Wednesday, November 27, 2019

Giải nhiệt cho người cao tuổi

Thời tiết nóng nực, khó chịu trong những ngày này khiến nhiều người dễ bị cảm nắng, trúng nắng, đặc biệt là với người cao tuổi, trong trường hợp nặng, nếu không cấp cứu kịp thời sẽ rất nguy hiểm.

Vì sao người già thường "suy kiệt" vì nắng?

Giải nhiệt cho người cao tuổi
Người cao tuổi do sức đề kháng suy yếu, lượng nước trong cơ thể cũng kém hơn bình thường, vì vậy khi nhiệt độ tăng cao rất dễ bị tổn thương. Năm ngoái, thông tin báo chí cho biết ở châu Âu có trên 1.000 cụ già tử vong vì không chịu nổi nắng nóng.

Bình thường nhiệt độ cơ thể ở mức 37 độ C, khi nhiệt độ bên ngoài lên cao trên 38 độ C, lập tức hệ thần kinh tìm cách điều tiết nhiệt bằng cách ra mồ hôi, để nhiệt độ hạ xuống. Ở người già sức đề kháng suy giảm, hệ thần kinh không còn nhạy bén, vì vậy dù ở trong nhà, nhất là những căn nhà mái tôn, hơi nóng cũng có thể làm cơ thể bị tổn thương, nếu nhẹ, gọi là cảm nắng, cảm nóng, nặng hơn là say nóng, trúng nắng...

Triệu chứng:

- Trường hợp nhẹ, say nắng nhẹ (còn gọi là cảm nắng - cảm thử): người bệnh có cảm giác khó thở, mỏi mệt như sắp ngất, mặt đỏ, da khô và nóng, khát nước, đau cơ bắp, đau bụng, muốn nôn, nôn mửa, các mạch máu ở cổ, thái dương đập mạnh, người uể oải không muốn làm việc, có thể sốt 38-39 độ C.

- Trường hợp nặng (gọi là trúng nắng - trúng thử): ngoài những triệu chứng trên, bệnh nhân bị nhức đầu nhiều, mặt tái nhạt, da tím tái, ra mồ hôi nhiều (có khi không), chuột rút, tim đập nhanh, có thể ngất, mê man, ngừng thở...

Có những trường hợp bệnh xuất hiện rất đột ngột, người bệnh đang làm việc thì vật vã, ngất đi, mê sảng, co giật, nhiệt độ có thể lên đến 41-42 độ C, thở nhanh, tim đập nhanh, mạch yếu, trụy mạch, đồng tử giãn...

Trúng nắng, nếu không cấp cứu kịp thời, nhất là với người cao tuổi, dễ gây rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, hoại tử ống thận cấp, đông máu nội mạch rải rác, tụ máu dưới màng cứng và trong não.

Xử trí khi cảm nắng

Đem ngay nạn nhân vào trong bóng mát, nới rộng quần áo, nịt ngực...

- Trường hợp nhẹ: Lau nước mát khắp người cho bốc hơi, quạt mát người bệnh. Cho uống nước âm ấm có pha ít muối, đường, uống từng ngụm cho đến khi hết khát thì thôi.

(Chế nước uống: 1 lít nước (đun sôi để nguội), thêm 1 thìa cà phê (4g) muối, 8g đường. Nếu được cho thêm 1 quả cam hoặc chanh (để có sinh tố C), hòa đều, cho uống dần).

- Trường hợp nặng: Lau nước mát khắp người, xoa bóp chân tay liên tục cho đến khi tỉnh.
Nếu trúng nắng nặng (hôn mê, trụy mạch, cơ thể lạnh, hơi thở yếu hoặc thở dồn dập)..., bệnh nhân cần được cấp cứu ngay để chống lại sự tăng nhiệt độ, mất nước và chất khoáng, chống trụy mạch và rối loạn thần kinh. Vì vậy, sau khi sơ cứu xong phải nhanh chóng chuyển ngay người bệnh đến bệnh viện gần nhất để theo dõi và cứu chữa kịp thời.

Những ngày trời nắng nóng, có thể dùng những thức uống sau, vừa thanh nhiệt (giải nhiệt), vừa tăng sức chống đỡ nắng nóng bên ngoài cho người già:

- Cà chua 40g, dưa hấu 30g:

Cà chua, bỏ hột, bỏ vỏ, thái nhỏ, cùng với dưa hấu (lấy thịt đỏ, bỏ hột) thái miếng, cho vào ít nước, dùng máy xay sinh tố xay thành nước, thêm ít đường, uống trong ngày.

Theo Đông y, cà chua tính hơi hàn, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, làm mát máu, bình can, chống nóng, giải khát. Dưa hấu được coi là "vua các trái cây" trong mùa hè (hạ quý thủy quả chi vương). Người Trung Quốc có câu: "Nhiệt thiên lưỡng khảm qua, dược vật bất dụng qua" (trời nóng ăn hai quả dưa, không cần phải uống thuốc). Nếu để trong tủ lạnh một lát rồi đem ra uống sẽ tận hưởng sự sảng khoái ngay khi vừa nuốt khỏi cổ...

- Mía lau, rễ cỏ tranh:

Mía lau 20g rửa sạch, chặt khúc 10cm, chẻ làm 4. Rễ tranh 20g, rửa sạch, giã dập. Đun sôi với 1,2 lít nước. Khi nước sôi, để lửa nhỏ thêm 15 phút. Để nước nguội, lược qua rây, lấy nước trong, cho vào ngăn mát tủ lạnh (hiện nay được làm sẵn thành từng gói dùng rất tiện).

Rễ cỏ tranh, nếu đập dập sẽ tăng tác dụng thanh nhiệt mạnh hơn là không đập dập.

- Hạ khô thảo, cúc hoa, lá dâu tằm ăn: mỗi vị 20g. Nấu với 1,5 lít nước, còn 1 lít, lọc lấy nước uống dần trong ngày. Hiện nay được làm sẵn dưới tên "Hạ tang cúc", "Tinh xung tễ" (dạng bào chế).

Điều dưỡng

- Ra ngoài nắng gắt, nên mặc áo choàng dài, rộng, thoáng, màu sáng... bằng vải, tránh cởi trần.

- Khi đi làm vào những ngày nóng quá, phải uống nước đầy đủ.

- Đội nón, mũ rộng vành để che kín được gáy.

- Nắng gắt quá, nên vào nghỉ trong bóng râm.

Lương y Hoàng Duy Tân/(Nguồn: Phụ nữ online)

Giải nhiệt cho người cao tuổi Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Nguyễn Vinh

0 Comments:

Post a Comment