Thursday, February 20, 2020

Động Kính Chủ và những bài thơ trên vách đá

Động Kính Chủ vẫn là một cảnh đẹp, một bảo tàng lưu giữ các văn bia và các tác phẩm điêu khắc của thợ đá ở đây đã 7 thế kỷ qua. Đây được coi là một di sản vô cùng giá trị mà nơi khác không có.

Từng được coi là Nam Thiên đệ lục động (động đẹp thứ 6 trời Nam), Động Kính Chủ ở làng Dương Nham, xã An Sinh, huyện Kinh Môn (Hải Dương) là nơi có cảnh quan đẹp và kỳ thú. Trong đệ lục động còn có một bảo tàng văn bia cổ vô cùng giá trị của các bậc danh thần, danh nhân cách đây khoảng 7 thế kỷ.

Từ phía xa, phóng tầm mắt sẽ thấy kỳ quan Kính Chủ trông giống như một hòn non bộ giữa mênh mông trời đất, tới gần sừng sững những ngọn núi đá với nhiều hình thế đến lạ kỳ. Ở xung quanh Động Kính Chủ là hàng loạt những hang động đã được lịch sử của địa phương ghi chép như Hang Vang, Hang Mũ Nước (Hang Ma), Hang Trâu, Hang Luồn, Động Cô Tiên… cùng những cánh đồng trù phú và xóm làng đan xen, đẹp như bức tranh lãng mạn trong chuyện cổ tích.

Động Kính Chủ có nền ở độ cao trên 20m so với đồng ruộng ở chân núi, ánh sáng tốt, thoáng về mùa hè, ấm áp về mùa đông và cũng từng là nơi cư trú thuận lợi của người tiền sử. Bằng chứng là có nhiều di vật và công cụ lao động của người xưa đã được tìm thấy.
Động Kính Chủ và những bài thơ trên vách đá
Hang động nơi đây đẹp và kỳ thú, là điểm đến hấp dẫn du khách thập phương

Trong động là chùa Kính Chủ thờ Phật, Minh Không thiền sư, Lý Thần Tông, Huyền Quang tôn giả và nhiều tượng trong kinh Phật được tạc bằng đá. Ở bên trái cửa động có bốn chữ lớn “Vân Thạch thư thất” (Nhà sách Vân Thạch) và bốn chữ nhỏ “Phạm Sư Mạnh Thư” (Phạm Sư Mệnh viết) vốn là nơi đọc sách của Phạm Sư Mệnh – một vị quan nổi danh thời Trần. Động Kính Chủ được con người tôn tạo, bảo vệ và cùng với những cảnh quan của dãy Dương Nham trở thành một thắng cảnh ở cửa ngõ miền Đông Bắc đất nước, liền kề miền châu thổ sông Hồng.

Có lẽ do những yếu tố đẹp đẽ đó mà nhiều danh thần, danh nhân các thời đại đã đến đây. Đồng thời, cũng có nhiều vua, chúa, sư sãi, quan lại đến thăm động, cảm xúc trước cảnh quan kỳ vĩ và tươi đẹp của núi sông, để lại dòng suy tư với đất nước và thời cuộc. Những cảm xúc đó đã được những người thợ đá nơi đây ghi lại trên 50 văn bia ở vách động, hiện nay có 47 văn bia qua các thời kỳ còn đọc được với nhiều kích thước, hoa văn và kiểu dáng. Chữ khắc trên bia chủ yếu là chữ Hán, chữ Nôm và cả chữ Quốc ngữ. Nội dung các bia cũng rất phong phú: Bia công đức cho việc làm và trùng tu chùa, tu tạo hang động, cảnh quan, tạo tượng Phật, trồng cây, ghi tên các hội viên của Hội Tư Văn huyện Hiệp Sơn, làm cầu, làm đường đá, nghề đục khắc đá, ghi tên các cụ già có công với làng, với chùa, bia ghi các Hậu Phật, ghi danh các tiến sĩ ở huyện Hiệp Sơn, ghi tên hội viên Hội Tư Văn Tổng Kính Chủ, quy định việc tế lễ người có công đức, cả những ghi chép mang tính bút ký về cảnh vật.
Động Kính Chủ và những bài thơ trên vách đá
Những bài thơ trên vách đá động Kính Chủ khiến nhiều nhà nghiên cứu và những người yêu thơ, văn đến tìm hiểu một cách say mê

Trong số đó có bài thơ khắc chữ Quốc ngữ của tác giả Trần Quốc Trịnh được tạc trên vách động năm 1935 gây nhiều cảm xúc cho du khách khi lui tới:

         “Kính chủ đây rồi hỏi chủ đâu

          Chùa trông thăm thẳm tận hang sau

          Tiếng đàn ai trước còn như vọng

          Nét bút đề kia chửa nhạt màu

          Non nước chứa chan lòng tưởng tượng

         Cỏ hoa ngơ ngác mặt công hầu

         Mấy phen dâu bể, người kim cổ

         Cảnh vẫn bền nguyên dạ khác nhau”

Năm 1950, giặc Pháp tràn về Kính Chủ, đóng quân trong động, phá hoại nhiều di vật quý. Đến năm 1967, giặc Mỹ ném bom trước cửa động, phá hủy hoàn toàn những công trình kiến trúc và cây cối xung quanh. Và cũng đã có giai đoạn tình trạng khai thác đá khó kiểm soát…

Tuy vậy, động Kính Chủ vẫn là một cảnh đẹp, một bảo tàng lưu giữ các văn bia và các tác phẩm điêu khắc của thợ đá ở đây đã 7 thế kỷ qua. Đây được coi là một di sản vô cùng giá trị mà nơi khác không có.
Động Kính Chủ và những bài thơ trên vách đá
Trên khe núi, cây hoang dại sống quấn quýt cùng các dây leo

Thêm nữa, nếu đi vòng quanh quả núi sẽ có rất nhiều hang kiểu hàm ếch với cảnh đẹp tự nhiên kỳ ảo. Ở chân núi có rất nhiều cây xanh được trồng để giữ bóng mát và tạo cảnh quan cho di tích. Trên núi cây hoang dại sống và các dây leo quấn quýt như giữ cho quả núi một màu xanh vĩnh cửu…

Những năm gần đây, du khách đến với “Nam Thiên đệ lục động” không chỉ chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên, thưởng thức thơ văn mà còn thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng tâm linh và tìm hiểu lịch sử.
Động Kính Chủ và những bài thơ trên vách đá
Cán bộ của Ban quản lý di tích Kinh Môn thuyết minh về lịch sử động Kính Chủ và những bài thơ trên vách đá

Ngày 25/12/2017, Hệ thống bia ma nhai Động Kính Chủ được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia theo Quyết định số 2089/QĐ-TTg. Cùng với Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Quần thể An Phụ – Kính Chủ – Nhẫm Dương đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Đó sẽ là động lực để huyện Kinh Môn phát huy hơn nữa những giá trị của di sản, di tích, cảnh quan… gắn với phát triển du lịch bền vững.

Động Kính Chủ và những bài thơ trên vách đá Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Nguyễn Vinh

0 Comments:

Post a Comment