Chuyện "yếu – khỏe" của đàn ông được các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu để tìm cách cải thiện. Trong khi đó, khả năng "yêu" của phụ nữ cho đến nay vẫn còn trong vòng nghiên cứu, bởi phụ nữ rất ít khi thổ lộ...
"Nhiệm vụ” bất khả thi
Theo BS Đặng Lê Dung Hạnh – BV Hùng Vương TPHCM, khả năng mang thai của một cặp vợ chồng có quan hệ tình dục (QHTD) thường xuyên (hai - ba lần/tuần) và không áp dụng biện pháp tránh thai là 30% có thai trong tháng đầu, 60% trong sáu tháng đầu và 85% trong một năm đầu.
Sợ "dính bầu" cũng gây căng thẳng và ảnh hưởng đến khả năng "yêu" của phụ nữ. Việc sử dụng các biện pháp tránh thai thường làm cho nhiều phụ nữ cảm thấy không thoải mái bởi các tác dụng phụ: rong huyết, tăng cân... Vì vậy, khoái cảm lên "đỉnh" của chị em sẽ bị tâm trạng lo lắng cản đường.
Mang thai cũng là nguyên nhân làm giảm ham muốn chuyện phòng the, chỉ vì các chị sợ ảnh hưởng đến sự an toàn của thai nhi. Sau khi sinh, phụ nữ còn đối mặt với sự thay đổi của một số bộ phận trong cơ thể. "Mỗi lần gần chồng là tôi bị đau! Làm thế nào để anh ấy hiểu rằng tôi không thể trở lại cuộc sống tình dục như trước đây?" - là nỗi băn khoăn của chị Tâm (Q.12, TPHCM).
Còn chị Hoàng, nhân viên tiếp thị, lại thú nhận: "Từ khi có bé Su Hào, tôi thường bị chồng lên án mê con hơn mê chồng. Nhưng thực tế không phải vậy. Vừa chăm bé, vừa lo việc cơ quan, trong đầu tôi chỉ có một mong muốn duy nhất là được ngủ!".
Trường hợp chị Chu Loan, công tác tại một công ty quảng cáo, thì: "Lấy nhau hai năm nhưng lần nào gần gũi chồng tôi cũng có cảm giác như bị tra tấn. Mỗi khi lâm trận, chồng tôi hào hứng "xáp lá cà” rồi... "rút quân" ngay lập tức, mặc tôi hụt hẫng với cảm xúc chưa lên đã xuống!".
"Lâm trận"
Theo BS Nguyễn Hữu Trung – giảng viên Đại học Y Dược TPHCM, trong thời gian mang thai, phụ nữ vẫn có thể QHTD bình thường. Tuy nhiên, cần hạn chế trong những trường hợp sau: đang ra huyết âm đạo, bị đau lưng hoặc đau bụng từng cơn, có nguy cơ sinh non hoặc sẩy thai; những người trước đây từng bị sẩy thai...
Ngoài ra, khi thai được 36 tuần, nên cẩn thận khi QHTD, vì có nguy cơ viêm âm đạo, ra nước ối... Theo khoa học, có thể QHTD khi người phụ nữ đã hết ra máu (sản dịch). Tức sau sinh trung bình từ 1/2 tháng đến một tháng.
Điều cần biết, những động tác "yêu" sau khi sinh cũng là cách tập thể dục, giúp máu lưu thông tốt hơn. Phụ nữ rất nhạy cảm, vì thế, chỉ cần chút lo toan là lơ là ngay. Bên cạnh đó, những lần "sinh hoạt" sau khi sinh, chị em thường có cảm giác đau. Vì vậy, đòi hỏi người chồng phải có nghệ thuật "yêu", nhẹ nhàng, âu yếm, kể cả những lời khen ngợi (phụ nữ yêu bằng tai)...
Ngoài ra, trong chu kỳ không nên QHTD, vì sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Trong thời gian này, lớp nội mạc tử cung có hiện tượng bong tróc, dễ bị vi khuẩn, virus, xâm nhập. Hãy biết chờ đợi đến khi người vợ thực sự thoải mái về tâm lý cho "chuyện ấy".
