Con tôi từ khi trong tháng đã bị ọc sữa mặc dù mỗi lần bú khoảng 10 phút là bế lên vai ợ xong vẫn ọc có khi đang bú bé khóc giãy giụa vì sữa muốn trào ngược lên tôi phải vuốt lưng bé hay vác vai dỗ dành bé mà bé vẫn ọc đến nay đã được gần 3 tháng rưỡi mà sao bé vẫn còn bị oc. Cách đây 3 tuần tôi có đi bác sĩ cho bé uống Motilium và Debridat được 2 tuần mà vẫn không bớt . Bé vẫn lên cân bình thường mỗi tháng 1 kg, khi sinh bé đựơc 3kg3 đến nay gần 7kg. Xin hỏi tôi phải làm gì cho bé khỏi ọc vì thấy con ọc như ói rất khó chịu tôi rất đau lòng mà không biết làm gì ? Xin cám ơn! (trần thị liên thảo)
(Thông tin tư vấn sau đây chỉ mang tính tham khảo - không tự ý chữa bệnh theo thông tin này)
Trả lời:
Theo trong thư bạn mô tả, có thể con bạn bị chứng trào ngược dạ dày thực quản (TNDDTQ). Chứng trào ngược dạ dày thực quản khá phổ biến ở trẻ em. Đó là tình trạng dịch tiết dạ dày trào ngược lên thực quản. Nó có thể là hiện tượng sinh lý, cũng có khi là triệu chứng của một bệnh nào đó. Chính vì vậy nên nhiều bậc cha mẹ xem thường và để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
Trào ngược dạ dày thực quản sinh lý xảy ra do trẻ ăn quá no, nuốt hơi nhiều trong khi bú. Trong trường hợp này, trẻ sẽ trớ ngay sau bữa ăn hoặc lúc đang bú, số lần bị rất ít, thoáng qua hoặc mỗi ngày một lần. Bản thân chứng trào ngược sinh lý không nguy hiểm nhưng có thể gây sặc và dẫn đến tử vong do tắc đường thở, cần được cấp cứu nhanh.
Trong trào ngược bệnh lý, triệu chứng này xảy ra thường xuyên, thường là khi thay đổi tư thế. Trẻ có thể bị nôn ra máu, nuốt khó, khóc nhiều, từ chối bú, uốn éo vặn người... Theo bác sĩ Phạm Thị Ngọc Tuyết, Trưởng khoa Tiêu hóa 2 Bệnh viện Nhi Đồng 2, trào ngược dạ dày thực quản có thể lại gây ra nhiều biến chứng nặng nề nếu trẻ không được điều trị sớm. Dịch dạ dày có axít nên lâu ngày sẽ gây loét niêm mạc thực quản, dẫn đến hẹp thực quản. Từ đó, trẻ sẽ bú khó, nuốt đau và ngày càng nôn nhiều hơn. Đến lúc trẻ ọc sữa hoặc thức ăn qua đường mũi thì bệnh đã ở giai đoạn nặng. Nếu trào ngược xảy ra trong lúc trẻ ngủ nằm đầu thấp, không được phát hiện kịp thời cũng dẫn đến tử vong do tắc thở.
Vì vậy, trẻ bị trào ngược cần được đi khám sớm. Nếu được điều trị trước 12 tháng tuổi, cơ vòng thực quản sẽ co bóp trở lại như trẻ bình thường. Sau thời điểm này, khả năng khỏi bệnh rất thấp, trẻ dinh dưỡng không đủ nên chậm phát triển, đề kháng kém và dễ mắc các bệnh nhiễm trùng.
Một số nguyên tắc chăm sóc trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản:
Làm đặc thức ăn
Bạn có thể làm đặc thức ăn bằng cách bổ sung 1 muỗng canh bột gạo (bột gạo đã được chế biến sẵn) vào 60ml – 120 ml sữa.
Đối với trẻ bú mẹ, bạn nên cho trẻ bú mẹ nhiều lần, ngoài ra có thể vắt sữa mẹ và pha thêm bột gạo vào sữa mẹ.
Làm đặc thức ăn có tác dụng làm giảm tần xuất nôn trớ, kéo dài giấc ngủ của trẻ và giảm hiện tượng quấy khóc của trẻ. Ngòai ra, làm đặc thức ăn làm tăng năng lượng giúp trẻ tăng cân tốt hơn, nhưng đồng thời làm tăng nguy cơ táo bón ở trẻ cũng như làm giảm khả năng hấp thu của canxi có trong sữa.
