Sài Gòn quanh năm nắng nóng, nên các món nước giải khát rất phong phú. Bình dị, thân quen nhất là sương sâm, rau má, sâm lạnh, nước mía, nước dừa… vừa dễ tìm, vừa mát ruột.
Sương sâm
Món này khi kết hợp thêm với sương sa, sương sáo, nước dừa hay hạt é, mủ chôm… sẽ trở thành một thức uống thập cẩm rất được ưa chuộng, nhờ cái mát lạnh và vị ngọt nhẹ. Khác với vị ngọt đậm của chè, dùng xong một ly sương sâm thập cẩm, bạn sẽ thấy vừa thoải mái, vừa có cảm giác "đã khát".
Rau má đậu xanh
Với nhiều người, nước rau má xay không phải dễ uống, bởi nó có vị nhàn nhạt, lờ lợ và cả một chút the the, nhưng nếu đã quen thì lại rất dễ ghiền. Có nhiều cách thưởng thức nước rau má, nhưng khoái khẩu nhất là rau má đậu xanh. Vài vốc lá rau má tươi đem xay kèm với đậu xanh quết nhuyễn, thêm chút sữa đặc hoặc đường và chút đá là sẽ có một thức uống giải khát ngon lành với vị béo, bùi, uống vào đến đâu mát đến đấy. Ngày nay, rau má đậu xanh không còn là một thức uống lề đường mà đã xuất hiện ở cả những quán giải khát sang trọng.
Sâm lạnh
Sâm lạnh hiện diện khắp mọi nơi: góc ngã tư, trước cổng trường, cổng chợ hay nép mình dưới một tán cây trong hẻm nhỏ. Sâm lạnh cũng có nhiều loại: sâm hoa cúc, hoa nhài, sâm rong biển, sâm actisô. Nước sâm ngon có vị ngọt thanh, chứ không ngọt gắt do bỏ nhiều đường, hương thơm thoảng nhẹ và tươi (nước sâm phải dùng trong ngày vì để qua đêm dễ bị chua).
Uống nước sâm cũng không cần cầu kỳ bàn ghế, chỗ ngồi. Ở Sài Gòn, nơi bán nước sâm "ấn tượng" nhất là góc ngã tư Định Tiên Hoàng - Điện Biên Phủ. Ấn tượng không chỉ vì nước sâm nơi đây nấu rất vừa miệng, không có mùi tanh mà còn ở chỗ phải “vừa uống, vừa chạy” rất đặc trưng. Khách cập xe vào lề đường, không cần nói, chủ quán đã bưng ngay ra một ly sâm. Khách cứ ngồi ngay trên yên xe, hút “ực” vài cái, cảm nhận thấy mát lạnh trong người, trả tiền rồi đi, nhanh như lúc đến.
Nước dừa
Một món giải khát hữu hiệu không thể không nhắc đến là nước dừa. Nước dừa cũng là thức uống dễ tìm. Ở Sài Gòn, cách uống thông dụng nhất là uống từ nguyên trái. Cách uống này vừa vệ sinh mà lại giữ được vị ngọt tự nhiên của nước, không bị chua như khi đổ ra ly.
Nước dừa ngon hay không là do "tuổi" trái dừa quyết định. Dừa non sẽ có vị chua, dừa quá già thì nước nhạt. Ngon nhất là dừa độ 6 - 7 tháng tuổi, búng có tiếng kêu thanh và cuống trái vàng quá nửa. Loại trái bình dân này vừa để giải khát, vừa kích thích tiêu hóa khá hiệu quả.
Nước mía
Đi khắp các tỉnh miền Nam, ở đâu bạn cũng có thể bắt gặp những xe nước mía. Mía còn có tên gọi khác là cam giá (cam: ngọt, giá: cái gậy) cũng chính bởi hình dáng dài ngoẵng và vị ngọt đặc trưng. Cái ngọt của mía khác với vị ngọt thanh pha chút chua chua của dừa, nó đậm đà nhưng vẫn rất mát.
Nước mía thường được ép cùng lát cam, lát thơm mỏng hay vài quả tắc. Cái ngọt gắt của nó được vị chua “hãm” bớt nên nước ngọt dịu hơn, ngon hơn, lại bổ dưỡng vì rất tốt cho tỳ vị. Có nơi, người ta còn thêm chút sầu riêng khiến ly nước mía vừa quen vừa lạ, được thưởng thức một lần thì nhớ mãi.
Ở Sài Gòn có một địa chỉ bán nước mía đã “thành danh” là nước mía Viễn Đông (góc Pasteur – Lê Lợi). Một địa điểm khác cũng khá nổi tiếng là đoạn đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nhưng nơi đây vốn chỉ dành cho những người chịu được “cảm giác mạnh”. Bởi quán bán ngay lề đường, nên thỉnh thoảng cảnh vừa uống, vừa cùng chủ quán… chạy công an là rất bình thường! Ấy vậy mà các quán vẫn cứ đông khách, không hiểu vì thực khách chuộng giá rẻ hay vì nước mía ngon…
(Theo Hải Yến // Phunuonline )
0 Comments:
Post a Comment