Friday, February 21, 2020

Hà Giang, miền du lịch kỳ thú

Hà Giang, vùng biên ải xa xôi, một không gian kỳ bí đậm chất hoang sơ và những con người thật thà, chân chất ngày đêm vật lộn với thiên nhiên khắc nghiệt để vươn lên làm chủ cuộc sống. Đây là một miền du lịch hấp dẫn, lạ và đem lại nhiều cảm xúc.

Hà Giang, miền du lịch kỳ thú
Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Giang, 18 tuổi đi bộ đội, đôi chân đi khắp mọi miền của tổ quốc, 25 năm sau trở về quê mới cảm nhận đầy đủ vẻ đẹp của vùng đất gắn bó với tuổi thơ, nó vừa lạ vừa phong phú. Vẻ đẹp đó được tạo nên bởi đặc điểm địa lý chia 3 vùng rõ rệt. 4 huyện phía bắc: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc “trên trời, dưới đá” với những dãy núi trập trùng; 2 huyện phía tây: Hoàng Su Phì, Xín Mần “bát ngát ruộng bậc thang” với những cung đường uốn lượn chênh vênh trên sườn núi. 5 huyện thành vùng “thấp”: Bắc Mê, Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình và Thành phố Hà Giang trải rộng dài với đồi núi, thung lũng ven dòng sông Lô, sông Gâm.

Nói đến Hà Giang là nói đến núi non kỳ vĩ, nơi dãy Tây Côn Lĩnh như con rồng uốn lượn từ bắc xuống nam, có đỉnh cao tới 2.419 mét so với mặt biển, nơi rừng nguyên sinh xanh ngát với nhiều hệ thực vật, dược liệu và động vật quý hiếm. Năm 2010 sự kiện Cao nguyên đá Đồng văn được công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu đã đánh dấu một cột mốc đáng nhớ mở ra một vùng du lịch đầy tiềm năng. Thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này một tài nguyên du lịch độc đáo, một trong hai Công viên Địa chất toàn cầu của Đông Nam Á và là một trong 77 di sản thiên nhiên của thế giới.

Hà Giang có vị trí chiến lược đặc biệt hiểm yếu trong bản đồ địa lý, là điểm tột cùng Cực Bắc của Tổ quốc có tới 277 km đường biên giới, tiếp giáp với hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây Trung Quốc. Trong chiến lược phát triển du lịch, đây cũng là một trong những thế mạnh đang được Hà Giang khai thác để chương trình du lịch phục vụ du khách thêm phong phú. Đến với Hà Giang, bạn không chỉ được chiêm ngưỡng một thành phố nhỏ xinh nằm bên bờ sông Lô giữa hai ngọn núi Cấm và núi Mỏ Neo, một đô thị trẻ đang trên đà phát triển thực sự trở thành trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, thương mại độc đáo của một tỉnh biên giới mà còn có thể thực hiện những cuộc leo núi, chinh phục đỉnh núi Mỏ Neo, chinh phục đỉnh Núi Cấm.

Bạn có thể đứng trên đỉnh núi Cấm lộng gió ngay giữa lòng thành phố để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Hà Giang, một vẻ đẹp chỉ ở vùng sơn cước mới có, đó là núi, là sông, là rừng xanh mây trắng, điểm xuyết vào không gian kỳ vĩ ấy là những ngôi nhà cao tầng, cột ăng ten truyền hình, viễn thông, xe cộ chen nhau, tạo dấu ấn vừa hoang sơ vừa hiện đại. Về đêm, thành phố càng trở nên thơ mộng hơn, quyến rũ hơn với hàng ngàn ánh đèn nhấp nháy giữa những hàng cây, với hàng ngàn ngôi sao điện soi xuống dòng Lô Giang như hàng ngàn con mắt biết nói sẻ chia cảm xúc khám phá những điều mới mẻ với du khách. Và bạn sẽ phải trầm trồ: Thành phố Hà Giang thật đẹp, cả ban ngày ban đêm đều đẹp!

Dĩ nhiên bạn không nên bỏ qua vùng cao núi đá, nơi đó là ước muốn được đến của không ít người, bởi chưa “thực mục sở thị” “miền đá” coi như chưa đến Hà Giang. Xin được mời du khách vượt đèo Pác Sum những với cung đường chữ S, chữ M như những sợi chỉ mềm mắc chênh vênh trên sườn núi đến các huyện vùng cao, nơi đây ngày xưa từng lưu truyền câu “Muỗi Pác Sum, hùm Lùng Đán”. Hẳn các bạn sẽ ngỡ ngàng khi đứng trước Cổng Trời, ngẩng nhìn lên tưởng chừng có thể với tới trời xanh, phóng tầm mắt nhìn ra xa là núi tiếp núi mờ xa tít tắp, và dưới kia, Thị trấn Tam Sơn thanh bình nép mình bên triền núi đá trắng bạc. Kia nữa, đôi gò núi gọi Núi Đôi như đôi bầu ngực thiếu nữ mọng căng tràn đầy sức sống. Tiếp tục vượt dốc và qua sông Tráng Kìm bạn sẽ đến Yên Minh với những cánh rừng thông tỏ mờ trong sương núi, trập trùng tiếp nối dọc con đường tới Đồng Văn.

