Friday, March 27, 2020

Giúp trẻ có ý chí mạnh mẽ, khả năng vượt khó, cha mẹ không làm 12 điều sau

Trước đây, khi dự đoán về thành công trong tương lai, người ta hay xét đến chỉ số thông minh (IQ), chỉ số cảm xúc (EQ), chỉ số nghề nghiệp (CQ) hay chỉ số say mê (PQ)… Nhưng trên thực tế, chỉ số vượt khó (AQ) lại là yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại của mỗi người.
Giúp trẻ có ý chí mạnh mẽ, khả năng vượt khó, cha mẹ không làm 12 điều sau
Ý chí mạnh mẽ giúp các em bật dậy tốt hơn sau mỗi thất bại, tiếp thêm nghị lực cho các em vững bước và là chìa khóa mở ra những cánh cửa thành công. (Ảnh: Shutterstock)

Khả năng vượt khó là chỉ những cá nhân bao gồm cả người lớn và trẻ em có khả năng đối diện, xoay sở, biến các trở ngại thành cơ hội để dẫn đến thành công. Khó khăn đối với các em có thể là từ những việc phải đến trường hàng ngày trên chiếc xe buýt chật cứng, bị bạn bắt nạt ở trường, học lực yếu ở môn nào đó... đến những khó khăn lớn như khuyết tật thân thể, gia cảnh nghèo khó, xa cách hay mất mát người thân...

Và cho dù thách thức là gì chăng nữa, chúng ta đều cần phải đối mặt với những nghịch cảnh. Lịch sử và các nghiên cứu đều đã chứng minh rằng khả năng của con người dường như vô hạn trước những khó khăn, trở ngại, ngay cả với những điều đáng sợ nhất. Và chỉ số vượt khó AQ chính là yếu tố tạo nên khả năng phi thường này.

Tiểu thuyết gia nổi tiếng của Mỹ, bà Jodi Picoult, tác giả cuốn Người bảo vệ chị tôi đã viết trong tiểu thuyết của mình: “Sức chịu đựng của con người tựa như tre trúc, dẻo dai hơn nhiều so với cái nhìn bề ngoài của nó.”

Chúng ta đều hiểu rằng bảo vệ con cái trước những thực tế khắc nghiệt của cuộc sống là bản năng của cha mẹ, chẳng dễ dàng khi phải nói với cô con gái nhỏ vừa bị té ngã đau rằng con hãy lau khô đi nước mắt và coi như không có gì xảy ra. Nhưng đôi khi chúng ta vẫn phải làm như vậy để tôi luyện tinh thần con trẻ, giúp chúng vượt qua nỗi đau thân thể, tiếp tục cất bước tiến lên phía trước.
Giúp trẻ có ý chí mạnh mẽ, khả năng vượt khó, cha mẹ không làm 12 điều sau
Chẳng dễ dàng khi phải nói với cô con gái nhỏ vừa bị té ngã đau rằng con hãy lau khô đi nước mắt và coi như không có gì xảy ra. (Ảnh: Shutterstock)

Với xu hướng hiện đại hoá, nhiều cha mẹ trực thăng (helicopter parents) luôn theo dõi, giám sát và bảo vệ con cái quá mức nhưng lại đang dần quên đi những bài học nhằm phát triển khả năng vượt khó ở trẻ. Khả năng vượt khó hoàn toàn có thể cải thiện nhờ thói quen rèn luyện mỗi ngày.

Nhà tâm lý học người Mỹ - Amy Morin mất chồng khi cô mới 26 tuổi, vượt qua nỗi đau mất mát, Morin dành hết tâm sức cho công việc và trở thành nhà tâm lý học, người phụ trách chuyên mục cho một tòa soạn báo và một tác giả. Bà cho rằng khả năng vượt khó cũng giống như cơ bắp cơ thể, càng hoạt động thì càng linh hoạt, dẻo dai, ý chí càng mạnh mẽ.

Ý chí mạnh mẽ giúp các em bật dậy tốt hơn sau mỗi thất bại, tiếp thêm nghị lực cho các em vững bước và là chìa khóa mở ra những cánh cửa thành công. Nhà tâm lý học liệt kê những điều cha mẹ của những đứa trẻ có ý chí mạnh mẽ không làm. Chúng ta cùng tham khảo:

1. Dung túng tâm lý nạn nhân

Bị từ chối, thất bại, bất công… là một phần của cuộc sống. Cha mẹ không củng cố suy nghĩ của các em rằng mình là nạn nhân của những bất hạnh đó. Hãy chỉ bảo các em, dù hoàn cảnh khó khăn hay trái lẽ đến đâu, chúng ta luôn cần suy nghĩ và hành động một cách tích cực.

2. Không cảm thấy mình có lỗi

Khi con trẻ mắc lỗi, hãy đặt chúng vào tình huống để cảm nhận rằng cảm giác gây ra lỗi lầm với ai đó thật không dễ chịu chút nào. Hãy khiến chúng biết chịu trách nhiệm cho việc mình đã làm. Và quan trọng, cha mẹ cần hướng dẫn con không để những cảm xúc ngột ngạt đó cản trở con đưa ra những quyết định sáng suốt.
Giúp trẻ có ý chí mạnh mẽ, khả năng vượt khó, cha mẹ không làm 12 điều sau
Khi con trẻ mắc lỗi, hãy đặt chúng vào tình huống để cảm nhận rằng cảm giác gây ra lỗi lầm với ai đó thật không dễ chịu chút nào. (Ảnh: Shutterstock)

3. Coi mình là trung tâm của vũ trụ

Nếu cha mẹ dành phần lớn thời gian của mình chỉ để ý đến việc chăm sóc con cái, chúng sẽ lớn lên cùng với suy nghĩ rằng những người khác cũng sẽ phải phục vụ chúng như cha mẹ vậy. Tính ích kỷ sẽ càng ngày càng phát triển và vô hình chung con trẻ đã tự giới hạn mình ngay tại vạch xuất phát.

