Viêm dạ dày là một bệnh lý tương đối rõ ràng. Nhưng thuật ngữ này thường bị lạm dụng để giải thích một số triệu chứng của hệ thống tiêu hóa như ợ chua, khó tiêu... Thực tế bệnh viêm dạ dày có thể không gây triệu chứng lâm sàng nào cả.
Theo các chuyên gia y học, viêm dạ dày là hậu quả của sự kích thích niêm mạc bởi các yếu tố ngoại sinh hoặc nội sinh như: nhiễm độc chất, nhiễm khuẩn, các rối loạn miễn dịch. Lớp niêm mạc là lớp trong cùng của dạ dày được cấu tạo bởi ba lớp: lớp tế bào biểu mô phủ, lớp đệm và lớp cơ niêm. Tùy theo từng nghiên cứu trên thế giới, tỷ lệ viêm dạ dày trong dân chúng là 15-11,5 trên 1.000 người dân. Bệnh được chia thành 2 nhóm là viêm dạ dày cấp tính và viêm dạ dày mạn tính. Mỗi nhóm có những đặc điểm riêng. Trong thực tế khám và chữa bệnh hằng ngày, các thầy thuốc gặp chủ yếu là viêm dạ dày mạn tính. Tình trạng bệnh lý này tăng dần theo độ tuổi và chiếm tỷ lệ từ 40-70% trong bệnh lý dạ dày, tá tràng.
Viêm dạ dày cấp tính
Các nguyên nhân gây viêm dạ dày thường gặp bao gồm: dùng lâu ngày các loại thuốc có hại cho dạ dày như Aspirin, thuốc kháng viêm không có steroid; uống quá nhiều rượu kèm theo hút nhiều thuốc lá; sử dụng các chất có tính ăn mòn; nhiễm các loại virus và vi khuẩn trong thức ăn; dị ứng các loại thức ăn đồ uống hay do các loại hóa chất gây dị ứng toàn thân; do một loại vi khuẩn đặc biệt Helicobacter pylori là nguyên nhân rất thường gặp. Một số bệnh nhân bị stress nặng, phỏng nặng, chấn thương, cuộc mổ lớn, sốc; do tia xạ trong điều trị các bệnh ung thư... Các yếu tố này đều có thể làm dạ dày tăng tiết acid là chất chua có trong dịch vị đồng thời làm giảm sự sản xuất các chất đệm, giảm lượng máu lưu thông đến dạ dày, do đó làm cho chất acid ứ đọng trong lòng dạ dày dẫn đến tổn thương niêm mạc dạ dày.
Bệnh nhân bị viêm dạ dày cấp tính có thể không có triệu chứng gì nếu bệnh nhẹ. Trong trường hợp bệnh nặng hơn, bệnh nhân có thể đau bụng, nhiều nhất là vùng thượng vị, đầy bụng, khó tiêu ăn mất ngon, buồn nôn, nôn. Nặng hơn nữa có thể nôn ra máu và đi cầu ra phân đen. Khi bệnh nhân có triệu chứng nghi ngờ là viêm dạ dày, các thầy thuốc sẽ cho làm một số xét nghiệm như: xét nghiệm công thức máu để đánh giá mức độ mất máu, xét nghiệm phân tìm xem có hồng cầu hay vi khuẩn H. pylori không, nội soi dạ dày tá tràng đánh giá thương tổn của dạ dày và sinh thiết nơi nghi ngờ khi cần thiết. Kết quả sinh thiết sẽ cho thông tin về bệnh, hướng điều trị và tiên lượng quá trình lành bệnh của bệnh nhân. Để điều trị có hiệu quả bệnh viêm dạ dày cấp tính cần phải dựa trên các nguyên tắc sau: bệnh nhân cần ăn kiêng, tránh các thức ăn kích thích niêm mạc dạ dày như rượu, thuốc lá, nước ngọt có gas..., loại trừ nguyên nhân gây viêm dạ dày nếu có, điều trị triệu chứng: giảm đau, giảm tiết acid và cuối cùng là dùng thuốc kháng sinh thích hợp để tiêu diệt vi khuẩn H. pylori nếu có.