Đồng Văn, một địa danh đại diện cho cả vùng cao núi đá, nơi này mới thực sự là trung tâm của “Hạ long cạn”, đá và đá với muôn hình vạn trạng tạo nên một màu trắng xám hoang sơ. Đến Đồng Văn bạn sẽ thấy mỗi mùa có một vẻ đẹp riêng. Những nương ngô nhấp nhô vô vàn mỏm đá của người Mông bên sườn núi khi ngô vào thì con gái thực sự là những bức tranh nhiều màu sắc có sức cuốn hút mạnh mẽ bước chân du khách. Bạn có thể cưỡng lại ham muốn khám phá không khi trước mắt bạn là những nương ngô bên sườn núi với những mỏm đá trắng xám xen giữa những cây ngô non xanh và những phụ nữ Mông với chiếc váy lanh xòe như cánh bướm rực rỡ đang cần mẫn vun từng nắm đất cho cây ngô? Bạn có thể chối từ không khi trước mắt bạn là cánh đồng tam giác mạch đang trổ hoa rực rỡ? Đến Đồng Văn bạn sẽ được chiêm ngưỡng di tích kiến trúc Nhà Vương ở Sà Phìn – một công trình đã được nhà nước xếp hạng di tích kiến trúc cấp quốc gia, được biết thêm về ông “Vua Mèo” đã từng trị vì nơi đây. Dinh “vua Mèo” không to rộng nhưng đặc sắc, ghi lại dấu ấn lịch sử nơi biên viễn một thời, và ông “Vua Mèo” của vùng đất này là vị thủ lĩnh của người Mông trên cao nguyên đá, vị Đại biểu Quốc hội khóa I (1946) của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, người được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng đôi câu đối “Tận trung báo quốc – Bất thụ nô lệ”.

“Vua Mèo” Vương Chí Sình chính là người đã ủng hộ Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ 22 vạn đồng bạc Đông Dương và 9 kg vàng trong “Tuần lễ vàng”. Từ chối thiện ý của Bác Hồ mời làm Chủ tịch tỉnh Hà Giang, ông chỉ nhận làm Chủ tịch huyện Đồng Văn quê hương ông. Rời Sà Phìn, du khách ngược núi khoảng 20 km lên bản của người Lô Lô để chiêm ngưỡng cột cờ Lũng Cú trên đỉnh chóp cùng tột bắc của tổ quốc. Ngắm lá cờ 54 mét vuông biểu trưng cho 54 dân tộc anh em cùng sống trên mảnh đất hình chữ S bên bờ biển Đông tung bay giữa khoảng trời lộng gió chắc chắn rằng trong ngực bạn sẽ dội lên những cảm xúc về Tổ Quốc thiêng liêng.

Thỏa thuê ngắm nhìn trời, đất trên đỉnh Lũng Cú bạt ngàn gió, bạn trở về với phố cổ Thị trấn Đồng Văn, nơi từng một thời là “Hồng Công” của miền cực Bắc. Cách đây một thế kỷ, các thương gia từ Vân Nam, Quý Châu, Quảng Tây, Quảng Đông, Ma cao, Hồng Công nườn nượp đến vùng đất này buôn bán và ăn chơi. Thị trấn Đồng Văn hôm nay đã và đang thay da đổi thịt với những công trình kiến trúc hiện đại, nhưng phố cổ Đồng Văn nằm dưới chân núi đá vẫn thấp thoáng vẻ nguyên sơ với mái ngói, cột đá cổ, mang vẻ đẹp cả trăm năm tuổi của mình. Ở đây bạn có thể nhâm nhi tách cà phê trong căn nhà trình tường thưởng thức văn nghệ “cây nhà lá vườn” của đồng bào bản địa. Vượt qua Mã Pí Lèng sang Mèo Vạc, con đèo 9 khoanh dài 20 km quanh co, vắt vẻo trên núi cao, nơi giao thoa giữa đất và trời, và sâu thẳm dưới kia là dòng sông Nho Quế mỏng manh luồn lách giữa bạt ngàn vách núi và nương ngô trên sườn đá. Mã Pí Lèng sau những trận mưa rào mùa hạ thường có những thác nước kỳ vĩ từ trên sườn núi cao đổ xuống tung bọt trắng xóa. Những thác nước kỳ vĩ ấy càng đẹp lạ lùng hơn khi mặt trời chiếu rọi những dải nắng mầu nhiệm ánh lên những tia sáng long lanh muôn màu. Từ trên đỉnh đèo bạn mới thực sự cảm nhận được thế nào là trời rộng bao la, rừng núi điệp trùng, một cảnh tượng hùng vĩ khó có thể tìm thấy ở một nơi nào khác. Chưa cần kể đến “Bãi đá hải cẩu” ở Vần Chải, “Vườn thú đá” ở Lũng Pù, “Chợ Tình” ở Khau Vai, chỉ riêng điểm dừng chân nơi đỉnh đèo Mã Pí Lèng thôi đã đủ để níu chân du khách rồi.

