Thận là một trong những đường thải trừ chủ yếu của thuốc, do đó khi bị bệnh thận, nhất là khi chức năng thận đã suy giảm thì việc dùng thuốc phải rất cẩn trọng.
Về nguyên tắc, để điều chỉnh liều của thuốc cho người bị bệnh thận, trước hết cần biết loại thuốc đó có thải trừ hoàn toàn qua đường thận - tiết niệu hay không và thuốc đó độc hại như thế nào.
Đối với loại thuốc mà tác dụng phụ chỉ liên quan rất ít hoặc không liên quan đến liều dùng thì không cần tính liều điều chỉnh một cách chính xác.
Đối với các thuốc độc hại hơn, có khoảng an toàn hẹp thì cần điều chỉnh theo mức lọc cầu thận ước tính dựa vào nồng độ của creatinin huyết.
Đối với các thuốc mà hiệu lực và độc tính có liên quan chặt chẽ với nồng độ thuốc trong huyết tương thì phác đồ điều trị khuyến cáo chỉ nên coi là một hướng dẫn ban đầu. Trong quá trình điều trị cần thăm dò liều cẩn thận.
Dược lực học của thuốc phụ thuộc vào sự hấp thụ, phân bổ, chuyển hóa và thải trừ.
Độ thanh thải thuốc qua thận phụ thuộc vào mức lọc cầu thận và quá trình vận chuyển qua ống thận.
Khi chức năng thận suy giảm đến giai đoạn cuối, các thuốc sử dụng bị tích lũy và gây ra nhiều tác dụng không mong muốn với tần suất cao mặc dù liều lượng thuốc đã được điều chỉnh. Nếu đã có chỉ định lọc ngoài thận, cần xem xét đến con đường đào thải thêm này để điều chỉnh liều thuốc sao cho hiệu quả điều trị vẫn được bảo đảm.
Dược lực học của thuốc bị thay đổi nhiều ở những người đang điều trị bằng lọc máu chu kỳ hoặc lọc màng bụng liên tục ngoại trú. Người thầy thuốc kê đơn dựa vào đánh giá chức năng thận để chỉ định liều đầu tiên, liều duy trì, liều bổ sung, khoảng cách giữa các liều.
Bệnh thận nặng lên do thuốc
Những người bị bệnh thận phải rất thận trọng khi dùng các thuốc sau đây:
- Thuốc chống viêm không steroid như indometacin, diclofenac, ketorolac, piroxicam, fenoxicam, ibuprofen, ketoprofen.
- Thuốc kháng sinh độc thận như nhóm aminoglycosid (amikacin, tobramycin, gentamycin, kanamycin, streptomycin), rifampicin, vancomycin.
- Thuốc cản quang để chụp thận thuốc.
- Dung dịch truyền dextran, immunoglobulin.
- Amphotericin, cisplatin, mesalazin.
Tăng tác dụng không mong muốn của thuốc
- Nhóm digitalin (digoxin): Khi suy thận, rối loạn điện giải (tăng canxi huyết hoặc hạ kali huyết) và sau buổi lọc máu dùng digoxin có thể bị nhiễm độc.
- Nhóm anticholinergic như trihexyphenidyl có thể gây bí đái, đái không tự chủ.
- Cyclophosphamid gây viêm bàng quang xuất huyết.
- Nhóm độc tế bào, methotrexat, acyclovir có thể gây tăng ure huyết và suy thận cấp chức năng.
- Nhóm giảm mỡ máu: fibrat, statin có thể gây tăng men gan (GOT, GPT) và giảm chức năng thận.
Sử dụng kháng sinh ở bệnh nhân giảm chức năng thận
Các bệnh nhân bị bệnh thận thường có tình trạng suy giảm miễn dịch nên tần suất mắc các bệnh nhiễm khuẩn tăng và cần điều trị bằng kháng sinh.
Việc chỉ định loại thuốc, đường dùng, liều dùng, khoảng cách giữa hai liều dùng, thời gian dùng được các thầy thuốc điều trị cân nhắc cẩn thận dựa vào thể trạng, tuổi, giới tính, mức lọc cầu thận, có lọc ngoài thận hay không (chạy thận nhân tạo chu kỳ hoặc lọc màng bụng liên tục ngoại trú).
Các yếu tố nguy cơ tăng tác dụng không mong muốn của thuốc ở người bị bệnh thận
- Theo tuổi: trẻ nhỏ và người cao tuổi.
- Phụ nữ có thai.
- Bệnh nhân có đái tháo đường và suy tim.
- Giai đoạn bệnh thận mạn và mức độ suy thận.
- Dùng liều cao và kéo dài.
- Phối hợp nhiều thuốc.
- Thuốc không rõ nguồn gốc, chưa có xác minh khoa học.
(Theo PGS.BS. Trần Văn Chất // Báo Sức khỏe đời sống Online)
0 Comments:
Post a Comment