4. Để nỗi sợ kiểm soát

Bao bọc con cái trong lớp bảo vệ an toàn sẽ giúp cha mẹ giảm bớt đi lo lắng. Nhưng nếu loại trừ hết mọi “hiểm nguy rình rập” có thể xảy đến thì sẽ khiến trẻ mất dần đi kỹ năng tự bảo vệ bản thân. Hướng dẫn trẻ thấy rằng cách tốt nhất để chinh phục nỗi sợ là đối mặt với những nỗi sợ đó.

5. Trao cho con quá nhiều “quyền"

Để trẻ tự đưa ra quyết định gia đình ăn gì vào tối nay hay gia đình đi đâu vào kỳ nghỉ sắp tới… có thể những quyền tự quyết này vượt quá khả năng của con trẻ. Coi trẻ ngang hàng như người lớn trong nhà hoặc như cậu chủ cũng sẽ phát triển một cảm giác không lành mạnh về quyền lực khi chúng nhận thấy mong muốn của mình không bị giới hạn.

6. Mong chờ sự hoàn hảo

Hãy để tâm tới việc con trẻ đang cố gắng hoàn thành thật tốt việc nào đó hơn là trông mong chúng trở thành người hoàn hảo. Giúp con hiểu rằng không nản lòng khi gặp thất bại, không tự mãn trước những thành công. Thay vì cố gắng để trở nên hoàn hảo, chúng ta chỉ cần gắng sức để công việc trở nên tốt hơn.

7. Lảng tránh trách nhiệm

Trẻ dễ bị cám dỗ bởi những trò chơi không lành mạnh khi các em có quá nhiều thời gian rảnh rỗi. Hướng dẫn các em làm việc nhà phù hợp với lứa tuổi sẽ giúp các em hoàn thiện các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống sau này và ý thức được trách nhiệm của bản thân khi là thành viên của gia đình, là công dân của đất nước.
Giúp trẻ có ý chí mạnh mẽ, khả năng vượt khó, cha mẹ không làm 12 điều sau
Hướng dẫn các em làm việc nhà phù hợp với lứa tuổi sẽ giúp các em hoàn thiện các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống sau này và ý thức được trách nhiệm của bản thân. (Ảnh: Shutterstock)

8. Che chở cho con khỏi cảm xúc không thoải mái

Đau ốm, buồn chán, thất vọng, lo lắng… là những cảm xúc thông thường và luôn hiện hữu trong cuộc sống. Hãy để các em trải nghiệm những cảm xúc này, giúp chúng có cơ hội thực hành và tăng sức chịu đựng khi điều không thoải mái xảy đến.

9. Có trách nhiệm với cảm xúc của con cái

Động viên con cái khi chúng buồn chán hay dỗ dành khi chúng bực bội có nghĩa là cha mẹ đã can thiệp điều chỉnh cảm xúc của con trẻ. Trẻ em cần phát triển năng lực cảm xúc một cách tự nhiên và cần học cách quản lý cảm xúc của chính mình.

10. Ngăn con phạm sai lầm

Chữa bài tập về nhà cho con, kiểm tra cặp sách lại một lần nữa trước khi con đến trường, liên tục nhắc con lưu ý những việc cần làm… Cứ như vậy, cha mẹ sẽ tự trở thành những giáo viên xuất sắc. Đôi khi hãy để con cái tự làm theo cách của chúng. Nếu có sai sót, hỏng hóc, cha mẹ hướng dẫn con cái học hỏi từ chính những sai lầm của mình để chúng phát triển khôn ngoan hơn, mạnh mẽ hơn.

11. Lẫn lộn giữa kỷ luật và trừng phạt

Trừng phạt là làm cho trẻ phải chịu sự đau khổ khi mắc lỗi hoặc vi phạm các quy định. Kỷ luật là trẻ được cha mẹ giải thích nguyên nhân, tác hại của lỗi do mình gây ra, kèm theo hướng dẫn và cách khắc phục. Kỷ luật sẽ giúp trẻ chủ động tích cực cải thiện bản thân qua việc mắc lỗi thay vì sợ hãi.

12. Cha mẹ làm thay con cho nhanh

Tự làm việc nhà bao giờ cũng nhanh và hiệu quả hơn là giao cho con cái. Chiều lòng một đứa trẻ đang mè nheo sẽ khiến cha mẹ sớm được thảnh thơi, nhưng điều đó khiến con mất đi cơ hội vượt qua chính mình và học hỏi. Cha mẹ hãy kiên nhẫn để con tự vượt qua từng chướng ngại. Khi thành công đến, các em sẽ tự tin hơn vào bản thân, cảm thấy mình có thể làm bất cứ điều gì nếu biết cố gắng.

Chúng ta không hẳn đã là cha mẹ hoàn hảo nhưng với những lời khuyên trên của chuyên gia tâm lý Morin, chúng ta có thể áp dụng để giúp các con có ý chí mạnh mẽ, tăng khả năng vượt khó, phát triển thành những đứa trẻ tự lập, sống có trách nhiệm. Cách chúng ta đối mặt với những trở ngại sẽ quyết định chúng ta là người như thế nào.

May May/NTDVN

Giúp trẻ có ý chí mạnh mẽ, khả năng vượt khó, cha mẹ không làm 12 điều sau Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Nguyễn Vinh

0 Comments:

Post a Comment