Có sự nhầm lẫn khá phổ biến trong giới bác sĩ và cả phụ nữ về bệnh ung thư buồng trứng, một tổ chức từ thiện vừa tuyên bố.
Khoảng 6.800 phụ nữ bị chẩn đoán với bệnh này hàng năm. Tuy nhiên, chỉ có 30% còn sống được 5 năm sau khi phát hiện bệnh.
Tổ chức Target Ovarian Cancer đã khảo sát trên 400 bác sĩ và phát hiện thấy 80% trong số họ hiểu sai rằng phụ nữ ở giai đoạn đầu của ung thư buồng trứng không có dấu hiệu gì.
Khi được yêu cầu chỉ ra những triệu chứng tiềm năng của bệnh, 51% bác sĩ xác định đúng "tăng kích cỡ vòng bụng" là triệu chứng quan trọng nhất, nhưng chưa đầy 2% trong số họ biết rằng còn có triệu chứng "khó ăn" hoặc "nhanh no".
Và gần 2/3 số bác sĩ được hỏi không nhận thức được rằng nếu gia đình bên bố có tiền sử nhiều người bị ung thư buồng trứng thì nguy cơ mắc bệnh của người phụ nữ sẽ tăng lên.
Dấu hiệu sớm của bệnh cũng thường bị nhầm lẫn với hội chứng ruột kích thích. Các bệnh nhân thường được gửi đi kiểm tra đường tiêu hóa, và đến thời điểm bác sĩ nhận ra đó không phải là nguyên nhân thì ung thư đã tiến triển.
Cuộc khảo sát cho thấy 69% bác sĩ sản không biết rằng ung thư buồng trứng thường gây ra những triệu chứng ruột kích thích thường xuyên, đột ngột và dai dẳng.
Một phát ngôn viên của Hiệp hội bác sĩ sản khoa cho biết "rất khó" để chẩn đoán căn bệnh này ở giai đoạn sớm.
Còn trong số 1000 phụ nữ được tổ chức Target Ovarian Cancer phỏng vấn, chỉ có 4% cho biết họ có thể "tự tin xác định" các triệu chứng của bệnh.
Hai phần ba số phụ nữ này nghĩ rằng bệnh không có liên quan đến tuổi tác (trong khi thực tế càng lớn tuổi, khả năng mắc bệnh càng lớn). 80% không biết rằng những phụ nữ không con có nguy cơ cao hơn.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho biết nếu được chẩn đoán sớm, 90% người bệnh có thể sống sót. Hiện tại, 3/4 số người mắc được chẩn đoán khi bệnh đã di căn. Trung bình, từ khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên cho đến khi được chẩn đoán là khoảng một năm.
(Theo BBC/ Vnexpress)
0 Comments:
Post a Comment