Là mảnh đất hội tụ muôn hình – thế sông núi, chứa đựng những dấu tích lịch sử lâu đời nằm trong địa mạch đã đi vào huyền thoại, Kinh Môn (Hải Dương) còn là nơi gắn với tên tuổi của nhiều danh nhân nước Việt. Lịch sử và con người nơi đây đã tạo nên những giá trị văn hoá đặc sắc, riêng có ở vùng đất xứ Đông. Đó sẽ là nền tảng để hình thành và phát triển các loại hình du lịch: văn hóa tâm linh, sinh thái, trải nghiệm… thỏa lòng du khách.
Cách trung tâm thành phố Hải Dương khoảng 40km về phía Đông, nằm tiếp giáp với tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng, với đặc điểm địa lý, tự nhiên khá đặc thù, Kinh Môn có dãy núi đất trong hệ thống núi vòng cung Đông Triều làm xương sống, những núi đá xanh trùng điệp, sông ngòi đan xen bên cánh đồng rộng lớn. Đặc biệt, Kinh Môn còn sở hữu hệ thống hang động kỳ vĩ; các công trình, kiến trúc nghệ thuật tôn giáo, tín ngưỡng cùng những phong tục truyền thống vừa có giá trị về văn hóa – lịch sử, vừa có giá trị về khoa học.
Tượng đài Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn
Ở Kinh Môn, mỗi di tích, công trình tôn giáo tín ngưỡng đều ẩn chứa trong đó một câu chuyện lịch sử, sự tích ly kỳ; các lễ hội cũng mang những sắc màu, ý nghĩa riêng, tạo nên nhiều cung bậc cảm xúc. Tiêu biểu trong số đó có Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Quần thể An Phụ – Kính Chủ – Nhẫm Dương với nhiều điểm đến hấp dẫn như Đền Cao, chùa Tường Vân, tượng đài Trần Hưng Đạo trên núi An Phụ; động Kính Chủ; hệ thống hang động ở núi Nhẫm Dương, chùa Thánh Quang…
Giếng Ngọc phía trước chùa Tường Vân, quanh năm trong vắt
Dãy núi An Phụ nằm trên xã An Sinh dài khoảng 17km, kéo từ Tây sang Đông, phía chính giữa là đỉnh núi cao khoảng 246m so với mực nước biển. Đỉnh núi được chia làm hai ngọn, ngọn phía Nam có đền Cao thờ An Sinh Vương Trần Liễu. Ở giữa hai ngọn núi có chùa Tường Vân (hay còn gọi là chùa Cao), xung quanh chùa còn vẹn nguyên những cây cổ thụ vài trăm năm tuổi. Phía trước chùa là giếng nước quanh năm trong vắt, hướng về phía Đông khoảng 100m có Bàn Cờ Tiên.
Những cánh đồng bao la, trù phú
Khi đứng giữa đỉnh An Phụ, du khách có thể cảm nhận thấy bốn phương tám hướng, trời đất như đang giao hòa, cảnh vật sông núi trùng điệp uốn lượn bao quanh làng mạc đan xen những cánh đồng bao la, trù phú.
Từ trên đỉnh núi, đi xuống phía dưới độ vài chục mét – nơi đặt Tượng đài Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Tượng được tạc bằng đá xanh, cao 12,7m dáng đứng hiên ngang hướng nhìn về phía Đông ở tầm cao lồng lộng như nhắc nhở các thế hệ phải cảnh giác và tự tin giữ lấy biển trời cùng giang sơn gấm vóc này. Xung quanh khu bức tượng là bức tranh phù điêu gốm nung miêu tả lịch sử quân dân nhà Trần chống giặc Nguyên Mông.
Động Kính Chủ tọa lạc ở thôn Dương Nham, xã Phạm Mệnh
Rời núi An Phụ, du khách đi chừng 3km sẽ sang xã Phạm Mệnh – nơi có Động Kính Chủ. Theo sử sách, vào khoảng năm 1355, khu vực núi Thánh Chủ bị động đất, nên sau đó người ta đổi thành Kính Chủ. Di tích động Kính Chủ nằm trong núi Dương Nham, có nền cao 20m so với nền ruộng chân núi, không gian thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Đặc biệt trong động có nhiều hang nhánh như hang Luồn, hang Tiên Sư, hang Trâu… trong các hang có các nhũ đá được tạo thành qua hàng nghìn năm, tuy không còn nguyên vẹn nhưng vẫn đẹp và huyền ảo, trụ chống trời trong truyền thuyết dân gian.
