là virus cúm influenza A và B, các virus parainfluenza, virus hợp bào hô hấp, virus hạch, virus đường mũi và các loại khác. Phòng bệnh chủ yếu là giữ ấm, không để bị lạnh, chỉ dùng kháng sinh thông thường chống bội nhiễm.

3. Viêm phổi mắc phải ở bệnh viện:

Nguyên nhân gây bệnh là các vi khuẩn bệnh viện đã kháng với một hoặc nhiều kháng sinh, rất nguy hiểm cho bệnh nhân nằm viện, đặc biệt là người bệnh nặng, người già, trẻ em. Vì vậy, việc phòng bệnh hết sức quan trọng. Tỷ lệ tử vong cao nên ngay khi nghi ngờ viêm phổi đã phải điều trị lập tức với kháng sinh phổ rộng và phối hợp ít nhất 2 loại trong tối thiểu 7-10 ngày.

4. Đợt cấp của tâm phế mạn:

Bệnh tim do các bệnh phổi mạn tính (viêm phế quản mạn tính, hen, giãn phế quản, giãn phế nang, lao phổi...) gây ra, dễ gây nên những đợt cấp do nhiễm khuẩn. Bệnh thường đột ngột trở nặng trong mùa lạnh, khó thở nhiều, sau vài đợt sẽ dẫn đến tử vong, thường xảy ra trong mùa lạnh. Do vậy, việc phòng chống không để xảy ra đợt cấp của tâm phế mạn mùa lạnh là vấn đề sống còn, người bệnh phải được biết rõ và tự bảo vệ mình.

5. Giãn phế quản:

Mùa đông-xuân là mùa giãn phế quản ướt (giãn phế quản xuất tiết) biểu hiện rõ nhất, và có tỷ lệ "trở bệnh" cao nhất, người bệnh có biểu hiện chủ yếu là ho khạc nhiều đờm, nguyên nhân thường do vi khuẩn. Lạnh là yếu tố kích thích phế quản xuất tiết niêm dịch, ứ đọng trong các phế quản là môi trường thuận lợi cho nhiễm khuẩn phát triển. Chống lạnh, chống nhiễm khuẩn cần được đặc biệt chú ý.

6. Ápxe phổi:

Viêm phổi, giãn phế quản bội nhiễm mùa lạnh không được giải quyết tốt sẽ biến chứng thành ápxe phổi hủy hoại nhu mô phổi do nhiễm khuẩn, nếu điều trị nội khoa không kết quả phải giải quyết bằng phẫu thuật. Vi khuẩn gây bệnh thông thường là: S. pneumoniae. H. influenzae..., ở trẻ em cần chú ý ápxe phổi do tụ cầu.

Về mùa đông, nên mặc ấm, giữ kín cổ, người già yếu và trẻ em hạn chế đi ra ngoài, khi ra khỏi nhà nên đeo khẩu trang, nhà ở phải kín cửa. Trong nhà, có thể xông hơi nhẹ bằng hương liệu hoặc đốt một quả bồ kết, mảnh vỏ bưởi khô cho không khí thơm, nhẹ, ấm áp. 

7. Lao phổi:

Lao phổi nếu không được chăm sóc, giữ gìn, điều trị tốt sẽ nặng lên trong mùa lạnh. Các thể lao tổn thương rộng, phá hủy nhiều, lao suy kiệt, thể trạng gầy yếu, lao trẻ em mùa đông xuân có tỷ lệ tử vong cao. Ngoài bệnh lao sẵn có, người bệnh còn có thể bị bội nhiễm vi khuẩn S. pneumoniae. H. influenzae trong mùa đông-xuân.

8. Ho ra máu:

Ho ra máu chịu ảnh hưởng rất nhiều của yếu tố thời tiết. Sự thay đổi về nhiệt độ và khí áp ảnh hưởng đến ho ra máu rõ rệt nhất. Nhiễm khuẩn cũng đóng vai trò nhất định trong khởi phát bệnh.

9. Tràn dịch màng phổi:

Mùa đông xuân có tỷ lệ tràn dịch màng phổi cao. Nguyên nhân thường gặp nhất là do lao. Tràn dịch màng phổi khối lượng ít thường dễ bị bỏ qua. Hay gặp nhất là tràn dịch màng phổi trung bình, 1-3 lít. Các trường hợp tràn dịch nhiều ép phổi và các tạng trong lồng ngực phải chọc tháo, tránh tai biến ép tạng, suy hô hấp, dầy dính màng phổi, đóng vôi màng phổi sau này.

10. Suy hô hấp:

Suy hô hấp mùa lạnh thường do nhiễm khuẩn ở người có bệnh phổi - phế quản mạn tính, người nhiễm virus (cúm...). Suy hô hấp sau cúm thường rất nặng, tử vong cao.

Bệnh viêm phổi tắc nghẽn mãn tính thường xuất hiện ở người tuổi trên 40, môi trường làm việc và sinh hoạt tiếp xúc nhiều với hóa chất độc hại (bếp dầu, bếp than, bụi bông...). Đặc biệt, đối với những người có tiền sử hút thuốc lá, sự xâm nhập của bệnh càng dễ dàng.

Theo phép dưỡng sinh, về mùa đông nên đi ngủ sớm, thức dậy muộn, tập thể dục hay đi lại nhẹ nhàng trong nhà hoặc nơi kín gió. Nên ăn các thức ăn có màu đen, tính nhuận như vừng đen, nếp cẩm, đậu đen...

Một số bệnh dễ mắc khác

Mùa đông lạnh giá, sang mùa xuân dương khí mới sinh, âm hàn còn chưa hết nên về đầu mùa, thời tiết vẫn còn lạnh. Với thời tiết, một số bệnh nữa cũng thường hay mắc là: Bệnh ở cơ quan tuần hoàn; bệnh ở cơ quan tiêu hóa; bệnh tiêu chảy mùa đông ở trẻ do adeno virus gây nên kèm theo triệu chứng là nôn, sốt cao và mất nước trầm trọng; nứt nẻ da tay. Cốt yếu vẫn là giữ ấm cơ thể và phòng ở, ăn nhiều gia vị có vị cay, ấm, đặc biệt là tỏi./.

(Theo Khám chữa bệnh)

Phòng bệnh mùa Đông Xuân Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Nguyễn Vinh

0 Comments:

Post a Comment