Saturday, February 22, 2020

Cồn Sơn: Để vẻ đẹp tự nhiên lan tỏa

UBND thành phố Cần Thơ đã có quyết định chủ trương đầu tư Khu du lịch Cồn Sơn theo tiêu chuẩn nghỉ dưỡng 5 sao kết hợp sinh thái, vui chơi giải trí cao cấp với tổng kinh phí hơn 1.500 tỷ đồng. “Đánh thức” Cồn Sơn là cần thiết. Nhưng xin đừng làm mất đi vẻ đẹp thôn dã, nguyên sơ, hồn nhiên nơi đây...

Nằm giữa sông Hậu, chỉ cách thành phố Cần Thơ 6km, Cồn Sơn được xem như một “thôn nữ đẹp đang ngủ”, ngay bên cạnh sự phồn hoa của phố thị Cần Thơ.

Người dân bản địa gọi nới đây là “Cồn 6 không”, bởi trước đây trên cồn không có điện, đường, trường, trạm, nước (nước sạch) và … không chồng (phụ nữ Cồn Sơn trước kia nhiều người không lấy chồng).

Cồn Sơn: Để vẻ đẹp tự nhiên lan tỏa
Người dân trên Cồn Sơn chủ yếu sinh sống bằng việc trồng cây ăn trái và làm thuê ở thành phố Cần Thơ. Thu nhập bấp bênh, thiếu thốn trăm bề, cuộc sống lênh đênh sông nước khiến không ít người bỏ cồn lên bờ mưu sinh…

Tới năm 2014, Cồn Sơn có điện và nước sinh hoạt. Và từ năm 2015, người Cồn Sơn bắt đầu học làm du lịch cộng đồng. Mặc dù mới đang khai thác du lịch một cách đơn giản, nhưng vẻ nguyên sơ của Cồn Sơn lại hấp dẫn du khách. Hiện nay, có tới 70% khách du lịch đến với Cồn Sơn là khách Hà Nội, mỗi ngày có tới vài trăm khách trong nước và quốc tế tới đây.

Trước đây, người dân Cồn Sơn trồng cây để cho đẹp, để phục vụ cuộc sống thường nhật và bán thêm cải thiện cuộc sống nhưng từ khi làm du lịch cộng đồng, hơn 30 hộ dân ở đây đã liên kết với nhau, hỗ trợ nhau cùng làm du lịch cộng đồng, mỗi nhà một sản phẩm cây trái, một món ăn đặc trưng. Chị Bảy Muôn, trưởng câu lạc bộ du lịch cộng đồng Cồn Sơn cho biết: “Giờ khách đến Cồn Sơn sẽ được tham gia các hoạt động

thăm vườn cây, trải nghiệm bắt cá trên kênh, xem cá nhảy, đi cầu khỉ, hái rau, thu hoạch quả tại vườn, học làm bánh và thưởng thức các loại bánh dân gian… Nhờ làm du lịch, cuộc sống của người dân Cồn Sơn thay đổi từng ngày”.

“Thực đơn bay” – món ăn nổi tiếng nhất của Cồn Sơn, thực sự để lại ấn tượng mạnh trong lòng du khách. Món ăn được chế biến từ những sản vật ngay tại cồn, với sự tham gia chế biến từ bất cứ hộ gia đình nào trong số khoảng 30 hộ đang làm du lịch cộng đồng ở Cồn Sơn. Mỗi hộ dân sẽ đảm nhiệm nấu một món ăn theo sở trường của mình: Món gà xé trộn bưởi của nhà vườn Phương My, cá tài tử nướng lá sen của nhà Song Khánh, ốc nướng tiêu nhà chị Chín Nhỏ, cá lóc nấu mẻ nhà chị Năm Minh, làm bánh xèo, bánh khọt nhà chị Bẩy Muôn… Khi các món ăn được chế biến xong, các hộ gia đình sẽ mang tới nhà đang trực tiếp đón khách và bày biện hoàn chỉnh theo đúng thực đơn mà khách yêu cầu…
Cồn Sơn: Để vẻ đẹp tự nhiên lan tỏa
Có thể nói rằng, cái hay trong làm du lịch ở Cồn Sơn đã có, và thực sự ấn tượng. Tuy nhiên để phát triển, lan tỏa thành một thương hiệu du lịch thì hẳn không phải là bài toán đơn giản.

Ông Nguyễn Hồng Đài, Giám đốc Công ty du lịch APT – Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch Thủ đô cho rằng: Cồn Sơn có tiềm năng lớn để phát triển du lịch cộng đồng và đã có những cách làm hay, những bước đi đúng. Tuy nhiên, để Cồn Sơn thực sự trở thành sản phẩm du lịch hấp

dẫn khách du lịch và có sức cạnh tranh với các điểm du lịch cộng đồng khác trên cả nước cần có những đầu tư và định hướng đúng.

Hướng đi đúng cho Cồn Sơn là gì? Biến Cồn Sơn từ một “thôn nữ chân quê” thành “thiếu nữ thành thị”; hay “thổi hồn” cho vẻ đẹp tự nhiên lan tỏa? Câu hỏi đó xin dành cho cảm nhận của du khách thập phương, người làm du lịch bản địa và chính quyền địa phương.

Cồn Sơn: Để vẻ đẹp tự nhiên lan tỏa Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Nguyễn Vinh

0 Comments:

Post a Comment