Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính mỗi năm trên thế giới có khoảng 17,3 triệu người tử vong do bệnh tim mạch, chiếm đến 30% nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho con người.
Mới đây tạp chíBritish Medical Journalđã đưa ra kết luận cho thấy, gia tăng khoảng 5 gr muối/ngày trong chế độ ăn sẽ làm tăng 23% nguy cơ đột quỵ và 17% nguy cơ bệnh tim mạch. Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng giảm lượng muối 6 gr/ngày sẽ dẫn đến giảm huyết áp khoảng 7/4 mmHg đối với người tăng huyết áp và giảm 4/2 mmHg ở người huyết áp bình thường và sự thay đổi này dẫn đến giảm nguy cơ đột quỵ vào khoảng 24% cũng như giảm bệnh tim mạch khoảng 18%.
Cơ thể chúng ta chỉ cần một lượng muối rất nhỏ để có thể duy trì hoạt động bình thường. Mặc dù vậy, trên thực tế, lượng muối mà nhiều người cung cấp vào cơ thể đã hoàn toàn vượt mức khuyến cáo 3-6 gr muối/người/ngày mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra. Công bố của Viện Dinh dưỡng cho thấy, người Việt Nam lâu nay đã sử dụng lượng muối trung bình lên đến 18-22 gr/người/ngày, cao gấp 3 lần so với khuyến cáo của WHO.
Điều này rất nguy hiểm! Khi chúng ta ăn nhiều muối, hàm lượng natri trong máu sẽ gia tăng và thận sẽ phải làm việc không ngừng để lọc máu. Nếu lượng natri trong máu cao vượt khả năng lọc của thận, hàm lượng natri trong máu gia tăng làm tăng áp lực thẩm thấu trong lòng mạch. Hậu quả là nước sẽ di chuyển vào bên trong lòng mạch theo áp lực thẩm thấu gây tăng thể tích máu dẫn đến tăng huyết áp và tăng gánh nặng hoạt động của tim. Khi đó, tim phải bơm một lượng máu lớn hơn bình thường với áp lực cao, về lâu dài sẽ dẫn đến suy tim.
Mặc dù cholesterol và một số các yếu tố khác cũng gây nên tăng huyết áp nhưng chế độ ăn nhiều muối vẫn được xem là một trong các nguyên nhân quan trọng và được quan tâm nhiều nhất hiện nay. Để giảm tử vong do bệnh tim mạch, nhiều nỗ lực đã được các cơ quan, tổ chức sức khỏe thực hiện nhằm khuyến khích người dân hạn chế việc ăn mặn.
Tuy nhiên, phải hiểu được rằng, giảm ăn mặn không có nghĩa chỉ hạn chế việc dùng muối ăn mà cần phải kết hợp với việc giảm các loại thực phẩm chứa nhiều muối. Việc thay đổi thói quen ăn uống đã được hình thành trong suốt một thời gian dài là rất khó khăn nhưng vẫn có thể thực hiện được nếu chúng ta có chế độ ăn hợp lý và tập dần thói quen giảm muối theo từng bước, bắt đầu từ những cách đơn giản nhất:
- Nên chọn các loại nước chấm có công thức giảm muối.
- Hãy pha loãng các loại nước chấm hơn là ăn nguyên chất.
- Hạn chế để các loại gia vị mặn như muối hoặc nước chấm trên bàn ăn.
- Nêm thức ăn lạt hơn bình thường.
- Hạn chế các món chế biến mặn: kho mặn, khô, mắm, rau cải muối chua... Nên ăn món lạt như kho lạt, canh, luộc…
- Không nên trữ các loại thức ăn mặn trong nhà (khô, mắm...).
- Nên chọn thức ăn tươi để nấu ăn hơn là dùng thực phẩm chế biến sẵn. Các thực phẩm chế biến sẵn như thịt hộp, thịt xông khói, lạp xưởng, giò, chả, khoai tây chiên, snack, phô mai... chứa rất nhiều muối.
- Hạn chế đi ăn nhà hàng, quán ăn bên ngoài vì thường ở những nơi này để tạo độ đậm đà, ngon miệng, các món ăn sẽ chế biến mặn hơn trong gia đình.
- Tập thói quen đọc nhãn hiệu, bao bì để xem thành phần nguyên liệu có an toàn không và lượng muối là bao nhiêu trong các thực phẩm chế biến sẵn.
Ngoài những yếu tố di truyền và chủng tộc gây bệnh tim mạch mà chúng ta không thay đổi được, còn các thói quen về ăn uống và lối sống là hoàn toàn có thể thay đổi để phòng ngừa bệnh. Vì vậy, hãy thay đổi thói quen ăn uống để có một trái tim khỏe mạnh và góp phần mang đến cuộc sống thoải mái, không lo âu vì sức khỏe.
(Theo TS.BS Trần Thị Minh Hạnh // Thanhnien Online)
0 Comments:
Post a Comment