Rời Mèo Vạc, bạn có thể theo con mới mở qua Bảo Lạc, Bảo Lâm của tỉnh Cao Bằng vòng về Bắc Mê để trở lại Thành phố Hà Giang hoặc đi thuyền theo lòng hồ thủy điện về Na Hang, Chiêm Hóa thuộc tỉnh Tuyên Quang, thỏa sức ngắm những cánh rừng nguyên sinh đầy bí ẩn. Nếu vòng trở lại Thành phố Hà Giang, du khách có thể tiếp tục cuộc hành trình sang miền tây, tới Hoàng Su Phì, Xín Mần – vùng cao núi đất với bạt ngàn những ngọn núi trẻ và trập trùng ruộng bậc thang, công trình vĩ đại của con người qua hàng ngàn năm khai phá. Từ đây bạn có thể theo đường Cốc Pài, Nà Trì quay lại Quang Bình, Bắc Quang hoặc vượt Xín Mần sang Bắc Hà, Xi Ma Cai tới những miền du lịch kỳ thú của tỉnh Lào Cai.

Sức hấp dẫn của Hà Giang không chỉ bởi vẻ đẹp hùng vĩ của núi non, của sắc màu y phục các dân tộc rực rỡ, của không gian bồng bềnh sương khói, của núi đồi xanh ngắt với những con đường như những dải lụa trắng quanh co… Hà Giang còn đem đến cho du khách cảm xúc về một nơi gần gũi với thiên nhiên, chưa bị sự xô bồ của lối sống hiện đại làm mất đi vẻ thơ mộng, giá trị vốn có của tự nhiên. Công viên đá của Hà Giang vừa được UNESCO công nhận “Công viên địa chất toàn cầu” là công viên duy nhất hình thành từ địa hình đá vôi, kiến tạo qua hơn 400 triệu năm trên diện rộng tới 1.500 cây số vuông sẽ mãi là giá trị vĩnh cửu của tự nhiên.

Ngoài đá, đặc sản văn hóa nổi bật nhất của Hà Giang là chợ. Có chợ phiên cuối tuần ở hầu khắp các huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quản Bạ… Có chợ lùi – một dạng chợ phiên hàng tuần, lần lượt lùi ngày họp ở Phố Cáo. Có chợ cả năm chỉ họp một lần như chợ Phong Lưu (vẫn gọi Chợ Tình) ở Khâu Vai. Nếu coi chợ là thước đo giàu nghèo của một vùng thì ở Hà Giang điều đó không hoàn toàn đúng.

Ở Hà Giang có những chợ, những phiên chợ không phải để bán mua, trao đổi hàng hóa mà thực sự là những ngày hội, là dịp gặp gỡ giao lưu và giãi bày, chia sẻ, là nơi thể hiện và lưu giữ bản sắc văn hóa ngàn đời truyền lại của một vùng. Đến với Hà Giang, tiếp xúc với cư dân bản địa, những con người hiền lành, chân chất và mến khách, bạn sẽ thấy lòng mình nhẹ nhõm và thư thái hơn. Bạn cũng sẽ gặp những chàng trai Mông chân chất mã thượng với những chiếc khèn và điệu múa mạnh mẽ đầy bản sắc vùng cao; gặp những cô gái Mông, những Thào Mỷ của nhà văn Nguyên Ngọc nhưng không hẳn giống như Thào Mỷ trong “Mùa hoa thuốc phiện cuối cùng”. Họ không “im lặng trầm uất như một ngọn núi Mèo cô độc” nhưng họ vẫn rất đáng yêu “khi lẳng lơ như những bông hoa thuốc phiện quyến rũ, khi phấp phới như ngọn gió ào ạt trên đỉnh Săm Pun…”.

Du khách hãy đến Hà Giang một lần để tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp lạ kỳ của thiên nhiên, để ít nhất một lần được trải nghiệm niềm hạnh phúc của sự khám phá và được thả hồn vào không gian khoáng đạt và mộng mơ!

Hà Giang, miền du lịch kỳ thú Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Nguyễn Vinh

0 Comments:

Post a Comment