Thursday, February 20, 2020

Trải nghiệm du lịch văn hóa, tâm linh ở huyện Cẩm Giàng – Hải Dương

Là một trong những miền quê văn hiến, giàu truyền thống hiếu học và khoa bảng, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) còn là nơi chứa đựng nhiều dấu tích và truyền thống lịch sử lâu đời. Mảnh đất và con người nơi đây đã và đang tạo nên những giá trị văn hoá diệu kỳ, giàu tính nhân văn… Đó sẽ là nền tảng để hình thành nên một vùng du lịch văn hóa, tâm linh hấp dẫn du khách.

Cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km về phía Đông, TP Hải Dương 16km về phía Tây, nằm tiếp giáp các tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên, Cẩm Giàng có hệ thống giao thông thuận lợi, có Quốc lộ 5A và đường sắt Hà Nội – Hải Phòng chạy qua. Hiện nay, Cẩm Giàng còn lưu giữ và bảo tồn trên 200 di tích bao gồm: đình, chùa, đền, nghè, văn miếu… trong đó có gần 20 di tích đã được xếp hạng Quốc gia.

Vào các thời điểm trong năm, đặc biệt là dịp đầu năm, đến với huyện Cẩm Giàng chúng ta sẽ thấy được bầu không khí hân hoan, tấp nập của những Lễ – Hội truyền thống. Đó chính là nét riêng trong đời sống văn hóa, tâm linh của người dân nơi đây. Cùng với đó, mỗi một di tích, công trình tôn giáo tín ngưỡng ở Cẩm Giàng đều ẩn chứa trong đó một câu chuyện lịch sử, sự tích ly kỳ; lễ hội diễn ra hầu hết ở các làng, xã và mang những sắc màu, ý nghĩa riêng. Tiêu biểu trong số đó là Di tích lịch sử Văn Miếu Mao Điền và Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Đền Xưa – Chùa Giám – Đền Bia cùng các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện.

Từ Hà Nội, Hưng Yên xuống; Quảng Ninh, Hải Phòng lên hay từ Bắc Ninh, Thái Bình sang sẽ đưa du khách đến với những điểm, cụm di tích của Cẩm Giàng, đều giáp với Quốc lộ 5. Các di tích ở đây có không gian thoáng, rộng cùng những hình ảnh giản dị, thân thuộc dễ khiến ta như thoát khỏi cuộc sống xô bồ, tâm hồn cảm thấy nhẹ nhàng và trở nên thanh tịnh. Có lẽ chính vì những điều tuyệt vời đó, nên du lịch tại các điểm, cụm, khu di tích lịch sử ở Cẩm Giàng đang dần trở thành một xu hướng mới cho những chuyến đi của nhiều du khách.

Đến với Cẩm Giàng, điểm đến ấn tượng đầu tiên là Di tích lịch sử Văn Miếu Mao Điền (nguyên là Văn miếu và trường thi Hương của trấn Hải Dương xưa do sáp nhập lại mà thành) toạ lạc giữa không gian rộng rãi, thoáng mát cạnh Quốc lộ 5A (thuộc thôn Mậu Tài, xã Cẩm Điền). Khu di tích có diện tích khoảng 3,6 ha, được quy hoạch cân đối và đẹp mắt, bao gồm nhiều hạng mục như: Bái đường, Hậu cung mỗi toà 7 gian, xây theo kiểu chữ Nhị; hai dãy nhà Đông vu, Tây vu; gác khuê văn; gác khánh; lầu chuông, lầu trống; đài Nghiên; tháp Bút; nghi môn; Thiên Quang tỉnh và Khải thánh.
Trải nghiệm du lịch văn hóa, tâm linh ở huyện Cẩm Giàng – Hải Dương
Văn miếu Mao Điền ngày càng thu hút nhiều du khách thập phương

Di tích lịch sử Văn miếu Mao Điền không chỉ là nơi thờ Khổng Tử mà còn thờ các vị đại khoa tiêu biểu: nhà giáo Chu Văn An; Lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi; Danh nhân Văn hóa thế giới Nguyễn Trãi; Trình quốc công, Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm; Đại danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh; Nhập nội hành khiển Phạm Mạnh; Thần toán, tiến sĩ Vũ Hữu và Nghi Ái quan nữ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ. Văn miếu Mao Điền đã trở thành một thiết chế giáo dục, một địa chỉ khuyến học, khuyến tài, một danh lam thắng cảnh, và biểu tượng đẹp của truyền thống văn hiến tỉnh Đông. Vào ngày 18/2 (âm lịch) lễ hội Văn miếu Mao Điền tổ chức, nhân dân ở khắp nơi lại tề tựu về đây và hoà mình vào không khí lễ hội nhằm tỏ lòng biết ơn đối với các bậc hiền tài của quê hương, đất nước.

