Sunday, December 22, 2019

Những thành tựu y dược xanh

Xu thế hướng về những sản phẩm hữu cơ trong tự nhiên từ vài năm nay cho thấy ý thức sạch và xanh ở các lĩnh vực y dược... Bước vào năm mới 2012, xin được nói về hai thành tựu mạo muội gọi là y dược “xanh” liên quan với nhau.

Những thành tựu y dược xanh
Trong lĩnh vực y, đó làxác định xét nghiệm HbA1C thành tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) với mức 6,5%(xét nghiệm HbA1C trước đây chỉ dùng làm chỉ số theo dõi điều trị ĐTĐ). Đây có thể xem là thành tựu đặc biệt, vì bệnh ĐTĐ đang gia tăng một cách đáng báo động và trở thành thách thức lớn của sức khoẻ toàn cầu trong thế kỷ 21. Năm 1985, chỉ có 30 triệu người mắc bệnh ĐTĐ trên toàn thế giới và nếu không kiểm soát một cách hiệu quả, tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo vào năm 2025 số người mắc bệnh ĐTĐ sẽ tăng đến hơn 300 triệu người.

Từ trước đến nay, để xác định có bị ĐTĐ hay không, phải làm xét nghiệm gọi là đo đường huyết, tức đo hàm lượng glucose có trong máu.

Dựa vào đo đường huyết, ta chỉ biết được tình trạng có bị ĐTĐ hay không ngay thời điểm lấy máu xét nghiệm. Có thể trước đó người bệnh bị tăng đường huyết một cách bất thường nhưng không biết được. Vì vậy, để theo dõi tình trạng đường huyết trong thời gian dài ba tháng hoặc theo dõi việc dùng thuốc trị ĐTĐ có hiệu quả hay không, người ta dùng chỉ số xét nghiệm HbA1C.

Đo HbA1C có nghĩa là đo tỷ lệ hemoglobin (viết tắt Hb) là chất có màu đỏ (huyết sắc tố) có trong hồng cầu đã được gắn với đường glucose. Ta cần biết glucose có trong máu không chỉ ở trạng thái tự do mà còn ở trạng thái liên kết (gắn) với hemoglobin của hồng cầu. Vì đời sống của tế bào hồng cầu vào khoảng 120 ngày, cho nên đo HbA1C tức đo hemoglobin có gắn đường glucose (gọi là hemoglobin glycat hoá hay glycosylated hemoglobin), ta biết được tình trạng glucose có trong máu (thực chất gắn với hồng cầu), tăng giảm như thế nào trong thời gian đến 3 - 4 tháng. Đối với việc dùng thuốc trị ĐTĐ cũng vậy, đo HbA1C ta biết được hiệu quả của thuốc làm giảm glucose như thế nào trong suốt ba tháng qua. Tiêu chí của đo HbA1C trước đây là <7%, tức là dưới 7% là kiểm soát đường huyết tốt, trên 7% là kiểm soát đường huyết không tốt, phải thay đổi chế độ dùng thuốc.

Nay, theo hướng dẫn điều trị ĐTĐ týp 2 phiên bản 2010 của hiệp hội ĐTĐ Hoa Kỳ (ADA), người ta xác định HbA1C là một tiêu chí chẩn đoán ĐTĐ giống như tiêu chí đo đường huyết (chứ không chỉ để theo dõi nữa) với mức 6,5%. Tức là không cần đo đường huyết mà chỉ cần đo HbA1C, nếu trên hoặc bằng 6,5% là bị mắc bệnh ĐTĐ. Cũng theo hướng dẫn này, nếu HbA1C 5% có nghĩa là hoàn toàn không bị ĐTĐ, HbA1C nằm trong khoảng 5,7 - 6,4% (5,7% HbA1C 6,4%) có nghĩa bị tiền ĐTĐ (tức chưa mắc nhưng có nguy cơ sẽ mắc ĐTĐ).

Đưa xét nghiệm HbA1C lên thành tiêu chuẩn xét nghiệm ĐTĐ được xem là một thành tựu của ngành y trong thời gian qua. Bởi vì đo HbA1C không phải bắt bệnh nhân nhịn đói suốt 8 giờ trước khi đo như đo đường huyết (hiện nay ở các nước tiên tiến, máy đo HbA1C tại nhà như máy đo Metrika đã được dùng phổ biến).

Đo đường huyết theo cách cũ chỉ cho biết tình trạng đường huyết ngay lúc đo, còn đo HbA1C sẽ biết được tình trạng bệnh trong khoảng thời gian trước đó. Đặc biệt, thành tựu này giúp bệnh nhân nhanh chóng đạt mục tiêu điều trị (tức kiểm soát tốt đường huyết), giảm thiểu các biến chứng (kiểm soát tốt HbA1C sẽ giảm thiểu các biến chứng mạch máu lớn như đột quỵ, bệnh mạch vành…) và kéo dài đời sống với chất lượng sống tương đương người không bị bệnh.

