Tuesday, June 16, 2020

Ba cụ bà còn lại trong trại phong bỏ hoang

Nằm trên một ngọn đồi - phần lớn là đất chôn cất của người dân thôn Đá Bạc, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội - trại phong Đá Bạc lẽ ra luôn lặng lẽ như nó vốn có - nếu không có sự viếng thăm thường xuyên của những đoàn thiện nguyện. Sự chân chất, cam chịu dần phai màu theo những món quà, số tiền dúi tay… của những người đến thăm…

Những câu chuyện buồn cũng bắt đầu từ đây…

Nơi thời gian dừng lại

Trại phong Đá Bạc được xây dựng từ những năm 1950, là nơi sinh sống và điều trị miễn phí cho hơn 100 bệnh nhân. Trải qua hơn nửa thế kỷ, do cơ sở vật chất xuống cấp, kết hợp việc nhường đất cho dự án khác, năm 2013, Nhà nước đã di dời trại về cơ sở mới tại tỉnh Bắc Ninh.

Tuy nhiên, thời điểm đó, có 10 cụ già xin ở lại - với lý do lo hương khói cho người thân, hoặc không thể xa rời mảnh đất mình đã gắn bó nhiều năm.

Ba cụ bà còn lại trong trại phong bỏ hoang
Ảnh: Trại phong Đá Bạc nhìn từ xa

Qua thời gian, có người mất, có người theo người thân về quê, đến nay, trại phong chỉ còn lại ba cụ bà cuối cùng. Khung cảnh hoang vắng nay càng hoang vắng hơn, khi những dãy nhà tường gạch tróc lở ngày càng thu mình dưới giàn cây dây leo dại mọc cao ngút ngàn.

Đứng từ xa nhìn - người ta chỉ biết đó là một khu đất hoang, hoàn toàn không biết nơi đây đang có sự tồn tại của ba con người. Nhưng bước vào trong, lại là những vườn rau xanh mướt. Cây trái vào mùa ra hoa kết nụ với giàn mướp và giàn chanh leo sai trĩu quả. Đến cả loài cây “lạnh lùng” nhất - là xương rồng - cũng bung hoa đỏ thắm một góc hiên. Trên sân, gà vịt theo bầy đàn kiếm ăn dưới những buồng chuối, cây mít sum suê trái…

Bằng bàn tay không còn nguyên vẹn, ba người phụ nữ vẫn có thể tự cầm dao, búa, kéo để bắc giàn cho cây dây leo, hay đơn giản chỉ là mắc cái dây phơi. Ngoài cây trái, gà, vịt, chó, mèo làm bạn, giờ đây các cụ bà còn có thêm đài, ti vi được các nhà hảo tâm đem tới… để giao tiếp với thế giới bên ngoài.

Mỗi người đều có điểm tựa tinh thần, bà Liên, bà Sợi theo Phật, bà Oanh theo Chúa.

Bà Sợi thích ngồi bên chiếc ghế đá dưới gốc mít, ngắm gà vịt và cây trái. Thi thoảng bà lần giở những tấm ảnh cũ, nhớ về những người đã đi qua cuộc đời mình, khiến mình đau khổ hay hạnh phúc. Những bức ảnh ố vàng bởi mồ hôi tay, mỗi ngày đưa bà về ký ức rực rỡ hoặc buồn đau. “Đó là cách để cho một ngày đi qua” - bà Sợi chia sẻ.

Bà Liên gần như ở cả ngày trên ngôi chùa ngay cạnh trại phong dù phải bám vào xe lăn để di chuyển khó nhọc.

Với bà Oanh - cách để một ngày trôi qua - là làm việc thật nhiều. Không hái mướp, thì bà tỉa lá cho giàn chanh leo. Rồi bà trở đi trở lại mấy cái áo phơi từ sáng sớm, ra vườn sau đuổi con gà, chạy vào nhà đuổi con mèo đang lăm le ăn vụng… Hết việc để làm, bà đạp xe vòng quanh trại, một cách rất chậm rãi, vừa để quan sát, vừa để vận động cho đôi chân bị thấp khớp nặng…

Họ sống một đời sống bình yên, chậm rãi bên lề dòng chảy hối hả chỉ cách đó một bức tường phủ kín dây leo. Một cuộc sống tự cung tự cấp đúng nghĩa, khiến khách tới thăm tưởng như đang lạc vào những năm tháng xa xưa nào đó…

Cuộc sống có còn nên thơ?

Dù còn nhiều thiếu thốn, khó khăn về điều kiện sống như môi trường kém vệ sinh… nhưng có lẽ trước khi quyết định ở lại, các cụ bà đều đã lường trước cuộc sống này. Họ vui vẻ chấp nhận vì phần lớn đều muốn ở cạnh người thân đã khuất của mình - nằm trong nghĩa trang của trại cách đó chừng 100m.

Nhưng kể từ khi được nhiều người biết tới, các đoàn thiện nguyện tới thăm hỏi thường xuyên - cuộc sống của ba người phụ nữ cuối cùng tại trại phong cũng có nhiều thay đổi.

Bà Sợi giờ chỉ đem ảnh ra khoe với khách, không còn một mình đắm chìm cùng quá khứ… Câu chuyện cuộc đời mình bà kể đi kể lại thuộc làu, đến mức có khi người ngồi cạnh chưa kịp hỏi, bà đã chủ động: “Để bà kể chuyện đời bà cho cô nghe nhé”… Tuy nhiên, ở bà vẫn còn sự chân chất, hiền hậu của một người đàn bà cả đời chưa đi xa khỏi nơi ở bao giờ…

Người được cho là khó gần nhất tại trại phong, là bà Khuất Thị Oanh, giờ đây lại là người xởi lởi, chủ động tiếp chuyện nhất với người đến thăm. Trong câu chuyện của mình, người phụ nữ luôn đề cập đến việc bà bị đau mỏi, bà thiếu thốn cái này, cái kia.

