Thursday, February 20, 2020

Đền Bia – Nơi thờ Đại danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh

Đền Bia thuộc thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn, H.Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, nằm cách quốc lộ 5B khoảng chừng 6 km. Đền là nơi thờ Đại danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh (người mở đầu, đóng góp to lớn cho nền y dược dân tộc) và tấm Bia đá thời Lê, là di vật kỷ niệm của ông.

Người mở đầu, đóng góp to lớn cho nền y dược dân tộc

Theo tư liệu, Tuệ Tĩnh tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, ông sinh năm 1330 tại làng Nghĩa Phú, tổng Văn Thai, phủ Thượng Hồng (nay là thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương), pháp hiệu là Tuệ Tĩnh thiền sư, biệt danh là Hồng Nghĩa. Tuệ Tĩnh mồ côi cha, mẹ từ lúc 6 tuổi, được sư trụ trì  chùa Nghiêm Quang (chùa Giám ngày nay) nuôi ăn học, sau đó được sư cụ chùa Giao Thủy ở Sơn Nam (nay là chùa Keo thuộc tỉnh Nam Định) tu học.
Đền Bia – Nơi thờ Đại danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh
Lễ hội truyền thống đền Bia diễn ra vào ngày 1 tháng 4 âm lịch hàng năm

Vốn là người thông minh, ham học, năm 22 tuổi, Tuệ Tĩnh thi đỗ Thái học sinh đời vua Trần Dụ Tông, niên hiệu Thiệu Phong thứ 12 (1351) nhưng không ra làm quan mà tu ở chùa Nghiêm Quang chuyên tâm nghiên cứu y học giáo lý, ông lấy vườn chùa làm cơ sở trồng thuốc. Trước tình cảnh nhân dân đói nghèo, bệnh tật, ông đã chế tạo được nhiều dược liệu, chữa bệnh không lấy tiền, huấn luyện tăng ni trong chùa trở thành thầy thuốc. Với phương châm “Nam dược trị Nam nhân”, ông chủ động đi tìm nhiều cây thuốc về trồng tại vườn chùa, gây dựng phong trào trồng thuốc trong nhân dân, thu trữ thuốc để kịp thời chữa bệnh. Với sự truyền bá các phương thuốc đơn giản và dược tính bằng thơ chữ Nôm dễ nhớ, dễ hiểu, Tuệ Tĩnh đã thúc đẩy nguồn dược liệu phát triển, xây dựng quan điểm y học dân tộc.

Năm Giáp Tý (1384), vua nhà Trần phái Tuệ Tĩnh đi sứ nhà Minh. Lúc đó, Hoàng Hậu nhà Minh đang mắc trọng bệnh, các thầy thuốc đều “lực bất tòng tâm”, Tuệ Tĩnh đã dùng thuốc Nam chữa khỏi. Trước tài năng của ông, vua Minh đã phong ông làm “Đại y Thiền sư” và giữ ông ở lại. Sau này, ông mất tại Giang Nam (Trung Quốc).

Trong 30 năm dòng, Tuệ Tĩnh đã xây dựng 24 ngôi chùa, đưa các chùa này thành y xá chữa bệnh. Ông là người nắm vững y lý Đông y, có công đầu trong việc nghiên cứu dược tính và chẩn trị bằng thuốc Nam, huấn luyện các tăng ni làm thuốc và chữa bệnh, phổ biến cho mọi người những bài thuốc thông thường để có thể tự điều trị. Ngoài y dược phục vụ con người, Tuệ Tĩnh còn tập hợp những bài thuốc chữa bệnh cho gia súc, phục vụ sản xuất, đặt cơ sở cho ngành thú y dân tộc. Những tác phẩm y dược lớn và giá trị, tiêu biểu mà ông để lại là hai cuốn: Nam dược thần hiệu (Nam dược chỉ nam) và Hồng Nghĩa giác tư y thư (Thập tam phương gia giảm)… mỗi tác phẩm của ông đều có ảnh hưởng trong giới y học nước nhà. Cho đến ngày nay, những tác phẩm đó vẫn là những di sản quý báu đang được kế thừa và phát huy trong việc xây dựng nền y học dân tộc hiện đại. Nhân dân suy tôn Tuệ Tĩnh là “vị thánh thuốc Nam”…

Câu chuyện, sự tích ly kỳ…

Khoảng gần 300 năm sau, Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho (1638-1699), người cùng làng với Tuệ Tĩnh đi sứ sang Trung Quốc. Trên đường đi, ông  đã tìm thấy mộ cụ Tuệ Tĩnh. Ở tấm Bia trên mộ có in dòng chữ: “Đời sau có ai sang đây thì nhớ cho hài cốt tôi về với”. Vì đang trên đường đi kinh lý, nên không thể đưa hài cốt cụ Tuệ Tĩnh về, Nguyễn Danh Nho bèn lấy tờ giấy bản ốp vào tấm Bia in lại dòng chữ đó. Về nước, Nguyễn Danh Nho khắc lại dòng chữ lên Bia đá rồi cho chuyển về quê. Khi vận chuyển, đến chỗ bây giờ là đền Bia, lúc này cả vùng quê đang bị ngập nước, bỗng dưng thuyền lật, tấm Bia rơi xuống không lấy lên được. Ít lâu sau, nước cạn, nhân dân tìm lại được Bia, thấy roi đất ở đây có hình con dao cầu (dao thái thuốc) nên đã dựng Miếu nhỏ để thờ Bia.
Đền Bia – Nơi thờ Đại danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh
Ngôi đền là điểm đến của nhiều du khách

