Loét đường tiêu hóa là gì?
Loét đường tiêu hóa là sự hình thành một lỗ trên lớp niêm mạc lót bên trong dạ dày, tá tràng hoặc thực quản. Tùy vị trí mà ta có loét dạ dày, loét tá tràng và loét thực quản. Loét xảy ra khi lớp niêm mạc lót bên trong các cơ quan này bị mòn đi bởi dịch tiêu hóa có tính acid do tế bào dạ dày tiết ra.
Các nguyên nhân của loét đường tiêu hóa
Nhiều năm trước đây, người ta tin rằng sự tiết acid quá mức là nguyên nhân chính gây loét. Dựa vào đó, việc điều trị được nhấn mạnh vào sự trung hòa và ngăn chặn sự tiết acid của dạ dày. Hiện nay, các nghiên cứu cho thấy nguyên nhân hàng đầu của bệnh loét là do dạ dày bị nhiễm một loại vi khuẩn có tên "Helicobacter pylori" mặc dù acid vẫn được coi là yếu tố đóng vai trò trực tiếp trong sự hình thành ổ loét.
Một nguyên nhân quan trọng khác gây ra loét đó là việc sử dụng thường xuyên các loại thuốc kháng viêm, thường là thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) như aspirin. Hút thuốc cũng là một nguyên nhân quan trọng và dễ gây thất bại trong điều trị.
Vi khuẩn H. pylori rất thường gặp, gây bệnh cho hơn 1 tỉ dân số thế giới. Quá trình nhiễm bệnh thường kéo dài trong nhiều năm và 10% đến 15% số người nhiễm sẽ dẫn đến loét. H. pylori được tìm thấy trên 80% bệnh nhân bị loét dạ dày và tá tràng. Mặc dù cơ chế gây bệnh của H. pylori vẫn chưa được hiểu rõ, sự loại bỏ vi khuẩn này bằng kháng sinh đã cho thấy hiệu quả cao trong việc chữa trị và ngăn ngừa loét tái phát.
NSAID là thuốc dùng điều trị viêm khớp và các tình trạng thương tổn viêm nhiễm khác trong cơ thể. Aspirin, ibuprofen (Motrin), naproxen (Naprosyn) và etodolac (Lodine) là một số thuốc thuộc loại này. Prostaglandin là các chất đóng vai trò quan trọng trong việc giúp niêm mạc ruột chống lại sự làm mòn của acid. NSAIDs gây loét bằng cách ức chế tác động của prostaglandin trong dạ dày.
Hút thuốc không chỉ gây loét mà còn làm gia tăng nguy cơ biến chứng của loét như xuất huyết, tắc nghẽn dạ dày và thủng dạ dày đồng thời cũng là nguyên nhân hàng đầu gây thất bại trong điều trị.
Trái với quan niệm thông thường, rượu, cà phê, cola, thức ăn cay và caffeine chưa được chứng minh vai trò trong sự tạo thành loét. Tương tự, không có bằng xác thực nào cho thấy các stress trong cuộc sống và týp người nào dễ bị các bệnh loét.
Triệu chứng của loét?
Triệu chứng của loét rất đa dạng. Nhiều bệnh nhân chỉ cảm thấy hơi khó tiêu và khó chịu. Một số người cảm thấy rát bỏng vùng thượng vị hoặc đau (do đói) 1 đến 3 giờ sau bữa ăn và lúc nửa đêm, ợ hơi, ợ chua. Những cơn đau này thường nhanh chóng biến mất khi ăn hoặc uống thuốc trung hòa acid.
Cơn đau của loét liên quan rất ít đến sự hiện diện hoặc mức độ trầm trọng của các ổ loét. Một số bệnh nhân vẫn đau kéo dài ngay cả sau khi đã được điều trị khỏi hoàn toàn. Những bệnh nhân khác có thể không đau ngay cả khi ổ loét tái phát. Các ổ loét có thể xuất hiện và biến mất tự nhiên mà người bệnh không hề hay biết trừ khi một biến chứng trầm trọng xảy ra (như xuất huyết hoặc thủng).
Chẩn đoán loét bằng cách nào?
Việc chẩn đoán có thể được thực hiện bằng chụp X quang cản quang đường tiêu hóa trên với barium hoặc nội soi đường tiêu hóa trên. Chụp X quang cản quang đường tiêu hóa trên với barium dễ thực hiện, ít gây biến chứng và khó chịu. Barium là một chất dạng bột trắng uống qua đường miệng. Barium dễ quan sát và cho thấy đường nét dạ dày trên phim X quang. Tuy nhiên, chụp X quang với barium ít chính xác và 20% trường hợp không phát hiện được loét.
Nội soi đường tiêu hóa trên chính xác hơn nhưng phụ thuộc vào sự chịu đựng của bệnh nhân khi phải luồn một ống dẻo qua miệng vào thực quản, dạ dày và tá tràng để quan sát. Nội soi tiên lợi hơn trong việc có thể lấy ra mẫu mô (sinh thiết) để xét nghiệm xem có nhiễm H. pylori không. Mẩu sinh thiết cũng có thể quan sát dưới kính hiển vi để loại trừ ung thư. Mặc dù thực tế tất cả các ổ loét tá tràng đều lành tính nhưng loét dạ dày đôi khi có thể trở thành ung thư. Do đó sinh thiết thường được thực hiện trong loét dạ dày để loại trừ ung thư.