“Đây này, chân bà thấp khớp đau lắm. Không có tiền mua thuốc, cũng không có đôi giày để đi. Bà vừa đạp xe đi mua mì tôm về ăn chứ cơm có đâu mà ăn” - bà nói ngay khi khách vừa trao tay gói quà gồm gia vị, dầu ăn và một ít gạo. Rồi bà chủ động: “Để bà đạp xe cho cô quay phim nhé! Các anh chị đến đây quay phim đều cho mỗi bà 100 ngàn đấy”.

Dường như chờ mãi chưa thấy “cô quay phim” cho tiền, ngay khi thấy một đoàn từ thiện khác vừa đến tổ chức nấu nướng tại trại, bà bỏ mặc người khách mà trước đó bà rất hồ hởi tiếp đón để qua đoàn khách mới. Sau đó, bà trở lại căn phòng của mình, nhờ “cô quay phim” giúp bà chặt luôn giàn mướp và giàn chanh leo. Vừa làm bà vừa phàn nàn về bà Liên.

Việc chặt phăng hai giàn cây ăn trái, theo bà, là hành động cảnh báo người phòng bên đã không biết điều. “Không có chung chạ gì nữa. Của đứa nào đứa ấy lo”. Sau mỗi câu nói bà Oanh lại dằn mạnh con dao lên cây tre bắc làm giàn.

Sẵn cơn giận, bà tiết lộ luôn mối hận với người đàn ông bà yêu khi còn trẻ. Qua lời bà, với những đại từ nhân xưng “kém sang” - mối tình đầu hiện ra là người đàn ông bội bạc, vong ơn bội nghĩa.

“Tôi nguyền rủa cho đời nó sẽ chẳng ra gì khi bỏ tôi. Và đúng là đời nó sau này chẳng ra gì thật” - giọng bà Oanh hả hê khi kết thúc câu chuyện về người cũ.

Bà từng gặp được người đàn ông cùng cảnh ngộ trong trại. Họ kết hôn và có với nhau tới năm người con. Sau này cuộc sống quá khó khăn, bà đều đem những đứa con cho người khác làm con nuôi. Chồng chết, bà muốn ở gần ông nên chọn ở lại trại phong hoang vắng này. Bà luôn khẳng định mình đơn độc trong hơn 50 năm qua, kể từ khi từ giã gia đình vào với trại phong.

Bà kết thúc câu chuyện bằng nỗi trăn trở: “Khó khăn nhất của chúng tôi vẫn là đồng tiền bát gạo. Tiền chẳng có mà mua thuốc, xà phòng, hay mua cái gì ăn. Tháng nào có thì ăn cơm, không có thì nấu cháo…”.

Lãnh đạo địa phương cho biết, những người ở lại hằng tháng vẫn nhận được trợ cấp mỗi người 700.000 đồng, được khám chữa bệnh miễn phí… Người dân quanh đó thi thoảng vẫn mang biếu khi thì bát canh cá, lúc thì gói xôi… Chính bà Sợi còn khẳng định: “Mình già rồi, ăn uống có quan trọng gì đâu, cả vườn rau, khoai sắn ngoài kia làm cũng để cho vui, giết thời gian ấy mà”. Vậy mà qua lời bà Oanh, dường như họ bị cả xã hội quay lưng.

“Rất nhiều bệnh nhân ở đây đã bị hắt hủi bởi chính gia đình, người thân của họ, nhưng may mắn thay, họ đã tìm được một gia đình mới ở trại phong này. Nhiều người ghé thăm đã khuếch trương sự nghèo đói và đau khổ của các cụ mà sự thật không phải như vậy” - đại diện chính quyền xã khẳng định.

Có lẽ, sự “nhiệt tình” của các đoàn từ thiện như mưa dầm thấm lâu, khiến một số cụ muốn bi kịch hóa cuộc sống vốn yên bình của mình. Từ chỗ được “cho”, dần dần họ tự thấy mình có quyền được “đòi”…

Ba người đàn bà cô độc cuối cùng của trại phong bỏ hoang này đã bớt đi nhiều thân thiết, gắn bó, như khi họ còn biệt lập với thế giới bên ngoài. Khách đến, họ không còn cùng nhau đón tiếp như xưa…

Thậm chí, bà Liên giờ chẳng còn màng đến chuyện “có tiếng người cho vui cửa vui nhà” như bà từng ao ước. Niềm vui của bà bây giờ gửi trên chùa, chỉ đến tối bà mới trở về ngả lưng trên chiếc giường đơn sơ, gọn gàng của mình… Dường như bà đã rũ bỏ muộn phiền, chỉ chờ ngày phiêu diêu về miền cực lạc…

Giống như những hoa trái cuối mùa, bừng sáng một lần để rồi đi vào vĩnh viễn - họ - ba người đàn bà cô độc nơi trại phong hoang vắng, giờ đây là ba mảnh đời tách biệt, thay vì nương tựa vào nhau để sống. Một cái kết, nhiều nỗi buồn, ít niềm vui so với những gì các nhà hảo tâm, đoàn thiện nguyện mong đợi.

CHÂU MỸ/ Báo Phụ Nữ

Ba cụ bà còn lại trong trại phong bỏ hoang Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Nguyễn Vinh

0 Comments:

Post a Comment