Nghe cắc cớ nhưng rất nhiều người gặp cảnh tréo ngoe này. Nguyên cớ nhiều, nhưng chung quy cũng từ bài toán thu chi năng lượng mà ra.
Dầu mỡ - Át chủ bài nhiều món ngon
“Hãy nói cho tôi biết bạn ăn gì, tôi sẽ nói bạn có béo hay không”. Hơi ngoa ngôn nhưng rõ ràng trên bàn ăn của chúng ta luôn tồn tại hai nhóm thực phẩm có vai vế khác nhau về năng lượng. Vấn đề là bạn chọn bên nào.
Cụ thể, nhóm bột, đường, đạm cho 4 kcal/g, trong khi nhóm chất béo (dầu, mỡ) lại cống hiến đến 9 kcal/g. Do vậy, không lạ dù ăn chẳng nhiều nhưng nếu bạn “tả khuynh” thuận dầu, mỡ hơn thì khả năng phát phì sẽ nhanh hơn nhóm “hữu khuynh” - chỉ chọn cơm với thịt.
Một so sánh sát sườn có thể giúp bạn hình dung lợi hại của việc chọn lập trường: một chén cơm điểm xuyết vài lát thịt cho chừng 300 kcal trong khi một tô phở thơm ngon, béo ngậy lại cung cấp gần 500 kcal.
Nhập nhiều - xuất ít
Tự nhiên luôn có xu hướng khuyến khích mọi sinh vật, kể cả con người - béo lên một chút. Đơn giản, béo là kết quả của tích trữ năng lượng, nếu cần mang ra dùng khi đói kém. Con người không phải lo phòng thân đến vậy mà đa phần người ta béo vì nhập nhiều mà xuất ít, thậm chí hầu như không xuất.
Cho đến nay, cách chi xuất năng lượng khả thi và an toàn nhất là qua vận động. Không kể ăn nhiều hay ít, nếu lười hoặc đặc thù nghề nghiệp buộc bạn ít động tay động chân thì xem như bạn thuộc dạng tiềm năng béo lên lúc nào không biết.
Thêm một phép so sánh cụ thể: Một tô phở cho bạn khoảng 500 kcal, trong khi một séc quần vợt trung bình ngốn của bạn khoảng 800 kcal. Điều này đồng nghĩa, dù tinh thần ăn uống khiêm tốn nhưng nếu bạn ít vận động thì nguy cơ phát phì vẫn thập thò đợi bạn.
Bảo vận động chống béo phì thì trẻ con cũng biết. Vấn đề là biết nhưng nhiều người vẫn không tài nào tìm được cơ hội triển khai chiến lược đốt năng lượng thừa. Cụ thể, không có thời gian và kiên nhẫn. Tuy vậy, thực người không có duyên với vận động, thể dục, thể thao, không có có hội thật sự thì ít mà vô tình bỏ qua chúng thì nhiều.
Đơn giản, vận động với mục đích đốt năng lượng thừa thì không cần quá cầu kỳ, sang cả. Áo thun ba lỗ, quần đùi với vài chục vòng chạy bộ trên sân thượng vẫn có hiệu quả tương đương với một séc quần vợt. Một cái tiện nữa là vận động chống béo có thể cộng dồn.
Chẳng hạn, nếu bạn đặt chỉ tiêu 60 phút vận động mỗi ngày thì bạn có thể làm việc đó 15 phút ở cơ quan và 45 phút vào buổi tối, khi về nhà. Ngoài ra, những người thon thả nhờ vận động thường biết cách “ứng vạn biến”.
Họ có thể sáng tạo ra mọi cách để động tay động tay, chẳng hạn gửi xe cách siêu thị vài trăm mét để tận dụng khoảng thời gian cuốc đi và về, hay giấu biệt chiếc remote TV để khi cần chuyển kênh phải đích thân nhoài người, bước tới TV.
Bạn có thể mường tượng khi đi bộ chừng 10.000 bước, bạn đốt được chừng 200 kcal nhưng nếu nặng nhọc hơn bằng việc lên xuống cầu thang trong 1 giờ, bạn tống được 400 kcal...
Chỉ mặt “thủ phạm”
Có một lý do cơ bản khiến một người người dễ “giàu xổi” về trọng lượng, đó là cơ thể họ may mắn sở hữu công suất chuyển hóa năng lượng cao. Cụ thể, để có được 4 kcal từ 1 gam chất bột, cơ thể phải chi dùng năng lượng để xử lý, giống như máy phát điện cần ít xăng chạy máy.
