Monday, December 16, 2019

Thai ngoài tử cung - Biết sợ, để phòng ngừa

Cô bạn đồng nghiệp đang nôn ọe vì nghén, bỗng dưng kêu đau bụng dữ dội, máu ra đầm đìa, vào viện phải mổ cấp cứu vì thai ngoài tử cung. Đến bệnh viện mới thấy nhiều người bị như cô ấy lắm, đáng sợ thật.
Thai ngoài tử cung - Biết sợ, để phòng ngừa
 Ảnh: minh họa - Internet

Sợ rồi lại suy nghĩ lung tung, nhưng sợ cũng là cảm giác tốt, để các nàng 30 +, người mới có một con, người còn mải chơi chưa chịu vướng bận, mới quan tâm đến việc phòng ngừa…

Vì sao thai lại ở ngoài?

Sau khi tiến vào vùng cấm địa, đội quân tinh binh hồ hởi chạy đi gặp ý trung nhân là nàng trứng. Đông đúc là thế nhưng chỉ có một chàng được nàng mở rộng cửa để chui vào tạo nên hợp tử mà thôi. Đây là sự thụ thai, diễn ra ở 1/3 ngoài của vòi trứng.

Hợp tử vừa tự nhân đôi vừa di chuyển qua ống dẫn trứng về buồng tử cung để làm tổ. Vì một trục trặc nào đó, sự di chuyển của hợp tử bị ách tắc lại giữa chừng, phôi thai không thể về “nhà” được, đành phải phát triển tại nơi ách tắc gây nên thai ngoài tử cung.

Trong phần lớn các trường hợp, thai sẽ bị ách lại ở vòi trứng. Tất nhiên đây không phải là nơi an toàn, thai càng phát triển thì càng tạo áp lực khiến vòi trứng phải căng ra, căng hết mức độ sẽ vỡ.

Thai ngoài tử cung là do nạo phá thai nhiều lần?

Câu trả lời là không.

Nạo phá thai nhiều lần là nguyên nhân hay gặp dẫn đến viêm nhiễm vòi trứng làm cho vòi trứng bị hẹp/ tắc, cản trở sự di chuyển của hợp tử về buồng tử cung. Tuy nhiên, còn nhiều nguyên nhân khác nữa, không nên cứ thấy ai bị thai ngoài tử cung mà vội kết luận ngay rằng người đó nhất định là đã từng nạo hút thai.

Viêm nhiễm vòi trứng cũng xảy ra khi chị em bị mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu, chlamydia… và cả lao.

Tắc, hẹp vòi trứng còn do bẩm sinh; do các bệnh phụ khoa (khối u phần phụ, lạc nội mạc tử cung); do những phẫu thuật lên vùng bụng có ảnh hưởng đến vòi trứng, khiến vòi trứng bị kéo dài, bị gập góc… hoặc tác động trực tiếp lên vòi trứng như: triệt sản, nối vòi trứng…

Chất độc nicotin trong thuốc lá cũng là thủ phạm gây nên thai ngoài tử cung, nó phá hủy các nhung mao phủ trên các thành ống dẫn trứng, giảm cử động của vòi trứng, gây khó khăn cho quá trình hợp tử di chuyển về tử cung.

Nhận biết thai ngoài tử cung

Có ba dấu hiệu, chắc chắn các nàng 30+ không bao giờ được bỏ qua: mang thai (chậm kinh, nghén, thử que hai vạch), đau bụng và ra máu âm đạo. Hai dấu hiệu đầu là dấu hiệu sớm, dấu hiệu thứ ba có thể xuất hiện muộn hơn và khi thấy các dấu hiệu đó, phải đi khám ngay.

Thường thì sau khi thụ thai từ 7-10 ngày là thai đã làm tổ yên trí trong tử cung rồi. Thế nên, có các dấu hiệu ở trên mà siêu âm vẫn chưa thấy hình ảnh túi thai ở tử cung thì đó là một trong những điều kiện để chẩn đoán thai ngoài tử cung.

