Từng là dòng sông dữ, một thời làm mưa làm gió, dòng Vàm Nao (An Giang) mang trên mình nhiều giai thoại kì bí. Bên cạnh đó, Vàm Nao còn được mệnh danh là “ổ cá” với nhiều loại cá khủng, đem lại thu nhập cho người dân, tuy nhiên vài năm trở lại đây lượng cá ngày càng cạn kiệt, nhiều người phải “gác lưới” bỏ nghề.
Dòng sông “khó ở”
Nối sông Tiền và sông Hậu, dài chưa tới 7km, nhưng Vàm Nao lại có vai trò quan trọng về mặt giao thông và thuỷ lợi ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Theo một số lão ngư hành nghề tại đây, tuy là “em út” nhưng Vàm Nao lúc nào cũng “nghịch ngợm” bởi nết chảy, với những cuộn nước xoáy, chính vì thế không phải lẻ tự nhiên mà con sông này còn được gọi là “Hồi Oa Thủy” nghĩa là xoáy nước tròn. Nơi đây từng là nỗi ám ảnh của rất nhiều ghe thuyền mỗi khi đi ngang, nếu lọt vào “ma trận” của những xoáy nước là bị “nuốt chửng” ngay, nên mới có câu “Thuyền xuôi Châu Đốc, thả xuống Vàm Nao/ Thẳng tới Ba Sao, coi chừng con nước đấy” như một cảnh báo.
“Nước sông Vàm Nao xoáy dữ lắm, sóng mạnh. Hồi trước, Vàm Nao chưa gọi là sông, đọt tre hai bên bờ còn gần nhau, sau đó do voi với trâu đi nhiều riết rồi thành sông, nước chảy xiết đất bị nuốt dần nên lòng sông ngày càng bự ra”, lão ngư Nguyễn Văn Bên hay còn gọi là Năm Bên (78 tuổi, ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) hồi tưởng.
Vàm Nao một thời vang bóng là nơi “ngự trị” của nhiều loài cá “khủng” như cá mập, cá hô, cá bông lau, cá đuối,… có trọng lượng từ vài trăm kí trở lên, với số lượng dày đặc nên lúc nào cũng ồn ào bởi tiếng cá đập nước. Đến Vàm Nao chúng tôi được nghe những câu chuyện huyền bí và li kì: đó là chuyện bắt cá mập, ông cá Nược, “cọp nước” (cá bông gấm) cắn người, cá sấu thành tinh… đầy bí ẩn, nhưng không kém phần thú vị về thuở khai hoang, chinh phục dòng sông dữ, được truyền miệng từ bao đời nay về con sông “khó ở”.
Nổi tiếng phải nhắc đến là cá Nược (tên của loài cá heo nước ngọt), từng là những người bạn của dân chài “Hồi trước sông này có ông cá Nược, người dân ở đây không ai dám bắt, mỗi khi giăng lưới chỉ cần kêu “Nược đua ơi” thì ổng nổi về bầy bầy, dô tới mé bờ luôn, bơi ào ào, mình mà bơi xuồng không vững là chìm như chơi”, lão ngư Năm Bên bồi hồi nhớ lại.
Lão ngư Năm Bên từng là tay đánh cá lão luyện một thời.
Bấp bênh theo con nước
“Vũ khí” của ngư dân thành đống phế phẩm
Tuy nguy hiểm và lúc nào cũng tỏ ra “khó chịu” nhưng Vàm Nao đã nuôi sống ngư dân qua bao nhiêu thế hệ, điểm tựa vững chắc nhờ nguồn cá dồi dào, đem lại giá trị về mặt kinh tế. Có thâm niên hơn 30 năm trong nghề đánh bắt, có thể nói sông Vàm Nao đối với lão ngư Năm Bên là tri kỉ, từ thuở làm thuê đến khi chọn nghề chài lưới gắn bó đến cuối đời, “Tui già thì tui bơi mình tui, còn người thả nhiều người ta có ghe máy. Tui làm tạm đỡ dưới sông kiếm ăn vậy thôi, chứ già rồi mần gì, làm chừng nào hết sức thì nghỉ. Hồi trước tui chỉ giăng lưới cá nhỏ, lâu lâu mấy “ông” cá bự chừng 7-8 kí cũng chen mắc lưới, dính kẹo nẹo, ăn không hết đem bán cũng kiếm được đồng dô đồng ra. Trước có ông bạn giăng dính cá đuối bằng chiếc đệm, lâu lâu lại nghe bắt cá hô hơn trăm kí”, ông hài hước kể.
