Tuesday, December 17, 2019

Có thể mù mắt vì cận thị

Các bác sĩ cảnh báo, cận thị nặng ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ. Nếu để bệnh biến chứng nặng, có thể bị đục dịch kính, thoái hóa võng mạc, bong võng mạc và mù lòa.

Tiến sĩ Đỗ Như Hơn, Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, cận thị hay gặp nhất trong nhóm tật khúc xạ (TKX) và tỷ lệ học sinh bị cận thị đang ngày càng gia tăng.

Trẻ cận nặng do cha mẹ chủ quan

Có thể mù mắt vì cận thị
Cứ mỗi lần thấy bé Hoa, 11 tuổi, ở Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội, xem tivi dù đã ngồi gần sát màn hình vẫn phải nheo mắt, chị Hồng lại quát con vì cho rằng bé “bắt chước” tật xấu ở đâu. Chỉ đến khi giáo viên chủ nhiệm lớp gặp trực tiếp phụ huynh phản ánh về việc bé Hoa học ngày càng giảm sút, chép bài sai nhiều, mất trật tự trong lớp do thường xuyên phải hỏi bạn vì không nhìn thấy bài trên bảng, chị Hồng mới giật mình đưa con đi khám. BS cho biết bé Hoa bị cận thị 3 độ và bắt đầu có biểu hiện nhược thị do mắt cận nặng không được đeo kính điều chỉnh.

Một trường hợp khác là cháu Huỳnh Yên, 14 tuổi, Thịnh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội. Dù mắt nhìn rất kém, hay bị mỏi, chảy nước mắt nhưng vì sợ bạn bè trêu chọc, xấu hổ nên Yên nhất định không chịu đeo kính. Thấy kết quả học tập sút kém và lo lắng Yên đi đường không an toàn khi mắt kém, bố mẹ bắt buộc Yên phải đi khám để đeo kính. Ngại vào Bẹnh viện Mắt Trung ương vì đông bệnh nhân, Yên khám và đo kính ngay tại một cửa hàng kính trên đường Bà Triệu. Kết quả là đeo kính được 2 ngày, mắt Yên đỏ lựng, kèm triệu chứng đau đầu và buồn nôn. Các BS kết luận, Yên bị cận thị nặng và do đeo kính cận không chuẩn (đo sai số) nên mới xảy ra các triệu chứng trên.

Đừng để trẻ cận nặng vì… thiếu hiểu biết

Tiến sĩ Lê Thị Kim Dung, Vụ Học sinh - sinh viên, Bộ GD - ĐT cho biết, tổng hợp điều tra về tật khúc xạ (chủ yếu là cận thị) của học sinh phổ thông có tỷ lệ mắc tương đối cao. Tại Hà Nội là 24%, TP HCM là 40% và Hải Phòng là 60%. Một nghiên cứu khác cũng của TS Dung cho thấy, trong 596 học sinh của 3 tỉnh là Đà Nẵng, Hà Tĩnh và Hải Phòng bị mắc tật khúc xạ, có tới 440 học sinh bị cận thị, trong đó học sinh nữ mắc nhiều hơn nam (265 em) và học sinh ở thành thị bị cận thị gấp đôi học sinh ở nông thôn (292/148).

Tiễn sĩ Nguyễn Chí Dũng, BV Mắt TƯ cho biết, nguyên nhân gây ra tật khúc xạ, đặc biệt là cận thị ở học sinh phổ thông có nhiều yếu tố như: nhận thức và kiến thức kỹ năng chăm sóc, bảo vệ mắt của cả gia đình và học sinh chưa đủ; điều kiện sống và môi trường học tập chưa đảm bảo; làm việc bằng mắt quá nhiều (trên 8 giờ/ngày), quá lâu (liên tục trên 2 giờ); cường độ ánh sáng quá tối và tư thế khi làm việc (nhìn quá gần); thiếu vitamin A, E, vi chất Crôm; do phẫu thuật mắt hoặc chấn thương mắt…

Tiễn sĩ Vũ Bích Thủy, Trưởng khoa mắt trẻ em, BV Mắt TƯ cho biết, có nhiều phương pháp để điều trị cận thị như đeo kính gọng, kính áp tròng, phẫu thuật hoặc tập luyện nếu có kèm theo nhược thị. Tuy nhiên, phương pháp đơn giản nhất vẫn là đi khám tại BV chuyên khoa để được chỉnh kính đúng độ cận. “Thế nhưng không nhiều bậc cha mẹ hiểu được điều hết sức đơn giản này. Có người đưa con đến những hiệu kính để đo, khám kính cận mà không hề quan tâm xem ở đấy có nhân viên y tế chuyên khoa hay không; hoặc có nhiều phụ huynh không cho con đeo kính vì sợ xấu, tự hạ số kính cho con sau một thời gian đeo kính… Chính sự “thiếu hiểu biết” này dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho mắt của trẻ, đặc biệt là có thể suy giảm thị lực vĩnh viễn”, bà Thủy cảnh báo.

Cận thị có yếu tố di truyền nhưng theo các bác sĩ, có thể phòng tránh bệnh cận thị bằng nhưng cách sau:

- Không đọc sách, làm việc bằng mắt ở khoảng cách quá gần (xem tivi, máy vi tính…) liên tục quá lâu, quá nhiều

- Đảm bảo đủ ánh sáng khi học (có đèn bàn) và ánh sáng trên lớp học

- Tư thế khi ngồi học (ngồi thẳng lưng, ngay ngắn, không cúi sát xuống bàn)

- Trẻ cần được vui chơi ngoài trời 1 - 2 giờ mỗi ngày

(Theo Baodatviet)

Có thể mù mắt vì cận thị Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Nguyễn Vinh

0 Comments:

Post a Comment