Các biến chứng của loét?
Nhìn chung bệnh nhân bị loét vẫn thực hiện các chức năng tiêu hóa tương đối bình thường. Một số ổ loét còn có thể tự lành ngay cả khi không điều trị. Do đó các vấn đề nghiêm trọng của loét chính là các biến chứng. Những biến chứng này bao gồm loét xuất huyết, tắc nghẽn dạ dày và thủng dạ dày.
Bệnh nhân bị loét xuất huyết đi tiêu ra phân màu đen giống bã cà phê, suy kiệt, cảm giác choáng váng khi đứng dậy (tụt huyết áp tư thế đứng) và ói ra máu. Ðiều trị ban đầu là nhanh chóng bù đắp qua đường tĩnh mạch lượng dịch cơ thể bị mất. Bệnh nhân bị chảy máu kéo dài hoặc ồ ạt có thể phải truyền máu. Thực hiện nội soi đường tiêu hóa trên nhằm xác định vị trí chảy máu và cầm máu với dụng cụ để đốt.
Thủng loét làm thoát các thành phần chứa trong dạ dày vào khoang màng bụng dẫn đến viêm phúc mạc cấp (sự nhiễm trùng của khoang màng bụng). Những bệnh nhân này thường đột ngột khởi đau dữ dội ở bụng, đau tăng khi chuyển động, các cơ bụng trở nên cứng "như gỗ", đau cảm giác như "dao đâm". Những trường hợp này phải được phẫu thuật cấp cứu.
Bệnh nhân bị tắc nghẽn dạ dày thường đau tăng ở bụng, ói ra các thức ăn chưa được tiêu hóa hoặc mới được tiêu hóa một phần, chán ăn và sụt cân. Sự tắc nghẽn thường xảy ra gần hang môn vị. Hang môn vị là phần hẹp tự nhiên của dạ dày vì nó nối với phần trên của ruột non là tá tràng. Nội soi rất có ích trong chẩn đoán và loại trừ ung thư vì ung thư cũng có thể là nguyên nhân gây nghẽn tắc.
Ở một số bệnh nhân, tắc nghẽn dạ dày có thể chữa bằng đặt ống thông dạ dày trong 72 giờ, kèm truyền tĩnh mạch thuốc chống loét như : cimetidine (Tagamet) và ranitidine (Zantac). Bệnh nhân bị tắc nghẽn kéo dài đòi hỏi phải phẫu thuật.
Các phương pháp điều trị loét đường tiêu hóa?
Mục đích của điều trị loét là làm hết đau và ngăn chặn các biến chứng như xuất huyết, tắc nghẽn và thủng. Bước đầu tiên luôn là làm giảm các yếu tố nguy cơ (NSAID và hút thuốc). Bước kế tiếp mới là dùng thuốc điều trị.
Thuốc chống acid là trung hòa acid trong dạ dày, một số thuốc thuộc loại này như : Maalox, Mylanta và Amphojel điều trị an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, tác dụng trung hòa của những loại thuốc này thường ngắn và đòi hỏi uống thuốc thường xuyên. Các chất chống acid như Magie chứa trong Maalox và Mylanta có thể gây tiêu chảy, trong khi nhôm chứa trong Amphojel có thể gây táo bón. Loét thường tái phát khi ngưng sử dụng các loại thuốc này.
Các nghiên cứu cho thấy một loại protein trong dạ dày gọi là histamin có tác dụng kích thích sự tiết acid dạ dày. Các thuốc kháng histamin ( thuốc kháng H2)được tạo ra nhằm ngăn chặn tác động của histamin lên tế bào dạ dày, do đó làm giảm sự tiết acid. Một số thuốc thuộc loại này là: cimetidine (Tagamet), ranitidine (Zantac), nizatidine (Axid) và famotidine (Pepcid). Mặc dù thuốc kháng H2 rất hiệu quả trong việc làm lành vết loét, chúng vẫn chỉ có vai trò rất giới hạn trong tiệt trừ H.pylori nếu không phối hợp với kháng sinh. Do đó, loét thường tái phát khi ngưng sử dụng các thuốc này. Nhìn chung, các loại thuốc này dễ uống và chỉ có ít tác dụng phụ ngay cả khi sử dụng lâu dài. Chỉ một số hiếm trường hợp bệnh nhân bị nhức đầu, choáng váng, hôn mê hoặc ảo giác. Dùng cimetidine dài ngày có thể gây liệt dương hoặc vú to. Cả cimetidine và ranitidine đều ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát mức rượu của cơ thể. Những bệnh nhân uống thuốc này và uống rượu có thể có nồng độ rượu trong máu cao hơn. Những thuốc trên cũng có thể ảnh hưởng đến tác dụng của gan với các thuốc khác như: Dilantin, Coumadin và theophylline. Liều lượng thông thường của các loại thuốc này nên được điều chỉnh phù hợp.