Các hang động trên địa bàn Kinh Môn
Động Kính Chủ được các nhà nghiên cứu đánh giá là Nam thiên đệ lục động (động đẹp thứ 6 của trời Nam). Khu vực này có ngôi chùa thờ Phật và thờ vua Lý Thần Tông, thiền sư Nguyễn Minh Không, Huyền Quang tôn giả… Trên một số văn bia cho rằng, trong chùa còn có tượng Ngọc Hoàng, Quan âm bồ tát 42 tay. Đặc biệt, động Kính Chủ còn là nơi mà nhiều danh nhân, vua chúa, quan lại các triều đại đã từng lui tới, ấn tượng trước cảnh non nước tuyệt đẹp trần gian, đã để lại những dòng suy tư về đất nước và thời cuộc. Những cảm xúc đó đã được thợ đá tạc lại trong các tấm bia trên vách động của các danh nhân như: Phạm Sư Mạnh, vua Lê Thánh Tông…
Các di vật khảo cổ được trưng bày tại chùa Nhẫm Dương
Cách trung tâm huyện Kinh Môn khoảng 10km sẽ sang tới xã Duy Tân, đến với Di chỉ khảo cổ học Nhẫm Dương – Chốn tổ Thiền phái Tào động, du khách có thể thỏa sức khám phá, chiêm bái những dãy núi đá, núi đất cùng các hệ thống hang động, đền, chùa cổ kính linh thiêng.
Những bài thơ trên vách đá trong động Kính Chủ
Hệ thống núi Nhẫm Dương có 26 hang động lớn nhỏ, với nhiều hiện vật khảo cổ đặc biệt. Tại hang Thánh Hóa, ta có thể dễ thấy các di cốt hóa thạch của nhiều loại động vật (voi, tê giác, hổ, báo…), răng Pôngô (đười ươi) có cánh đây khoảng 3-5 vạn năm. Ngoài ra, còn có các loại tiền, vật dụng cổ, các công cụ từ thời đồ đá mới với nhiều niên đại khác nhau.
Tại đây còn có chùa Nhẫm Dương (hay còn gọi là chùa Thánh Quang), được khởi dựng từ năm 1279. Thời kỳ này, chùa Nhẫm Dương được coi là một công trình kiến trúc Phật giáo có quy mô lớn. Khoảng thế kỷ XVII, Đệ nhất tổ Tào Động Tông – Quốc sư Đạo Nam Thông Giác Thủy Nguyệt đã tu hành và viên tịch tại hang động Thánh Hóa. Vì lẽ đó, chùa Thánh Quang trở thành chốn tổ của Thiền phái Tào Động Việt Nam. Ngày hóa của Thánh tổ Thủy Nguyệt là khởi nguyên Lễ hội chùa Nhẫm Dương, diễn ra hàng năm từ mồng 5 -7/3 âm lịch…
Trụ chống trời trong truyền thuyết dân gian…
Sau cuộc hành trình “thưởng ngoạn” cảnh đẹp của những danh thắng, núi non, di tích lịch sử… du khách có thể tìm đến các làng quê yên bình của Kinh Môn và thả mình, trải nghiệm trên những cánh đồng trù phú với nhiều nông sản, đặc sản: cam, ổi, sắn dây, gạo nếp cái hoa vàng, hành, tỏi, đà điểu, dê, rươi… để tìm mua và thưởng thức…
Hàng năm, các lễ hội ở Kinh Môn thu hút đông đảo du khách thập phương tới dự (ảnh: Phùng Nguyện)
Mới đây, Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Quần thể An Phụ – Kính Chủ – Nhẫm Dương được Nhà nước xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt và Hệ thống bia ma nhai Động Kính Chủ được công nhận là bảo vật quốc gia. Hy vọng, đó sẽ là một trong những động lực thúc đẩy cho lĩnh vực du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Kinh Môn.
0 Comments:
Post a Comment