Nước sông lấn bờ lấy đất
Không chỉ riêng lão ngư Năm Bên, người dân sống trên sông, mưu sinh bằng nghề giăng lưới bắt cá, hầu như biết được “cái nết” của con sông cũng như tập tính của từng loài cá từ đó có “chiêu” bắt cá, thật ra nói “chiêu” cũng chỉ là dùng các loại lưới và cách giăng phù hợp. Ban đêm thả trên mặt nước ban ngày do ghe thuyền nhiều nên thả sâu xuống đáy sông.
Con đò xuôi dòng Vàm Nao
Đến đây, chúng tôi được ngư phủ “bày” cho cách dụ cá từ những kinh nghiệm suốt khoảng thời giang dài lênh đênh theo con nước. “Giăng lưới cá cơm, hết cá cơm tới giăng lưới cá dảnh cứ theo mùa. Cá thiên nhiên nó đi chớ đâu có chiêu gì đâu, ở không xách lưới quăng xuống sông là có cá. Nhiều khi bắt cá vui lắm thả được con hai con cá bông lau. Làm riết rồi quen khi nào cá lên mình biết, chẳng hạn khi chuyển mưa hay là nước ròng cả nổi nhiều thả lưới là dính liền. Ngày nào trúng mánh kiếm từ 5-7 chục kí cá cơm. Đi là phải có cá đem về”, anh Nguyễn Văn Ngưng (45 tuổi, ấp Bình Thủy, xã Bình Thủy) có thâm niên hơn chục năm trong nghề bủa lưới. Theo chia sẻ của anh Ngưng mỗi tháng khác nhau sẽ có loại cá đặc trưng về khúc sông này chẳng hạn tháng 10 khi mát trời là thời điểm cá thu về nhiều, tháng 11 đến tháng 2 cá bông lau về “ngự trị”, cá cơm, cá sửu, cá dảnh… lúc nào cũng có.
Xuồng máy, phương tiện đánh bắt chủ yếu
Ngày nay Vàm Nao đã bớt “quậy” và trở nên hiền hoà, thế nhưng nguồn cá tự nhiên đang cạn kiệt theo cách bắt cá tận diệt bằng xung điện. “Hồi xưa cá nhiều lắm có mấy ông giăng cả trăm mấy kí. Thường tháng 2 là mùa cá bông lau, giờ tiêu đâu hết, lâu lâu mới dính 1-2 con. Sông này nói thiệt chứ cào điện riết cá mắm cũng hông còn, mười mấy năm giăng lưới tui cũng đành nghỉ.” chú Nguyễn Văn Hiền (54 tuổi, ấp Bình Thủy, xã Bình Thủy) tiếc nuối.
Trong kí ức của ngư phủ, Vàm Nao không chỉ là nơi mưu sinh, mà đó là nơi tám chuyện của những ông bạn già. Việc của ai người nấy làm, đến chiều đậu xuồng xúm lại nhâm nhi vài li rượu đế, với mồi là con cá bông lau nướng thơm phức và kể về “chiến công” sau một ngày thả lưới. Giờ đây, những người bạn của ông người mất, người đã “gác lưới” lên bờ.
Theo người dân cho biết hiện nay cá lớn như bông lau, cá hô trở nên hiếm hoi, những đống lưới trước đây từng là vũ khí đắt lực của người dân dùng bắt cá, giờ “ở không” cũng chẳng mấy khi dùng đến đầy bụi bám.
0 Comments:
Post a Comment