Thursday, November 14, 2019

Thai nhi 22 tuần tuổi: thông tin hữu ích và lời khuyên dành cho mẹ

Bé nhà bạn lúc này đã dài 27cm, tính từ đỉnh đầu tới gót chân. Mí mắt và lông mày đã phát triển đầy đủ. Móng tay cũng đã đủ dài.

Sự phát triển của trẻ

Thai nhi lúc này nặng khoảng 360g, dài xấp xỉ 27cm, tính từ đỉnh đầu đến gót chân.

Lông mày và mí mắt đã phát triển hoàn thiện và móng tay thì đã ôm kín các đầu ngón tay.

Da bé vẫn còn nhăn nheo cho đến khi lớp mỡ dưới da được hình thành đầy đủ. Tóc và lông măng bao phủ cơ thể bé đã có thể nhìn thấy được.

Môi của bé cũng ngày càng rõ nét hơn. Dấu hiệu đầu tiên của những chiếc răng cũng xuất hiện bên dưới lợi.

Mắt bé cũng hoàn thiện và tròng mắt đã xuất hiện (dù vẫn còn thiếu các sắc tố màu). Bộ não cũng bắt đầu phát triển tương đối nhanh chóng.

Các giác quan của bé càng lúc càng hoàn thiện. Nụ vị giác không chỉ hình thành trên lưỡi mà còn trong não bé. Bé cũng có thể cảm nhận một vật khi chạm vào vật đó. Bé chạm tay vào mặt mình, mút ngón tay cái hay cử động tay chân cũng là cách để bé trải nghiệm những giác quan mới.

Câu nói “Trẻ con hay nghe lỏm” rất đúng trong trường hợp này khi bé đã hoàn toàn có thể nghe thấy bạn nói. Bạn có cần trò chuyện với bé, hát hay đọc truyện cho bé nghe? Một số nghiên cứu cho thấy một đứa trẻ mới sinh sẽ trở nên hoạt bát hơn khi được mẹ cho ăn nếu bạn đã từng thường xuyên đọc sách cho bé nghe từ lúc còn ở trong bụng.

Hãy lựa chọn những bản nhạc cổ điển hay xem những gì bạn yêu thích hoặc chỉ đọc một số cuốn sách nào đó, túm lại là bất cứ thứ gì làm bạn hứng thú. Hãy đọc to lên nhé chứ không phải là đọc thầm đâu đấy.

Nếu có thể, hãy đọc cho bé một câu chuyện thú vị nhất trước khi đi ngủ hằng ngày ngay sau khi bé chào đời.
Thai nhi 22 tuần tuổi: thông tin hữu ích và lời khuyên dành cho mẹ
Thai nhi tuần thứ 22: Câu nói “Trẻ con hay nghe lỏm” rất đúng trong trường hợp này khi bé đã hoàn toàn có thể nghe thấy bạn nói.

Sự thay đổi của người mẹ

Thật khó để có được vẻ nhanh nhẹn, tháo vát lúc này khi thai ngày một lớn. Vì thế đừng ngạc nhiên nếu bạn ngày càng trở nên vụng về. Cơ thể bạn đang phải tải thêm trọng lượng, trọng lực đang tăng lên cùng với sự mở rộng của tử cung, các ngón tay, ngón chân và các khớp trở nên lỏng lẻo hơn do sự tác động của các hormone thai kỳ.

Luôn chú ý nơi bạn tới và đừng bao giờ nhón gót chân bởi giữ thăng bằng bằng 2 chân lúc này đã thật khó khăn và chưa kể chứng đau lưng nữa chứ.

Lên bao nhiêu cân trong suốt quá trình thai nghén có thể sẽ luôn ám ảnh tâm trí của bạn. Vậy thì hãy nghĩ tới việc mình sẽ giảm cân sau sinh thay vì lo lắng ăn bao nhiêu để tăng cân vừa phải khi đang mang thai bởi cơ thể bạn cần rất nhiều dinh dưỡng để phục vụ cho quá trình nuôi con sau khi bé chào đời.

Tuy nhiên, nếu bạn lên cân quá nhanh thì hãy trao đổi với bác sĩ để có một chế độ ăn hợp lý hơn.

Bạn có thể nhận biết các thói quen của em bé bằng cách để ý các lần đạp của bé, đồng thời dành tặng con những suy nghĩ thật tích cực bởi vì bé bây giờ đã cảm nhận được những suy nghĩ từ phía mẹ.