Một số người làm việc này với mức chi phí thấp nhất. Nói dễ hiểu, cơ thể họ làm ăn hiệu quả nên nhanh khấm khá hơn người khác. Tương tự, nhiều người “ăn chơi mập thật” có hệ tiêu hóa, nội tiết, lưu trữ “hàng xịn” nên lợi tức thu được trên một đơn vị đồng vốn ở mức cao.
Thực tế, không khó nhận ra những người biết cách sinh lãi trời sinh này bởi họ ăn uống không nhiều, có khi rất đạm bạc nhưng vẫn béo lên một cách... không cưỡng lại được.
Ăn ít mà chóng béo còn do cách người ta chọn thời điểm ăn. Cụ thể, xét sinh lý thì tầm 9 giờ tối trở đi, cơ thể xem như dừng việc lui về chế độ nghỉ ngơi nên mọi cuộc thu nạp năng lượng sau giờ tan ca này sẽ được cơ thể chuyển hướng sang dự trữ.
Sau cùng, việc ai đó dễ có da có thịt hơn thiên hạ có khi nhờ vào những động lực không ngờ tới. Chẳng hạn, người ta nhận thấy người bị stress bỗng trở nên nhiệt tình ăn uống và năng suất thu lợi calo cũng tăng lên tương ứng.
Lý do là sự căng thẳng, lo lắng vô tình tạo tâm lý đối phó, buộc cơ thể tăng cường thu nạp năng lượng để ứng biến. Trớ trêu, nhiều quý bà, quý cô sau một thời gian “tiết thực” chống béo thất bại, khi buông súng, lại biến cơ thể thành cỗ máy ngốn năng lượng như chưa bao giờ được ăn để bù lại những ngày... thiếu đói.
Ở một cực khác, lại có những người “chết trên đống vàng”, nghĩa là ăn nhiều, ăn nhiệt tình, nhưng sức nặng vẫn chẳng thăng tiến được bao nhiêu. Nguyên cớ không khó đoán, cứ lật ngược vấn đề của nhóm “làm chơi ăn thật” trên thì rõ.
Chẳng hạn, nhiều người ăn nhiều nhưng về chất, thực đơn của họ khá đạm bạc, đặc biệt nghèo nàn những thực phẩm sinh lợi năng lượng cao. Chẳng hạn, không ít phụ nữ có ác cảm nặng với dầu, mỡ. Vừa nhác ngửi thấy mùi béo, ngậy là họ sẵn lòng bỏ đũa đứng dậy hoặc tệ hơn là buồn nôn hoặc nôn thốc nôn tháo nếu lỡ gắp một miếng cho vào miệng.
Nhiều người “nghèo” có số đơn giản vì kết quả bài toán thu chi năng lượng của họ luôn ở mức âm, nghĩa là thu vào nhiều nhưng tiêu xài lại “ném tiền qua cửa sổ” có phần hơn.
Họ có thể là những người lao động chân tay nặng hoặc không nặng nhưng lặp đi lặp lại, chẳng hạn công nhân đứng dây chuyền sản xuất. Sự căng thẳng, tập trung thái quá do nghề nghiệp như tài xế, thầy thuốc, cũng âm thầm ngốn năng lượng ở mức cao dù thoạt trông họ có vẻ nhàn hạ.
Người gầy dù dốc hết cao lương mỹ vị vẫn gầy, có thể do tạng người bẩm sinh không thể mưu sự tại nhân được. Một kết quả “ở ống thì dài, ở bầu thì tròn” dễ hiểu. Tuy vậy, nguyên cớ rõ nhất khiến không ít nạn nhân cố mãi vẫn không đổi màu vóc dáng được là vì nội lực kém.
Trước hết, hiệu năng chuyển hóa năng lượng của cơ thể họ không tốt, thậm chí... lỗ vốn. Chẳng hạn, để tiêu thụ 4 kcal chất bột, có thể họ phải dùng đến 3, thậm chí lớn hơn 4 kcal. Rốt cuộc, hoàn vốn hay thâm vào vốn là hiển nhiên.
Gầy còn do đương sự không biết cách dùng bữa. Chẳng hạn, nhiều người gầy cố ăn thật nhiều nhưng lại chia nhỏ bữa ăn vì ngán hay không có thời gian. Việc phân nhỏ thực đơn này dễ khiến cơ thể, đặc biệt là hệ tiêu hóa rơi vài mệt mỏi, chưa kể năng lượng tiêu hao lắt nhắt cũng nhiều hơn.