Trong trường hợp này, các nàng nên tuân thủ yêu cầu của bác sĩ, nhập viện để được theo dõi chặt chẽ, đừng cố nài nỉ xin về nhà vì khoảng cách giữa thai ngoài tử cung chưa vỡ đến thai ngoài tử cung vỡ rất gần.

Nhiều người không biết mình bị thai ngoài tử cung

Với những trường hợp “rõ như ban ngày” thì không khó để nhận biết nhưng thực tế, có rất nhiều người không hề biết, có thể vì họ chưa từng nghe nói đến hoặc là nhầm với các trường hợp khác.

Ví như kinh nguyệt không đều, khi thấy ra máu âm đạo thì lại nghĩ là đến kỳ kinh, đau bụng thì cho rằng đau bụng kinh, chỉ khi đau không chịu được mới đến viện thì thai đã vỡ.

Hay chỉ cần thấy chậm kinh, que thử hiện lên hai vạch mà chưa sẵn sàng sinh con thì hốt hoảng đi hút điều hòa kinh nguyệt. Hút xong, thấy đau bụng và ra máu âm đạo tưởng sót rau, đi khám mới phát hiện ra là thai ngoài tử cung, việc hút trước đó chỉ là “hút gió”.

Có khi thai ngoài tử cung vỡ nhưng không chảy máu ồ ạt mà chỉ ri rỉ tạo nên khối huyết tụ thành nang. Các triệu chứng cứ âm thầm diễn ra: đau bụng, mệt mỏi, da xanh xao (vì mất máu từ từ)… nên chị em vẫn chỉ nghĩ mình bị nghén.

Không phải mọi trường hợp thai ngoài tử cung nào cũng phẫu thuật! Nếu được phát hiện sớm thì việc điều trị thai ngoài tử cung khá đơn giản. Với những khối thai chưa vỡ và có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 3cm (bằng quả quất), người bệnh được tiêm thuốc vào khối thai để thai tự tiêu đi. Với những khối thai trên 3cm, biện pháp thích hợp là phẫu thuật (nội soi hoặc phẫu thuật mở tùy theo kết quả thăm khám).

Nếu không được phát hiện sớm, sự lớn lên không ngừng của thai sẽ làm vòi trứng căng ra và vỡ, máu chảy ồ ạt vào ổ bụng. Các dấu hiệu nguy hiểm xuất hiện dồn dập, người bệnh thấy mệt mỏi, khó thở, vật vã, khát nước, đau bụng dữ dội, đau đến ngất xỉu.

Cần phải nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được mổ cấp cứu ngay.

Sau điều trị thai ngoài tử cung, chị em vẫn có khả năng có thai lại. Tuy nhiên, cần thực hiện biện pháp tránh thai ít nhất 1 năm để chức năng sinh sản hồi phục và ổn định. Khả năng tái phát thai ngoài tử cung rất cao (đến 10%) vì các nguy cơ gây tắc/ hẹp vòi trứng vẫn còn đó và còn có phần tăng lên. Nếu đã cắt bỏ cả hai bên vòi trứng thì có thể thực hiện biện pháp thụ tinh nhân tạo.

Vì vậy, chị em cần phải đi khám nếu quyết định mang thai và phải được theo dõi chặt chẽ trong suốt quá trình thai nghén.

Phòng ngừa mang thai ngoài tử cung

Kiểm soát việc mang thai, không để thai ngoài ý muốn thì sẽ tránh được nạo hút thai.

Coi trọng việc giữ vệ sinh cơ quan sinh sản, đặc biệt trong kỳ kinh nguyệt, sau khi sinh, sau khi quan hệ tình dục. Biện pháp giúp các cặp vợ chồng vừa tránh thai vừa tránh viêm nhiễm là dùng bao cao su.

Nếu có dấu hiệu viêm nhiễm vùng kín (khí hư nhiều, ngứa, dịch hôi…), phải đi khám và điều trị ngay.

> Chị em có thể phòng ngừa tác hại của khói thuốc bằng cách không hút thuốc và tránh xa nơi có khói thuốc, động viên người thân (nhất là các chàng) không hút thuốc lá.

(Lửa Ấm)

Thai ngoài tử cung - Biết sợ, để phòng ngừa Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Nguyễn Vinh

0 Comments:

Post a Comment