Nhiều món ăn khi kết hợp cùng nhau sẽ giúp hấp thụ dưỡng chất tối đa. Bạn hãy lưu ý điều chỉnh thực đơn nhé!
Những cách kết hợp có lợi
Yogurt và chuốiYogurt chứa nhiều probiotic, một loại vi khuẩn có lợi cho hệ tiêu hóa, giúp tăng cường hệ miễn dịch và ngăn chặn sự phát triển của các hại khuẩn. Tuy nhiên, probiotic cũng cần prebiotic, một loại chất xơ không tiêu hóa, để tồn tại và phát triển.
Theo nhà khoa học Emma Williams của tổ chức dinh dưỡng nước Anh, khẩu phần ăn gồm prebiotic và probiotic sẽ giúp tăng số lượng vi khuẩn “tốt bụng” probiotic. Chuối là nguồn thực phẩm hàng đầu cung cấp nhiều chất xơ prebiotic. Kế đến là cây a-ti-sô, lúa mạch, tỏi, tỏi tây, hành, cải xoăn, mật và các loại quả mọng như dâu tây, nho… Mỗi buổi sáng, bạn hãy ăn một ly yogurt cùng chuối thái khoanh, giúp cơ thể khỏe mạnh và da mịn màng hơn.
Trà xanh và nước cốt chanh tươi
Trà xanh cung cấp nhiều catechin, một chất chống ô-xy hóa. Các cuộc nghiên cứu cho thấy uống trà xanh mỗi ngày giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư, tim và đột quỵ. Tuy nhiên, chỉ khoảng 20% catechin trong mỗi tách trà được hấp thu vào cơ thể.
Theo nghiên cứu của trường đại học Purdue, Mỹ, vắt nước cốt chanh tươi vào tách trà sẽ giúp chất chống ô-xy hóa tồn tại lâu hơn và cơ thể hấp thu đến 80% catechin. Nước cam cũng có tác dụng tương tự nhưng không hiệu quả bằng quả chanh.
Cà chua và dầu olive
Cà chua chứa nhiều lycopene, sắc tố màu đỏ thuộc nhóm carotenoid, có thể giúp cơ thể chống lại nguy cơ mắc bệnh tim mạch và một số bệnh ung thư như phổi, dạ dày, tuyến tiền liệt. Cơ thể hấp thu càng nhiều lycopene trong cà chua, hiệu quả phòng chữa những căn bệnh này càng cao.
Theo kết quả của nhiều cuộc nghiên cứu, dùng chung cà chua hoặc sản phẩm làm từ cà chua với chất béo (như dầu olive), cơ thể sẽ hấp thu lycopene nhiều hơn. Vì vậy, lần tới khi làm món salad trộn, bạn đừng quên cho thêm sốt cà chua và rưới chút dầu olive nhé.
Nước ép cam và rau cải bó xôi
Sắt là dưỡng chất rất cần thiết cho cơ thể. Thiếu hụt chất sắt trầm trọng làm bạn cảm thấy mệt mỏi, choáng váng. Chất sắt có hai loại: heme iron và non-heme iron. Heme iron dễ hấp thụ vào cơ thể, có nhiều trong thịt đỏ. Non-heme iron là loại cơ thể khó hấp thu, chứa trong nhiều loại thực vật như cải bó xôi, đậu, đậu lăng và quả mơ.
Các cuộc nghiên cứu đã phát hiện khi cho thêm vitamin C vào salad thịt bò với cải bó xôi, chất sắt sẽ dễ hấp thu vào cơ thể hơn. Nói cách khác, non-heme iron đã biến thành heme iron. Vì thế, thêm nước ép cam vào bữa ăn hàng ngày sẽ giúp cơ thể hấp thu chất sắt tốt hơn. Bạn cũng có thể tăng cường loại rau quả giàu vitamin C như ớt chuông đỏ, cà chua… vào khẩu phần ăn nhiều rau để tăng lượng chất sắt cho cơ thể.
Cà-rốt và bơ
Cà-rốt và rau củ có mau cam như khoai lang, xoài… chứa nhiều carotenoid. Đây là nguồn cung cấp vitamin A cần thiết giúp đôi mắt khỏe đẹp.
Các nghiên cứu cho thấy cơ thể sẽ hấp thu lượng vitamin A nhiều hơn khi chúng ta dùng thực phẩm chứa vitamin A chung với chất béo, hoặc đồ ăn có chất béo như quả bơ. Lý do là vitamin A phải hòa tan trong chất béo, cơ thể mới hấp thu được. Vì vậy, để có một đĩa salad cà-rốt hoàn hảo, vừa tốt cho mắt vừa chăm sóc làn da, bạn nên ăn kèm với bơ nhé.
Cặp đôi khập khiễng
Ngoài ra, có những món ăn khi dùng chung với nhau sẽ có tác dụng xấu cho cơ thể. Bạn nên chú ý nhé!Trà đen và ngũ cốc: Polyphenol trong trà đen là chất chống oxy hóa đồng thời cũng ngăn cản cơ thể hấp thu chất sắt. Vì thế, khi ăn thực phẩm giàu chất sắt như ngũ cốc, bạn hãy đợi ít nhất một giờ sau mới uống trà.
Pho-mát và các loại đậu: Can-xi là một trong những nguyên nhân cản trở sự hấp thu chất sắt vào cơ thể. Bạn cần tránh dùng pho-mát (cung cấp nhiều can-xi) chung với rau xanh hoặc các loại đậu có nhiều chất sắt như đậu xanh, đậu nành, đậu Hà Lan, đậu lăng…
Sữa đậu nành và trứng: Trứng giàu protein và hấp thu vào cơ thể nhờ vào hoạt động của enzym protease. Tuy nhiên, sữa đậu nành lại chứa men ức chế trypsin, làm giảm hoạt động của protease. Do đó, khi ăn trứng và uống sữa đậu nành, bạn đã vô tình ngăn cản cơ thể tiêu hóa và hấp thu protein.
Chocolate và sữa:Sữa giàu protein và canxi, trong khi chocolate có nhiều axit oxalic. Khi ăn chung hai món này, canxi và axit oxalic sẽ kết hợp, hình thành chất kết tủa canxi oxalate không hòa tan trong nước làm cơ thể không tiêu hóa, gây tiêu chảy, khô tóc…
Quả hồng và khoai lang: Khi ăn khoai lang, lượng đường sẽ lên men, làm tăng axit hydrochloric trong bao tử. Nếu ăn khoai cùng với quả hồng, axit hydrochloric sẽ kết hợp với chất tannin và pectin trong quả hồng tạo thành chất kết tủa, trở thành sỏi. Những viên sỏi này không hòa tan, dẫn đến chảy máu hoặc loét dạ dày. Vì thế, bạn chỉ nên ăn quả hồng và khoai lang cách nhau ít nhất năm giờ.
( theo dinhduong)
0 Comments:
Post a Comment