Bạn có thể cảm thấy rất dễ chịu trong những ngày này bởi đây đơn giản là thời điểm thú vị nhất của các bà bầu. Lúc này bụng bạn chưa quá "cồng kềnh", những cảm giác khó chịu do thai nghén như buồn nôn, thường xuyên buồn tiểu và mệt mỏi đã gần như biến mất. Thư giãn và vui vẻ là những điều thai phụ nên làm lúc này. 3 tháng cuối đang đến gần và bạn sẽ không còn có được cảm giác dễ chịu như vậy nữa đâu

Lời khuyên hữu ích

Để tránh phù chân, hãy đắp lên chân một khăn ướt lạnh.

Những việc cần lưu tâm

Bạn có làm việc quá sức không? Hãy chắc chắn là các bài tập luôn an toàn nhé.

Tại sao lợi lại dễ chảy máu khi mang thai? Lợi chảy máu và chảy máu cam là những ảnh hưởng phụ của quá trình thai nghén. Các hormone đẩy mạnh và duy trì sự phát triển của thai nhi đã gây ra điều này. Lượng máu trong cơ thể tăng dần và sự ảnh hưởng của các hormone đối với màng nhầy ở mũi và nướu lợi đã khiến các mao mạch ở mũi, lợi dễ vỡ.

Bạn có thể bổ sung vitamin C để làm giảm tình trạng này đồng thời tăng cường sức khoẻ cơ thể.

Bạn cũng nên đến gặp bác sĩ nha khoa để kiểm tra răng miệng xem có vấn đề nào khác gây ra tình trạng chảy máu hay không.

Những lo lắng thường gặp

Mẹ chồng tôi luôn tin vào bói toán. Bà nghĩ rằng tôi sẽ phải sinh mổ để bé chào đời vào giờ tốt nhất. Tôi không tin vào điểm này nhưng tôi cũng sợ quá trình chuyển dạ và sinh nở tự nhiên sẽ gây đau đớn đến mức tôi phải chuyển sang sinh mổ.

Nỗi sợ đau khi sinh thường là một cảm giác rất bình thường và thường thấy ở thời điểm này ở các bà bầu. Nhưng cũng có những phương pháp giúp giảm đau mà khiến bạn cảm thấy bớt đau đớn.

Tuần thai này bạn nên làm gì?

Nếu bạn vẫn chưa sắp xếp dự một lớp học về giáo dục sinh sản thì đây là lúc nên làm điều đó. Các lớp học này cung cấp thông tin chính xác về những gì xảy ra trong suốt thời gian mang thai và lúc sinh nở, chỉ dẫn những kỹ thuật nghỉ ngơi thư giãn lúc sắp sinh, giúp hộ sinh hiểu vai trò của họ và cho bạn cơ hội chuyện trò với những cặp vợ chồng sắp có con khác. Cố gắng học xong khoá học chậm nhất là vào cuối tuần thứ 37 để đảm bảo hoàn tất trước khi sinh. Bệnh viện, trung tâm gíao dục cộng đồng và những phòng khám phụ khoa thường mở những lớp như thế.

Để thai kỳ thoải mái hơn

Nhiều phụ nữ bắt đầu lo lắng về khả năng sinh con thiếu tháng, đặc biệt khi họ chịu đựng sự đau vùng bụng dưới, đau lưng âm ỉ, sức ép đè nặng lên vùng khung chậu, những cơn đau đột ngột và sự thay đổi trong tiết dịch âm đạo. Những triệu chứng này có thể là bình thường hoặc báo hiệu nguy cơ sinh non.

Ngày nay người ta tiến hành xét nghiệm tìm protein Fibronectin trong túi nước ối và màng thai ở phụ nữ mang thai để xem có dấu hiệu sinh non không. Tuy nhiên loại protein này biến mất sau tuần thai thứ 22 và không xuất hiện lại cho đến tuần thứ 38. Nếu protein này có ở chất dịch âm đạo ở phụ nữ mang thai trong khoảng tuần 22 đến tuần 38 thì nguy cơ sinh non cao. Ngược lại nếu không có thì họ sẽ không sinh con trong 2 tuần tới. Xét nghiệm này được tiến hành giống như xét nghiệm Pap Smear (trích ra một lượng nhỏ các mô trong ống tử cung để xét nghiệm tế bào ung thư), kết quả có trong vòng 24 giờ.

Dành cho ba của bé

Hãy cùng làm điều gì khó thực hiện khi bé chào đời, có thể là cùng đi xem phim, hoặc đi bộ đường dài hoặc trải qua một ngày trên bãi biển, chỉ cần đó hoạt động mà bạn và vợ thấy thích và cảm thấy vui vẻ.

Tổng hợp

Thai nhi 22 tuần tuổi: thông tin hữu ích và lời khuyên dành cho mẹ Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Nguyễn Vinh

0 Comments:

Post a Comment