Tiếp theo chuyến hành trình là đến chùa Giám ở thôn Tân Sơn, xã Cẩm Sơn. Chùa có tên chữ là Nghiêm Quang Tự, có từ thế kỷ XVII. Tương truyền có từ thời Lý theo lối kiến trúc “Nội công ngoại quốc”. Điểm nổi bật của chùa Giám chính là tháp Cửu phẩm Liên Hoa đặt trong nhà phẩm, gồm 9 tầng tạo dáng những dài hoa sen, cao trên 6m, hình lục giác đều, trên thân tháp gắn 145 tượng Phật, phong cách kiến trúc điêu khắc cuối thế kỷ 17. Pho tượng của Đại danh y thiền sư Tuệ Tĩnh được đặt ở nhà Tổ. Tòa Cửu phẩm liên hoa đã được Thủ tướng Chính phủ Quyết định công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2015. Chùa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) xếp hạng di tích Quốc gia 13/3/1974. Trong chùa còn giữ được nhiều cổ vật có giá trị như hệ thống tượng La Hán, 100 pho tượng cổ, 2 chuông đồng lớn, 15 bia đá có từ thế kỷ XVII- XIX. Lễ hội chùa Giám diễn ra từ 14 -16 tháng 2 âm lịch.
Trải nghiệm du lịch văn hóa, tâm linh ở huyện Cẩm Giàng – Hải Dương
Đền Xưa với vẻ đẹp thanh tịnh

Rời chùa Giám để sang đền Xưa (thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ) – nơi thờ Đại danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh. Đền được xây dựng vào thời Lệ khoảng thế kỷ XVII, công trình hiện tại có kiến trúc hình chữ Nhị, đền còn lưu giữ được nhiều cổ vật giá trị như: tượng Tuệ Tĩnh được tạc bằng gỗ đặt trong ngai thờ ở tiền tế và tượng đồng trong khám thờ ở hậu cung. Ngày 02/3/1990, đền Xưa được Bộ VHTT&DL xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. Lễ hội hàng năm diễn ra từ ngày 14 – 15 tháng 2 âm lịch.

 Sau đó, du khách sẽ có chuyến hành trình về đền Bia tại thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn. Đền là nơi thờ Đại danh y thiền sư Tuệ Tĩnh và Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho (người mang nội dung tấm bia có di ngôn của Đại danh y Tuệ Tĩnh từ Trung Quốc về). Đền có kiến trúc kiểu tiền nhất hậu đinh, tả vu, hữu vu và các hạng mục như nghi môn, nhà bia… tạo thành quần thể kiến trúc khép kín đồng bộ. Ngày 20/7/1994, đền Bia được Bộ VHTT&DL xếp hạng là cấp Quốc gia. Hiện trong di tích còn có nhà chẩn trị Đông y với bài thuốc cổ truyền và phương pháp chữa chẩn trị bằng thuốc nam trong đó có một số cây thuốc được trồng tại khuôn viên khu di tích.
Trải nghiệm du lịch văn hóa, tâm linh ở huyện Cẩm Giàng – Hải Dương
Trong hồ trước Chùa Giám có tấm bia khắc di nguyện của Đại danh y Tuệ Tĩnh “Ai về nước Nam cho tôi về với”

Những ngày đầu năm mới và dịp lễ hội vào ngày 1/4 (âm lịch), du khách mọi miền đổ về đền Bia đông hơn cả. Ngoài việc tới đền tham quan, chiêm bái tại đền, du khách còn có thể tham gia vào những hoạt động vui chơi giải trí, mua đồ lưu niệm, mua thuốc nam, xin chữ thư pháp đầu năm và tham quan vườn thuốc nam trong khuôn viên của đền…

Qua chuyến trải nghiệm về huyện Cẩm Giàng, có thể thấy nơi đây có rất nhiều thế mạnh về di tích lịch sử và cảnh quan. Ngày 25/12/2017 vừa qua, huyện Cẩm Giàng được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng cùng một lúc 2 di tích quốc gia đặc biệt đó là Di tích lịch sử Văn Miếu Mao Điền và Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Đền Xưa – Chùa Giám – Đền Bia tại Quyết định số 2082/QĐ-TTg. Hy vọng, đây sẽ là điểm tựa vững chắc cho lĩnh vực du lịch của huyện Cẩm Giàng ngày càng vươn xa.

Trải nghiệm du lịch văn hóa, tâm linh ở huyện Cẩm Giàng – Hải Dương Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Nguyễn Vinh

0 Comments:

Post a Comment