Để diệt H. pylori, hiện nay thường phối hợp các thuốc gồm một loại thuốc ức chế bài tiết acid dạ dày với tối thiểu hai loại kháng sinh, thời gian dùng thuốc là từ 7 đến 15 ngày. Nếu là viêm dạ dày cấp tính do stress thì tốt nhất nên được điều trị phòng ngừa. Ở những bệnh nhân nằm viện có nguy cơ bị stress nặng như chấn thương nặng, mổ lớn, bỏng nặng, choáng nhiễm trùng... phải được dùng thuốc giảm tiết acid dạ dày như thuốc ức chế bơm proton ngay khi chưa có triệu chứng của viêm dạ dày.
Nếu chế độ điều trị tốt, hầu hết bệnh nhân viêm dạ dày cấp cải thiện rất nhanh. Nếu điều trị không tốt, bệnh nhân có thể bị mất máu nhiều do chảy máu rỉ rả, hay bệnh có thể diễn tiến sang viêm dạ dày mạn tính. Việc dự phòng bệnh vẫn là tốt nhất nên tránh các yếu tố nguy cơ như dùng nhiều thuốc nhóm kháng viêm không steroid, uống rượu nhiều, tránh stress...
Bệnh viêm dạ dày mạn tính
Viêm dạ dày mạn tính được G.E. Stahl mô tả đầu tiên năm 1728 dựa trên kết quả mổ tử thi. Từ năm 1956, ống nội soi mềm ra đời. Nhờ có nội soi và sinh thiết niêm mạc, những hiểu biết về viêm dạ dày ngày càng phong phú hơn. Viêm dạ dày mạn tính được xem như là tình trạng viêm của lớp niêm mạc của dạ dày, hiện tượng này diễn ra từ từ và tồn tại trong thời gian dài.
Các nguyên nhân gây viêm dạ dày mạn tính là: sự kích thích lâu ngày của các thuốc kháng viêm không phải steroid, tình trạng nhiễm vi khuẩn H. pylori, thiếu máu ác tính (còn gọi là thiếu máu tế bào khổng lồ hay thiếu hấp thu vitamin B12, một loại bệnh tự miễn), thoái hóa của lớp niêm mạc dạ dày theo tuổi, hay có tình trạng trào ngược dịch mật mạn tính. Các tổn thương của niêm mạc dạ dày thường khu trú ở vùng đáy vị và vùng hang vị. Bệnh viêm dạ dày mạn tính vùng đáy vị gặp ở hai đối tượng. Ở những người thiếu máu ác tính bệnh có nguyên nhân tự miễn. Niêm mạc dạ dày có tổn thương nặng như viêm teo dạ dày kèm theo mất hoàn toàn hay không hoàn toàn các tế bào thành khiến trong dịch vị của dạ dày thiếu hay không có acid. Người ta thấy có ba loại tự kháng thể chống lại tế bào thành, trong đó hai tự kháng thể ngăn chặn tế bào thành hấp thu vitamin B12 đưa đến thiếu máu ác tính tự kháng thể thứ ba tác động trực tiếp làm tổn thương tế bào thành. Ở người già không có thiếu máu ác tính, cũng có 60% trường hợp có tự kháng thể chống lại tế bào thành nhưng không có kháng thể chống yếu tố nội tại. Viêm dạ dày mạn tính vùng hang vị có nguyên nhân khác hẳn với nguyên nhân viêm dạ dày mạn tính vùng đáy vị. Rất ít trường hợp có tự kháng thể chống lại tế bào tiết gastrin. Các bệnh nhân thuộc nhóm này thường có thêm ổ loét dạ dày, điều này có thể do có sự rối loạn hoạt động của cơ vòng môn vị và có sự trào ngược acid mật và lysolecithin từ tá tràng lên hang vị.
Việc điều trị phải dựa trên các nguyên tắc sau: điều trị các nguyên nhân nếu có, sử dụng thuốc bao phủ niêm mạc, kích thích bài tiết nhầy, duy trì tái sinh niêm mạc, cải thiện tuần hoàn niêm mạc, theo dõi định kỳ bằng nội soi và sinh thiết nếu có điều kiện (mỗi năm ít nhất một lần) và điều trị chống vi khuẩn H. pylori.
Để dự phòng bệnh viêm dạ dày, tốt nhất mọi người không nên dùng Aspirin hay thuốc nhóm kháng viêm không có steroid. Đặc biệt không hút thuốc lá và uống nhiều rượu.
Bác sỹ Hoàng Hiệp, PGS-TS Nguyễn Hoài Nam - Thế giới mới
0 Comments:
Post a Comment