Friday, February 21, 2020

Sâu lắng tình người những câu hò xứ Nghệ

Ngày xuân có ai về với Xứ Nghệ, có ai du thuyền trên dòng sông Lam, bất chợt nhớ tới hay bắt gặp cô gái xứ Nghệ nón lá, áo nâu vừa chèo thuyền, vừa cất lời ca man mác:

Ai biết nước sông Lam răng là trong là đục

Thì biết sống cuộc đời răng là nhục là vinh

Thuyền em lên thác xuống ghềnh

Nước non là nghĩa, là tình ai ơi…

Xứ Nghệ được nhân dân cả nước ngợi ca là vùng non nước hữu tình. Vẻ đẹp đó để lại ấn tượng sâu sắc cho bất cứ ai từng ghé lại miền đất “non xanh nước biếc như tranh họa đồ” này.

Và cũng chính mảnh đất “gió Lào cát trắng” này là cái nôi của những điệu hò, câu ví vang danh năm châu từ sự kiện dân ca Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Sâu lắng tình người những câu hò xứ Nghệ
Dân ca ví giặm gắn liền với đời sống sản xuất con người xứ Nghệ

Dân ca xứ Nghệ là một thổ sản cổ truyền lâu đời rất đặc biệt. Từ xa xưa, nhân dân Nghệ Tĩnh đã coi nó là phương tiện văn nghệ tự túc để vui chơi giải trí, qua đó còn gửi gắm tâm tư, tình cảm, quan niệm về đời sống, cái nhìn về nhân tình thế thái… hết sức sâu sắc. Tuy nhiên, cùng với sự đổi thay của xã hội, các thể hát của dân ca Xứ Nghệ đã xa rời sinh hoạt của nhân dân.

Từ bao đời nay, người dân tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh cũng đã có nhiều hoạt động khơi dậy sức sống của dân ca Xứ Nghệ, đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị của dân ca xứ Nghệ. Dân ca Xứ Nghệ khá phong phú với nhiều thể, điệu hát nhưng ví, giặm và hò được coi là các thể hát thổ phương do nhân dân Nghệ Tĩnh sáng tạo, sử dụng và lưu truyền.

Cũng giống như một số địa phương khác, hát ví ở xứ Nghệ là lối hát giao duyên. Loại hình lao động nào của nhân dân cũng có hát ví như ví đò đưa, ví phường vải, ví phường cấy, ví phường võng, ví phường chè, ví đồng ruộng, ví ghẹo… Tuy nhiên, không chỉ nhân dân lao động mà ở một số lối hát như ví phường vải, ví đò đưa cũng có sự tham gia của các nhà nho.

Trên dải đất hình chữ S của đất nước Việt Nam, xứ Nghệ là điểm giữa gánh nặng hai đầu Tổ quốc. Mảnh đất quanh năm gió Lào, cát trắng ấy lại có khung cảnh non nước hữu tình. Trong điệp trùng núi rừng, biển cả và những dòng sông chở nặng phù sa là những câu ca, điệu ví cất lên cùng hoạt động sản xuất.

Điều kỳ diệu là dòng Lam chảy đến đâu, người dân nơi đó có cuộc sống bình yên với những nương ngô, bãi dâu xanh tốt. Và ở đó lại xuất hiện những làng nghề dệt vải, quay tơ, kéo sợi, trồng bông, trao đổi hàng hóa trên bến, dưới thuyền tấp nập. Không gian ấy càng làm cho những câu hò, điệu ví cất lên nồng ấm và đắm say lòng người.

Đến với dân ca xứ Nghệ, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh những đêm trăng thanh gió mát, những người con gái vừa quay tơ, vừa dệt vải, vừa tâm tình với các chàng trai bằng những câu hát chân thành, tha thiết, mộc mạc:

…Thiếu chi hoa lý hoa lài

Mà chàng đi chuộng hoa khoai trái mùa?

Hoa khoai chịu nắng chịu mưa

Hoa lài hoa lý chưa trưa đã rầu

hay như:

Muối ba năm muối đang còn mặn

Gừng chín tháng gừng hãy còn cay

Đôi ta tình nặng nghĩa dày

Dù có xa nhau chăng nữa, ba vạn sáu ngàn ngày cũng nỏ xa…

Còn trên dòng sông Lam, cô gái xứ Nghệ nón lá, áo nâu vừa chèo thuyền, vừa cất lời ca man mác:

Ai biết nước sông Lam răng là trong là đục

Thì biết sống cuộc đời răng là nhục là vinh

Thuyền em lên thác xuống ghềnh

Nước non là nghĩa, là tình ai ơi…

Có một điều đặc biệt của ví, giặm so với các sinh hoạt dân ca ở các vùng, miền khác là loại hình hát đối được sản sinh trong lao động, sản xuất, nhưng đã thu hút được sự tham gia tích cực của tầng lớp trí thức, các bậc nho sỹ, nhà khoa bảng, chí sỹ yêu nước, như: Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Huy Quýnh, Đinh Viết Thận, Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý…
Sâu lắng tình người những câu hò xứ Nghệ
Liên hoan ví giặm định kỳ ở xứ Nghệ

Đại thi hào Nguyễn Du từng nổi tiếng với lời đối đáp cùng con gái phường vải Trường Lưu khi đến trước sân nhà không may bị vấp ngã: “Đến đây hò hát làm thân/ Cúi đầu bái lạy trước sân làm gì? – Đất chi có đất lạ lùng/ Đứng thì không chịu, nằm cùng lại cho”…

Cội rễ của Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được bắt nguồn từ đời sống lao động. Có lẽ vì vậy mà nó mang sức sống lâu bền cùng thời cuộc. Hình ảnh những người nông dân chân lấm, tay bùn quanh năm trên đồng ruộng thẳng cánh cò bay, chiều đến thong thả dẫn trâu về chuồng trong khói lam chiều bảng lảng…; tối đến, bên ấm nước chè xanh nóng hổi, thơm phức, họ cùng ngồi bên nhau trò chuyện, đàn ông thì hút thuốc lào, các mẹ, các chị thì quay tơ, dệt vải cho đến tận khuya…

Những làn điệu dân ca bắt nguồn từ đó. Ban đầu chỉ là những câu hát đối đáp bình dị, gần gũi với cuộc sống đời thường. Sau đó được chính họ thể hiện trong những dịp mừng thọ đầu Xuân, lễ hội của làng… Rồi theo thời gian, dân ca đã trở thành chủ đề chính của các buổi giao lưu, các cuộc liên hoan văn nghệ. Đặc biệt là “Tiếng hát làng Sen” hàng chục năm nay đã trở thành phong trào rộng lớn trong quần chúng nhân dân từ xã đến huyện, tỉnh và lan tỏa ra nhiều địa phương trong nước.

Những giá trị của dân ca ví, giặm và hò xứ Nghệ đã có sức ảnh hưởng to lớn đến đời sống tâm hồn và đời sống nghệ thuật của người dân Nghệ Tĩnh. Vậy nên bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hóa là việc làm vô cùng cần thiết, cấp bách.

Như khẳng định của người xứ Nghệ, dân ca ví giặm xứ Nghệ đã và đang có được sức sống mãnh liệt trong cộng đồng, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu với rất nhiều tầng lớp nhân dân – đó là điều đáng mừng. Bởi lẽ, việc UNESCO công nhận Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cũng là để “nuôi” dân ca trường tồn, phát triển bền vững trong lòng dân tộc và nhân loại.

Sâu lắng tình người những câu hò xứ Nghệ Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Nguyễn Vinh

0 Comments:

Post a Comment