Năm 1936, nhân dân dựng lên một ngôi đền mới như kiến trúc hiện còn. Từ ngày dựng Bia, người dân khắp nơi kéo về lấy thuốc, hái lá, xin nước tại đền ngày một đông. Vào năm Thiệu Trị thứ 5 (1845) một ngày có tới hàng ngàn người đến đền Bia xin thuốc, nên nhà Vua đã hạ lễ cấm việc cúng lễ và xin thuốc mang màu sắc mê tín, mất vệ sinh. Đồng thời, sai người mang tấm Bia cất giữ vào kho của tỉnh Hải Dương. Một thời gian sau, có một người của làng Văn Thai (xã Cẩm Văn) làm chức thủ kho đã lấy lại tấm Bia đá và bí mật đem về, nhưng rất đáng tiếc tấm Bia đã bị đục hết chữ không còn đọc được nữa.

Tương truyền, vào năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), ngày mồng 1 tháng 4 xảy ra hiện tượng “Thánh ứng” lần một, người dân khắp nơi tấp nập về đền Bia lễ bái, xin thuốc rất đông. Thuốc là những lá cây mọc tự nhiên xung quanh làng như: tre, duối, ích mẫu, hương nhu, xương rồng, lúa non… Sau gần một thế kỷ, vào năm 1936, “Thánh ứng” lần hai, số lượng khách thập phương kéo về đông gấp bội. Việc lễ bái và mua, bán thuốc hết sức tấp nập kéo dài tới cả tháng. Từ hiện tượng “Thánh ứng”, người dân địa phương lấy ngày mồng 1 tháng 4 âm lịch làm ngày tổ chức lễ hội đền Bia…

Duy trì, phát huy những giá trị tốt đẹp

Ông Hà Quang Thành, Trưởng Ban Quản lý di tích huyện Cẩm Giàng cho biết, hiện nay, tại một số làng thuộc các xã Cẩm Văn, Cẩm Vũ (huyện Cẩm Giàng) có trên 30 lương y hành nghề cắt thuốc, chẩn trị, chữa bệnh bằng thuốc Nam. Đặc biệt, tại quê hương của cụ Tuệ Tĩnh, một số gia đình còn lưu giữ được bí quyết chữa các bệnh về thận, rắn cắn, hen xuyễn, bệnh dại… từ nhiều đời nay.

Trong khu vực đền Bia, có vườn thuốc Nam kiểu mẫu, được chia làm 9 ô, trồng 9 nhóm thuốc do Bộ Y tế quy định. Các nhóm cây thuốc chữa bệnh gồm: viên gan, sốt xuất huyết, mụn nhọt, cảm sốt, chữa ho… Người dân và du khách khi tới đền, ngoài thắp hương tưởng niệm Đại danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh, tham quan, vãn cảnh, có thể hái thuốc trực tiếp tại vườn dâng lên Đức thánh, mang về chữa bệnh. Ở đền Bia, còn có Nhà thuốc Đông y, khi người dân có nhu cầu sẽ được tư vấn, khám, chữa bệnh tại chỗ và mua thuốc Nam về. Hiện, trung bình mỗi ngày có 3-5 bệnh nhân về đền Bia để khám, điều trị và cắt thuốc Nam (tim mạch, huyết áp, tiểu đường, mỡ máu, thanh nhiệt, giải độc, bồi bổ cơ thể…). Ngoài ra, xung quanh đền, Ban quản lý di tích cũng tận dụng các khu đất trống trồng cây thuốc, để vừa tạo nguồn thuốc vừa tạo cảnh quan…
Đền Bia – Nơi thờ Đại danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh
Vườn thuốc Nam kiểu mẫu tại đền Bia

Cũng theo ông Thành, từ năm 2016, tại lễ hội truyền thống đền Bia (1/4 âm lịch), người dân và du khách khi đến được tư vấn, khám bệnh, bắt mạch, bốc thuốc miễn phí (thuốc chữa đau nhức, xương khớp, tiêu hóa, thanh nhiệt, giải độc…) do một số doanh nghiệp dược thực hiện. Tới đây, huyện Cẩm Giàng sẽ tiến hành cải tạo vườn thuốc Nam, bổ sung các cây dược liệu quý tại đền Bia. Bên cạnh đó, lắp đặt các biển chỉ dẫn trên các tuyến đường vào di tích; tiếp tục mời các doanh nghiệp về đền phối hợp tổ chức các hoạt động thuốc Nam…

Vừa qua, trong quá trình lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Đền Xưa – Chùa Giám – Đền Bia, ngoài việc khoanh vùng bảo vệ di tích khu vực 1, tỉnh Hải Dương cũng quan tâm đến quy hoạch  khu vực 2 với diện tích trên 20 ha để phát triển vùng dược liệu tại đền Bia. Đây được coi là trung tâm bảo tồn vùng thuốc Nam tại đền Bia trong tương lai không xa.

Đền Bia – Nơi thờ Đại danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Nguyễn Vinh

0 Comments:

Post a Comment