Omeprazole (Prilosec) hiệu quả hơn thuốc kháng H2 trong việc ngăn chặn sự tiết acid. Prilosec gần như làm dạ dày ngưng tiết acid hoàn toàn. Mặc dù Prilosec có hiệu quả tương đương với thuốc kháng H2 trong điều trị loét dạ dày và tá tràng nhưng nó có hiệu quả hơn hẳn trong điều trị loét thực quản. Loét thực quản rất nhạy cảm dù với chỉ một lượng nhỏ acid. Do đó tác dụng ngăn chặn hoàn toàn sự tiết acid của Prilosec rất quan trọng trong làm lành loét thực quản. Ðiều thú vị là mặc dù acid hoàn toàn không được tiết ra nó vẫn không hề ảnh hưởng đến sự tiêu hóa và hấp thu thức ăn của bệnh nhân. Prilosec rất dễ uống. Với liều lớn, Prilosec có thể gây những khối u nhỏ trong ruột chuột. Tuy nhiên, chưa phát hiện được trường hợp nào xảy ra trên người ngay cả khi dùng thuốc dài ngày. Thời gian an toàn trong điều trị Prilosec dài ngày vẫn chưa được công bố chắc chắn.
Sucralfate (Carafate) và misoprostol (Cytotec) là những chất làm vững chắc niêm mạc ruột nhằm chống lại sự tấn công của dịch tiêu hóa acid. Carafate bao phủ bề mặt ổ loét và kích thích sự lành. Loại thuốc này có rất ít tác dụng phụ, thường gặp nhất là táo bón và ảnh hưởng đến sự hấp thu các loại thuốc khác. Cytotec là một chất giống prostaglandin thường được dùng để chống lại khả năng gây loét của NSAID. Các nghiên cứu cho rằng Cytotec có thể giúp những bệnh nhân dùng NSAID lâu ngày ngăn chặn loét. Tuy nhiên nó có thể gây tác dụng phụ là tiêu chảy. Cytotec cũng có thể gây sảy thai ở phụ nữ có thai và không nên dùng cho phụ nữ đang trong tuổi sinh đẻ.
Có nhiều người bị nhiễm H. pylori mà vẫn không hề bị thương tổn hay loét. Trong những trường hợp này, việc dùng kháng sinh điều trị chưa cho thấy hiệu quả rõ ràng. Cần phải có nhiều nghiên cứu hơn để trả lời cho câu hỏi này. Những bệnh nhân bị loét và nhiễm H.pylori nên được điều trị kết hợp với kháng sinh. Ðôi khi rất khó trong việc tiêu diệt hoàn toàn H. pylori. Việc điều trị đòi hỏi sự kết hợp của nhiều loại kháng sinh bên cạnh kết hợp với Prilosec, thuốc kháng H2 hoặc Pepto- Bismol. Các kháng sinh thường dùng là: tetracycline, amoxicillin, metronidazole (Flagyl) và clarithromycin (Biaxin). Tiêu diệt H. pylori ngăn ngừa loét tái phát (vấn đề chính của tất cả các phương thức điều trị khác). Sự loại bỏ vi khuẩn này cũng làm giảm nguy cơ tiến triển thành ung thư dạ dày trong tương lai. Ðiều trị bằng kháng sinh có thể gây phản ứng dị ứng, tiêu chảy, và đôi khi gây viêm kết tràng do kháng sinh.
Chưa có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy giới hạn chế độ ăn hay chế độ ăn nhạt có vai trò trong lành vết loét. Cũng chưa có sự chứng minh nào về mối quan hệ giữa bệnh loét đường tiêu hóa với lượng cồn hoặc cà phê uống vào. Tuy nhiên, do cà phê kích thích dạ dày tiết acid và cồn có thể gây viêm dạ dày, tốt nhất là nên giới hạn lượng cồn và cà phê uống vào.
Tóm tắt
Với các phương pháp điều trị hiện nay, bệnh nhân bị loét có thể sống bình thường mà không bị thay đổi cách sống hoặc giới hạn trong chế độ ăn. Hút thuốc làm tăng nguy cơ biến chứng của loét và gây thất bại trong điều trị. Diệt trừ hoàn toàn H. pylori không chỉ làm lành vết loét mà còn ngăn chặn loét tái phát.
Những điều cần nhớ về bệnh loét đường tiêu hóa
Loét đường tiêu hóa có thể xảy ra ở dạ dày, tá tràng hoặc thực quản.
Sự tạo thành loét có liên quan đến vi khuẩn H. pylori trong dạ dày, thuốc kháng viêm và hút thuốc.
Ðau do loét có thể không liên quan đến sự hiện diện hoặc mức độ trầm trọng của ổ loét.
Chẩn đoán loét thực hiện với X quang dùng barium hoặc nội soi.
Biến chứng của loét gồm xuất huyết, thủng và tắc nghẽn dạ dày.
Ðiều trị loét nên kết hợp thuốc kháng sinh để diệt trừ H. pylori, loại bỏ các yếu tố nguy cơ và ngăn chặn các biến chứng.
(Theo tretoday)
0 Comments:
Post a Comment