Sản phẩm từ đậu nành không chỉ có giá trị dinh dưỡng cao mà còn chứa nhiều thành phần có khả năng phòng ngừa các căn bệnh thời đại đang đe doạ sức khoẻ, tuổi thọ và hạnh phúc của chúng ta.
Theo thư viện y khoa Pubmed, đến nay có khoảng 1.700 công trình nghiên cứu về đậu nành, trong đó có khoảng 1.000 nghiên cứu về isoflavones trong đậu nành đã được thực hiện và công bố, chứng minh đậu nành có khả năng giúp chúng ta phòng ngừa một số bệnh mạn tính không lây như béo phì, bệnh tim mạch, loãng xương, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, ung thư tiền liệt tuyến ở nam giới, ung thư vú ở nữ, ung thư đại tràng ở phụ nữ sau mãn kinh. Đậu nành còn làm giảm các triệu chứng khó chịu trong thời kỳ mãn kinh của phụ nữ.
Isoflavones trong thành phần đậu nành còn gọi là estrogen thực vật vì có cấu trúc hoá học gần giống nội tiết tố sinh dục nữ estrogen. Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy việc sử dụng khẩu phần ăn giàu protein và isoflavones đậu nành sẽ giúp điều chỉnh và cân bằng nội tiết tố estrogen, nhờ vậy hạn chế quá trình tích tụ mỡ ở vùng bụng và nội tạng vốn là khởi nguồn của béo phì và các rối loạn chuyển hoá có liên quan. Theo nghiên cứu của Berg và cộng sự được công bố trên tạp chí International Journal of Obesity thực hiện ở 90 đối tượng có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 27,5 đến 35 (được chẩn đoán là thừa cân và béo phì theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới-WHO) tham gia chế độ ăn thấp chất béo và giàu protein từ đậu nành. Sau 6 tháng nghiên cứu, kết qủa cho thấy chỉ số BMI giảm, trọng lượng cơ thể giảm nhưng không làm thay đổi khối lượng cơ bắp.
Cho đến nay đã có khoảng trên 1.000 bài nghiên cứu khẳng định đậu nành có tác dụng chống lão hoá do đặc tính chống oxy hoá và cân bằng hormon. Ngoài vai trò của genistein isoflavones, hàm lượng phytic acid cao trong hạt đậu nành đóng vai trò như chất chống oxy hoá tế bào, giảm phản ứng viêm nên giúp ngăn ngừa ung thư.
Đậu nành và sản phẩm thực phẩm từ đậu nành không những giàu chất đạm mà còn không chứa cholesterol, chứa rất ít chất béo no và giàu chất xơ. Nhờ vậy mà đậu nành được khuyến nghị sử dụng để phòng ngừa nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm có liên quan đến dinh dưỡng và lối sống như đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu... Dầu đậu nành là một trong vài loại dầu ăn hiếm hoi có chứa nhiều aLNA và có tỷ lệ omega3: omega6 rất tốt (1:7).
Hội Mãn kinh Bắc Mỹ khuyến nghị sử dụng isoflavones 50mg/ngày sẽ giúp giảm cholesterol, giảm các triệu chứng khó mà nhiều phụ nữ gặp phải trong thời kỳ mãn kinh và ngăn ngừa loãng xương ở phụ nữ. Từ năm 1998, Cơ quan dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã khuyến nghị “Dùng 25g protein đậu nành mỗi ngày có thể giảm nguy cơ bệnh tim mạch”.
Các bậc nam nhi không nên lo ngại isoflavones có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh dục nam. Nghiên cứu của Sang-Ah Lee và cộng sự cho thấy việc bổ sung lượng isoflavones sử dụng hàng ngày là 36,2-60mg/ngày hoàn toàn không ảnh hưởng đến nồng độ testosterone, số lượng tinh trùng, tinh dịch, độ vận động của tinh trùng.
Chúng ta nên chọn lựa đậu nành trong chế độ ăn hàng ngày để bảo vệ và nâng cao sức khoẻ từ khi tuổi còn trẻ. Do đặc tính dễ tiêu hoá nên đậu nành là ưu tiên lựa chọn như một nguồn cung cấp năng lượng, chất đạm và chất béo thực vật trong chế độ ăn uống hàng ngày của trẻ em cũng như người cao tuổi.
Sữa đậu nành là một trong những thức uống khá phổ biến làm từ đậu tương, vị mát, hơi ngậy, khi uống có thể thêm chút đường. Ở Việt Nam, sữa đậu làm theo phương pháp thủ công thường được rao bán các buổi sáng. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu về vệ sinh an toàn thực phẩm, các sản phẩm sữa đậu nành này thường không đảm bảo vệ sinh thực phẩm. Nhiều gia đình Việt Nam chọn cách tự làm sữa đậu nành tại nhà nhưng cách này chiếm khá nhiều thời gian và công sức. Các bà nội trợ có thể chịu chọn một chiếc máy làm sữa đậu nành, việc chế biến ra những ly sữa đậu nành thơm ngon, hợp vệ sinh, đảm bảo giữ lại những dưỡng chất kỳ diệu trong những hạt đậu nành sẽ trở nên vô cùng đơn giản.
Theo BSCK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp - Giám đốc TT Dinh dưỡng TP. HCM
(An ninh Thủ đô)
0 Comments:
Post a Comment