Sau khi nghiên cứu và thực hiện tư vấn trong nhiều năm về những vấn đề liên quan đến đáp ứng tình dục, BS Hồ Đắc Duy - chuyên gia giáo dục giới tính, nhận thấy: "Khi giao hợp, nếu người hôn phối khéo léo và hiểu rõ cá tính tình dục của người bạn đời thì khả năng người phụ nữ có thể đạt đến điểm cực khoái gấp ba, bốn lần so với người chồng (người chồng chỉ có thể đạt được một lần cực khoái lúc xuất tinh). Do đó, để có thể giúp vợ lên "đỉnh" yêu đương, cần tìm hiểu, quan sát cá tính tình dục của người hôn phối".
Mãn kinh là... mãn tình?
Chị Ngọc Thanh bức xúc: "Tôi đang xuân như vầy mà đi khám, bác sĩ lại nói tôi có triệu chứng tiền mãn kinh". Từ đó, mỗi tháng chị Thanh đều trông chờ hiện tượng "đèn đỏ”, nhưng đúng như bác sĩ chẩn đoán, đến hẹn đèn... không đỏ!
Ngày nay, thông tin phổ biến rộng rãi nên phụ nữ biết trước nhiều điều về tiền mãn kinh, nhưng biết rõ thì chưa hẳn! Đa số các chị rất sợ rơi vào tình trạng tiền mãn kinh vì cho rằng... thế là hết đời, hết thời, là "hết duyên đi sớm về trưa một mình". Suy nghĩ này, cùng với những bệnh phát sinh sau khi nội tiết tố suy giảm, đã khiến ngọn lửa lòng của các bà tắt ngúm.
Thực tế không phải thế, bởi sinh con là khả năng thực hiện nhiệm vụ của cơ quan sinh dục. Khả năng này ở phụ nữ có "hiệu lực" từ khi "đèn đỏ” cháy sáng lần đầu đến khi tắt hẳn. Giai đoạn sinh sản của phụ nữ ngắn hơn đàn ông, vì thiên chức làm mẹ nặng nề hơn, kéo dài hơn.
Điểm nhận thấy rõ nhất trong giai đoạn mãn kinh là nhu cầu "đòi hỏi" của các bà ít đi, vì nội tiết tố buồng trứng không còn. Giảm nội tiết làm giảm tính đàn hồi và sức căng của âm đạo, các tuyến tiết chất nhầy "lười" hoạt động làm đương sự có cảm giác đau khi "yêu".
Song song, các bà còn bị hành hạ bởi các triệu chứng: nóng bừng mặt, đổ mồ hôi, tim đập nhanh, chóng mặt, ù tai, tay chân như có kiến bò... khiến quý bà vốn dịu dàng, thùy mị bỗng thay đổi tính nết, trở nên quạu quọ, khó chịu, sẵn sàng gắt um với chồng con, để ca thán và để dễ bề "trốn" nhiệm vụ! Thực tế trong giai đoạn mãn kinh, người phụ nữ vẫn có nhu cầu tình dục, có thể QHTD một cách hài hòa với người mình yêu.
Y khoa cũng đã có một số giải pháp giúp phụ nữ "ngang cơ” với bạn đời, đó là chất bôi trơn để giải tỏa tình trạng "sa mạc hóa", hiệu quả không thua gì các tuyến nhờn do cơ thể tiết ra. Tuy nhiên, không ít chị khi đến tuổi mãn kinh lại "yêu nhiệt tình" hơn, chỉ vì được giải tỏa tâm lý: không còn sợ bị thụ thai, không có con nhỏ quấy rầy, không bị áp lực công việc...
Điều cần quan tâm là sức khỏe tuổi mãn kinh. Các bà dễ mắc bệnh tim mạch, huyết áp, tăng cân. Do đó, ăn uống hợp lý, đủ dưỡng chất, nhiều rau quả, ngũ cốc nguyên cám, ít chất béo, giữ tinh thần sảng khoái bằng cách tập thể dục đều đặn, sẽ giúp chị em giữ gìn vóc dáng và phòng bệnh từ xa. Nếu từ trước đến nay chưa từng vận động, thì cần có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa. Để cơ thể có thêm nội tiết tố, hãy dùng các món có khả năng tăng cường nội tiết từ thiên nhiên như: hột vịt lộn, sữa đậu nành...
Với những cặp vợ chồng hòa hợp về tính tình, lối sống, ngang bằng về tuổi tác, sẽ nhận thấy giai đoạn này tương tự thời kỳ trăng mật. Nếu tình trẻ là bản nhạc lambada đầy hứng khởi, thì tình già lại mềm mại, nhẹ nhàng, đắm say như điệu... rumba. Gừng càng già càng cay là vậy!
(Theo Phụ nữ TPHCM)
0 Comments:
Post a Comment