Thursday, December 12, 2019

Bữa điểm tâm nên có ở tuổi dậy thì

Theo các chuyên viên dinh dưỡng, đối với mọi người – chứ không riêng nhóm tuổi nào - bữa điểm tâm là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày. Điều này lại càng phải nhấn mạnh đối với tuổi “teen” hay tuổi dậy thì. Tại sao?

Bởi vì trong 3 đợt tăng trưởng của một đời người, đây là hạn chót để đạt được chiều cao, các yếu tố di truyền cha mẹ để lại cho con cái nếu nếp sống, thói quen ngủ, nghỉ, ăn uống đóng góp có lợi cho việc này.

Lợi ích của bữa điểm tâm với tuổi dậy thì

Bữa điểm tâm nên có ở tuổi dậy thì
Một số teen nữ có định kiến lệch lạc về ngoại hình của mình,  tự cho là quá mập nên cố tình không ăn sáng để giữ eo thật “khổ sở” mà cũng chẳng có “hiệu quả”.  Các em này thực sự không lường được rằng kết quả của việc “nhịn ăn sáng” của mình không những có tác hại trên sức khỏe, thậm chí cả trên chiều cao (luôn luôn cô nào cũng muốn tăng) lẫn kết quả học tập. Ở tuổi các em bữa điểm tâm hết sức cần thiết: ăn vào bao nhiêu calo là thế nào cũng sẽ được tiêu đi, chứ nếu nhịn thì vừa học không vào, không đủ sức mà thao tác khi học nghề – và đến bữa ăn sau (là bữa trưa) thế nào cũng có khuynh hướng “ăn bù” có khi còn cao hơn lượng calo đã phải nhịn. Ở tuổi này, nữ học sinh cần tới 2.500 calo/ngày so với tuổi trưởng thành chỉ cần cung cấp 2.000; Nam học sinh còn có nhu cầu lớn hơn nữa: 2.900 calo/ngày so đàn ông trưởng thành nhu cầu năng lượng chỉ bằng 2.600.

Cha mẹ cần nhắc các em rằng  chính việc mình dùng bữa, nhai kỹ trước khi nuốt từng miếng ăn cũng là một dịp tiêu hao năng lượng giúp ống tiêu hóa làm việc tốt: khôn ngoan hơn nữa là nên ăn làm nhiều bữa nhỏ đáp ứng đúng những cơn đói, song nhai chậm để khi cảm thấy no bụng thì buông đũa. Bữa điểm tâm cân đối cung cấp đủ calo và chất dinh dưỡng hiện nay được khuyên nên đem lại vừa phải dầu mỡ, giảm bớt bột đường quá tinh luyện mà nhớ trở về các nguồn khoai, ngũ cốc thiên nhiên kèm thêm đủ chất xơ và các sinh tố nhóm B phối hợp với rau, trái cây.

Tuổi dậy thì cần thêm chất đạm (từ 15 đến 20% tổng số calo) vì chỉ còn dịp cuối cùng này để các em phát triển toàn thân: thịt, cá, trứng sữa, đậu nành và các hạt đậu khác vừa đa dạng bữa ăn vừa hợp với văn hóa ẩm thực Việt Nam. Việc uống nước tinh khiết cũng rất quan trọng, tuy đem lại 0 calo song tính cần thiết có thể đo ít nhất cũng theo lượng ml ngang bằng với số calo của nhu cầu hàng ngày.

Bữa điểm tâm cân đối như trên sẽ giúp cho các em tăng khả năng hấp thụ bài giảng, suy nghĩ nhanh, tăng mức độ và thời gian tập trung vào tiết học.

Bỏ bữa sáng và tình trạng hạ đường huyết

Không ăn sáng hoặc ăn sáng quá ít sẽ dẫn đến tình trạng hạ đường huyết trên não. Não cần được cung cấp liên tục – ngay cả khi ngủ, hay nằm mơ – một lượng đường glucose nhất định theo máu tuần hoàn. Và không như gan, tim hoặc cơ bắp, não không có glycogen dự trữ để luôn có sẵn nguồn glucose tại chỗ.  Hệ quả hạ đường huyết  trên não có thể có những biểu hiện thường gập sau đây :

Lú lẫn, có hành vi hay xử sự bất thường hoặc cả hai, thông thường nhất là không thực hiện những công việc thường ngày mình vẫn quen làm.

Rối loạn thị giác như nhìn 1 hóa 2, mắt kém, nhìn không rõ. Số học sinh phải đeo kính có chiều hướng tăng tỷ lệ thuận với số có thói quen “ăn sáng qua loa”, sáng đến trường còn ngái ngủ.

Hiếm gặp hơn: xỉu, bất tỉnh ngắn hạn khi ngồi trong lớp.

Ngoài ra, hạ đường huyết còn có thể có những biểu hiện khác như tim đập nhanh, đánh trống ngực, run rẩy chân tay, lo âu, vã mồ hôi, đói bụng cồn cào...
 Để tạo thói quen ăn sáng cho học sinh

- Không nên phát tiền để các em tự mua – dễ mua những thứ kém bổ dưỡng, không an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Cần sắp xếp sao cho sinh hoạt ăn sáng ở nhà trở nên thường xuyên trong nếp sống hàng ngày như rửa mặt, đánh răng, rửa tay... thì sẽ không ngại và có hiệu quả nhất.

- Đối với những gia đình có thói quen ăn sáng thịnh soạn thì cần chuẩn bị thức ăn từ tối hôm trước để tránh cập rập.

- Trong điều kiện Việt Nam hiện nay thì bữa ăn sáng có thể nhẹ như tô cháo, chắc dạ hơn như gói xôi đậu, xôi bắp (còn gọi là xôi lúa) trong có ngô + cơm nếp+ đậu xanh + hành phi + gói đường hoặc vài củ khoai kèm với muối mè hay muối đậu, quả chuối với ly sữa cũng còn tốt hơn... không ăn gì!

BS. Nguyễn Lân Đính

Nguồn: Thanh niên Online

Bữa điểm tâm nên có ở tuổi dậy thì Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Nguyễn Vinh

0 Comments:

Post a Comment