Còn trong lĩnh vực dược, cómột thuốc mới đã ra đời được dùng trị ĐTĐ týp 2. Đây có thể xem sự bổ sung lý thú cho thành tựu về y đã kể trên. Thuốc mới trị ĐTĐ týp 2 này có tên liraglutid (biệt dược Victoza) và nằm trong nhóm thuốc mới có tên thuốc tăng cường hoặc bắt chước incretin.

Ta cần biết, trong ĐTĐ týp 2 có sự thiếu insulin do hai bất thường: giảm tiết insulin hoặc có sự đề kháng insulin (do giảm tác dụng của insulin trên tế bào mô đích, đặc biệt là tế bào cơ). Vì vậy, để điều trị ĐTĐ týp 2 sẽ dùng thuốc hạ đường huyết loại uống phân thành năm nhóm đang được dùng phổ biến như sau: nhóm sulfonylure (gồm glibenclamid, glipizid, glicazid, glimepirid, có tác dụng kích thích tế bào bêta tuyến tuỵ tiết ra insulin), nhóm biguanid (chỉ có một thuốc được sử dụng là metformin, có tác dụng làm giảm sự đề kháng insulin); nhóm ức chế men alpha-glucosidase (gồm acarbose, voglibose, miglitol, tác dụng của thuốc là ức chế alpha-glucosidase, làm giảm sự hấp thu đường tại ruột; nhóm metiglinid (gồm repaglinid, nateglinid, tác dụng của thuốc là kích thích tế bào bêta tuyến tuỵ tiết ra insulin giống như nhóm sulfonylure); nhóm thiazolidinedion (gồm rosiglitazon, pioglitazon, tác dụng của thuốc là làm giảm sự đề kháng insulin giống như metformin). Năm nhóm thuốc đều là hoá chất tổng hợp.

Hiện nay, người ta phát hiện sự giảm khả năng tiết insulin của các tế bào bêta còn bị chi phối bởi các hormon peptid có tên incretin do niêm mạc đường tiêu hoá tiết ra khi thức ăn thức uống đi qua dạ dày - ruột. Bằng các incretin được tiết ra, trong đó có GLP-1 (viết tắt của Glucagon-Like Peptid-1, tức peptid-1 giống glucagon) là hormon có tác dụng mạnh nhất, cơ thể tạo sự kích thích tế bào bêta tiết ra insulin để hạ hàm lượng glucose trong máu xuống đến mức cần thiết. Biết được cơ chế của sự giảm tiết insulin do các incretin, đặc biệt do GLP-1 gây ra, người ta sáng chế ra thuốc mới trị ĐTĐ týp 2 theo cơ chế gọi là thuốc tăng cường hoặc bắt chước incretin. Exenatid (biệt dược Byetta) là thuốc tổng hợp đầu tiên thuộc nhóm này được đưa ra thị trường vào năm 2005 để trị ĐTĐ týp 2. Exenatid còn được gọi là chất bắt chước GLP-1, là hợp chất thiên nhiên và là một polypeptide cấu tạo bởi 39 axít amin. Exenatid có cấu trúc tương tự 53% so với cấu trúc của GLP-1. Đây được xem là sáng chế xanh, vì exenatid được tìm ra nhờ sự phát hiện hợp chất exendin-4 có trong nước bọt của kỳ nhông có tên Gila monster (tên khoa học Heloderma suspectum) sống ở một số bang miền TâyNamnước Mỹ.

Thành tựu xanh được tiếp tục vì thuốc thứ hai của nhóm bắt chước incretin là liraglutid đã ra đời. Liraglutid có cấu trúc tương tự đến 97% cấu trúc của GLP-1. Cũng giống như exenatid, liraglutid được bào chế dùng dưới dạng tiêm dưới da. Thời gian bán thải của liraglutid vào khoảng 13 giờ, so với của exenatid vào khoảng 2,4 giờ. Thuốc được khuyến cáo tiêm từ 0,6 đến tối đa 1,8mg/ngày. Tác dụng phụ của thuốc: buồn nôn, ói, tiêu chảy, khó tiêu, táo bón. Thuốc có thể dùng phối hợp với các loại trị ĐTĐ týp 2 khác tuỳ theo chẩn đoán và chỉ định thuốc của bác sĩ.

Thế giới vui hẳn lên vì thành tựu xanh mở rộng sang lĩnh vực tim mạch. Mới đây, nhờ quan sát sự tiêu hoá thức ăn và chuyển hoá của con trăn mà người ta có triển vọng phát minh dược phẩm kết hợp ba loại axít béo trị bệnh tim cho người.

(Theo PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức // Đại học Y dược TPHCM // Sài Gòn tiếp thị)

Những thành tựu y dược xanh Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Nguyễn Vinh

0 Comments:

Post a Comment