Một cách dễ hình dung là thay vì tập trung một đống đồ ủi một lần, đương sự lại thực hiện việc này ngắt quãng mỗi lần vài bộ, khiến lượng điện tiêu hao làm nóng bàn ủi nhiều lần tăng lên tương ứng.
Ăn nhiều mà không thu được bao nhiêu, có thể còn do đương sự chọn thời điểm dùng bữa không tối ưu cho việc tích lũy. Như đã nói, ăn đêm là kế hay, buộc cơ thể chuyển năng lượng vào két sắt.
Ngoài ra, công suất sinh lợi kém còn vì chủ nhân sở hữu một động cơ kém chất lượng. Chẳng hạn, người có một chiếc dạ dày bé bẩm sinh hay bộ ruột non (nơi hấp thụ dinh dưỡng) có chiều dài ngắn, khiến nguồn thu vượt qua dây chuyền hấp thụ mà dưỡng chất vẫn chưa được tận thu hết.
Rõ hơn, người gầy thường có bệnh, đặc biệt bệnh liên quan đến tiêu hóa, nội tiết... Chẳng hạn, bệnh tiểu đường tiềm ẩn có thể không phát tán rầm rộ ngay mà âm thầm rút tỉa trọng lượng nạn nhân dần dần qua sự kém hiệu quả trong việc đưa đường đến các tế bào tiêu thụ. Trông thấy ngay là những chứng bệnh buộc cơ thể tăng mức tiêu thụ năng lượng qua nhiệt lượng, rung cơ như Basedow (bướu giáp độc), Parkinson (liệt rung)...
Người ta khó có da có thịt còn vì tâm lý, thường dính đến nghề nghiệp. Không cần là chuyên gia, ai cũng có thể nhận ra khi lo lắng, căng thẳng thì miếng đưa lên miệng thường nhạt thếch.
Rất khó để ai đó phương phi nếu họ luôn chìm vào những lo toan, căng thẳng ngày này sang ngày khác. Căng thẳng không chỉ khởi đầu mà còn là nút thắt khởi đầu xiết chặt của sợi dây thòng lọng làm sút giảm hiệu năng chuyển hóa. Đã không ngon miệng mà còn thất thu thì khó mong có tin vui từ chiếc bàn cân.
Lo lắng còn khiến người ta mất ngủ. Ngủ là khoảng thời gian vàng tích lũy của cơ thể, ban ngày dành cho hoạt động, còn ban đêm là thời điểm gầy dựng. Những ai bất hòa với thần mộng thì cơ hội phình ra rất mong manh.
Cũng liên quan đến tâm lý, ngườit ta gầy còn vì... sợ béo. Cắc cớ ở chỗ ý chí muốn phì ra hơn nhưng trong sâu thẳm cơ thể lại sợ béo một phép. Nạn nhân của nạn “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” này không khó đoán là các bà, các cô, nhất là các thiếu nữ.
Chẳng hạn, một cô gái suốt thời thiếu nữ bị “khủng bố” với hàng loạt cái gương tày đình xấu xí, thất bại của người béo, riết thành ám thị, khi đến tuổi trưởng thành rất muốn cải tạo dóc váng quá phẳng phiu của mình bằng cách ăn thật nhiều.
Nhưng khốn nỗi, cái tôi bên trong của cô lại âm thầm cưỡng lại ý đồ đó qua việc làm chậm lại tiến trình hấp thu. Kẻ làm, người phá nên thất bại là đương nhiên.
Giải bài toán thu - chi
Không phải quá nhiêu khê, chi li, chỉ cần áng chừng mức thu vào và chi ra sao cho cuối ngày bài toán trừ năng lượng của bạn “hòa vốn” hoặc “âm vốn” nếu muốn giảm cân và ngược lại nếu muốn tăng cân.
Dù thế nào cũng không nên quên duy trì nhu cầu tối thiểu của cơ thể, với một người có hoạt động trung bình cần khoảng 2.000 kcal/ngày, và tất nhiên cần duy trì cả nhu cầu cũng như tỷ lệ các chất thiết yếu.
Bám thật sát “bài toàn trừ” then chốt này, ta có một con số “tỷ giá” đơn giản: giảm 500 kcal/ngày, bạn sẽ bốc được 2kg mỡ/tháng khỏi vòng eo của mình.
(Theo BS. Đỗ Minh Tuấn // Đẹp)
0 Comments:
Post a Comment