Nếu bạn không có thời gian hoặc không muốn làm đặc thức ăn bằng cách pha bột vào sữa thì bạn có thể sử dụng sữa công thức dành cho trẻ bị TNDDTQ:
Sữa công thức được bổ sung thêm chất xơ (gôm) thiên nhiên. Các chất xơ tự nhiên này không bị ảnh hưởng bởi pH dịch vị vì vậy phát huy tác dụng trên cả chứng nôn trớ và trào ngược bằng cách làm sệt sữa trong bình và duy trì độ sệt trong dạ dày và không có ảnh hưởng đến thành phần dinh dưỡng của công thức sữa. Lưu ý: pha sữa với nước sôi để nguội 85o, khi nguội đi sữa sẽ trở nên đặc lại do đó nên dùng muỗng hay núm vú có lỗ to hơn để bé dễ ăn. Sau khi pha sữa cần đóng chặt nắp hộp và để nơi khô ráo, mát mẻ. Không nên để sữa đã pha trong tủ lạnh quá 24 giờ. Nên dùng sản phẩm trước hạn sử dụng và trong vòng 4 tuần sau khi mở.
Sử dụng sữa có đạm thủy phân
Một số tác giả cho rằng TNDDTQ là biểu hiện của dị ứng sữa bò. Vài nghiên cứu đã chứng minh rằng dị ứng sữa bò là nguyên nhân của khỏang 20% TNDDTQ ở trẻ nhũ nhi. Một nghiên cứu trên 204 trẻ bị TNDDTQ có đến 41% trẻ bị dị ứng sữa bò và biểu hiện trào ngược được cải thiện khi lọai trừ sữa và sản phẩm sữa khỏi chế độ ăn của trẻ hoặc sử dụng sữa có đạm thủy phân (làm giảm tỉ lệ dị ứng). Ngòai ra khi cho trẻ bú sữa có đạm thủy phân giúp cho trẻ tiêu hóa tốt hơn, dạ dày được làm trống sau bú nhanh hơn cũng có tác dụng là giảm hiện tượng TNDDTQ. Bạn có thể sử dụng sữa thủy phân có trên thị trường Việt Nam như Pregestimil (Mead Johnson), NAN HA (Nestle), Dumex HA(Dumex).
Bạn nên tránh cho trẻ ăn một số thực phẩm làm tăng TNDDTQ
- Nước cam, quýt, bưởi
- Chế độ ăn giảm chất béo được khuyến nghị cho bà mẹ và trẻ nhũ nhi bị TNDDTQ So-co-la, café
- Thức ăn chiên hoặc nhiều dầu
- Tỏi, hành, thức ăn cay
- Xốt cà chua và những thực phẩm chế biến kèm xốt cà chua.
Tư thế trẻ sau bữa ăn
- Bế thẳng trẻ sau ăn khỏang 20 - 30 phút.
- Trẻ ngủ với đầu giường nâng cao 30o
- Tránh cho trẻ nằm hoặc đi ngủ ngay sau khi ăn, ít nhất sau 2-3 giờ.
- Bạn cần cho trẻ mặc quần áo rộng.
Cách cho trẻ ăn
- Cho trẻ ăn nhiều cử, mỗi cử ít một với thức ăn được làm đặc
- Trẻ phải có thời gian biểu các bữa ăn được phân chia đều trong ngày. Ví dụ: trẻ dưới 4 tháng tuổi: thể tích sữa bú/ngày = Cân nặng trẻ x 150 ml, bạn có thể chia đều cho 10 – 12 cử/ngày.
Hạn chế cho trẻ bú hơi: khi cho trẻ bú bình bạn cần phải cho sữa xuống đều, trẻ không nút hơi và cho trẻ trẻ ợ hơi sau mỗi lần bú được 30 – 60ml sữa.
- Khi trẻ trào ngược có biểu hiện tím tái, ngưng thở, cần kích thích thở bằng cách vuốt nhẹ lưng và xoa lòng bàn chân. Nếu trẻ sặc sữa, phải vỗ lưng và cho nằm nghiêng để sữa trào ra. Ngay sau khi sơ cứu, cần đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất.
Theo chúng tôi, bạn nên cho cháu đi khám lại tại Khoa tiêu hóa - Bệnh viện Nhi. Ngoài ra, bạn cần kiên trì thực hiện theo những nguyên tắc chăm sóc trẻ bị TNDDTQ được gợi ý ở trên. Việc kết hợp điều trị với áp dụng các biện pháp chăm sóc hỗ trợ nêu trên sẽ giúp trẻ giảm dần chứng TNDDTQ.
Chúc bạn và gia đình sức khỏe.
(Theo thuốc & biệt dược)
Monday, November 18, 2019
Hỏi: Trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 Comments:
Post a Comment