Từ ‘cemetery’, tức là nghĩa trang, có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp cổ. Nó có nghĩa là nơi nằm ngủ. Ở đây, những người đã về bên kia thế giới nằm theo hàng dưới những bia mộ bằng đá và cẩm thạch giống như là họ đang ngủ trong những căn phòng bí mật.
Trừ những người sợ những hình ảnh trong những câu chuyện kinh dị thì nghĩa trang thật sự là nơi an nghỉ và tạo cho chúng ta cảm giác thoát ra khỏi những đô thị đông đúc để đến một thế giới khác.
Nguồn gốc nghĩa trang
Napoleon Bonaparte là một trong những nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên giải quyết vấn nạn về chỗ cho người chết. Ở Paris vào thế kỷ 18, vấn đề này đã được giải quyết một phần bằng cách đưa hài cốt người chết vào trong những hầm mộ rộng lớn dưới lòng đất. Nhưng khi giải pháp này đe dọa sự ổn định của thành phố bên trên thì giới chức phải tìm ra giải pháp mới. Napoleon đã tuyên bố xây dựng những nghĩa trang xung quanh thành phố. Nghĩa trang đầu tiên và quan trọng nhất trong số này là Nghĩa địa Cha Lachaise nằm ở Quận 20 được mở vào năm 1804 chỉ vài ngày sau khi Napoleon Bonaparte trở thành Hoàng đế.
Pere Lachaise là nơi an nghỉ của một số danh nhân nước Pháp
Sau thời gian ban đầu không được để ý lắm, người dân Paris đã có trào lưu chôn cất người chết ở nghĩa địa Cha Lachaise, nhất là sau khi Hoàng hậu Josephine đem cải táng hài cốt của đôi tình nhân xấu số Abelard và Heloise ở đây. Ngày nay nghĩa địa này có khoảng 69.000 bia mộ và giống như một thành phố thu nhỏ. Với số thi hài có lẽ vào khoảng 1 triệu, nghĩa trang này đã trở nên quá sức đông đúc đến nỗi người ta ra thời hạn chỉ chôn cất trong 30 năm. Sau thời hạn này, nếu không xin gia hạn thì các thi hài sẽ được khai quật lên và đưa đi.
Du khách đến đây để tìm mộ của các danh nhân như Molière, Chopin, Victor Hugo, Colette, Marcel Proust, Edith Piaf, Isadora Duncan, Oscar Wilde, Gertrude Stein và Jim Morrison, ca sỹ chính của nhóm The Doors.
Nghĩa trang ở Anh
Nghĩa địa Cha Lachaise đã thúc đẩy người Anh ở bên kia eo biển Manche làm theo. Bảy nghĩa trang hoành tráng được xây dựng xung quanh London mà cái đầu tiên là Kensal Rise được mở cửa vào năm 1832. Nghĩa trang gây ám ảnh nhất là Highgate – đi vào hoạt động từ năm 1839 và được ông Stephen Geary, người sáng lập Công ty Nghĩa trang London, hoạch định. Thị trường dành cho người chết là một ngành kinh doanh béo bở ở nước Anh dưới thời Nữ hoàng Victoria. Sự tôn kính dành cho người chết đòi hỏi phải có những ngôi mộ hoành tráng theo phong cách lạ lẫm.
Pere Lachaise giữa lòng Paris
Không giống như các nghĩa địa trong khuôn viên nhà thờ, các khu chôn cất này không đặt ra tiêu chuẩn chặt chẽ về tôn giáo. Những người chống đối – chẳng hạn như những người không thuộc Giáo hội Anh giáo – cũng có thể được chôn ở đây. Nghĩa trang Highgate là nơi an nghỉ của Karl Marx. Trên nấm mộ có bức tượng bán thân của ông. Đây là tác phẩm điêu khắc của Lawrence Bradshaw do Đảng Cộng sản Anh đặt hàng hồi năm 1956 khi mà Liên Xô đưa quân vào Hungary và đàn áp một cách tàn bạo cuộc nổi dậy của người dân chống chính quyền cộng sản.
Nghĩa trang lớn nhất châu Âu có tên là City of London nằm ở thủ đô nước Anh và được mở cửa vào năm 1854. Nghĩa trang này trải rộng từ rìa East End cho đến Rừng Epping. Phần lớn đất đai ở đây thuộc sở hữu của vị Công tước Wellington thứ hai.
Ở đây, các ngôi mộ với kiểu cách khác nhau đều đi theo một hướng ra khu rừng. Trong số những người được chôn cất ở đây có những hài cốt được cải táng từ các nhà thờ bị lãng quên ở khu trung tâm tài chính London vốn bị phá hủy theo một đạo luật hồi năm 1860 hoặc bị bom đạn của người Đức tàn phá.
Nghĩa trang Highgate ở London
Nhưng London còn quy hoạch những nghĩa trang còn rộng lớn hơn nữa. Trong số này có một tòa tháp khổng lồ do kiến trúc sư Thomas Wilson thiết kế. Nó được dự định sẽ đứng sừng sững trước Đồi Primrose – điểm cao nhất ở London. Tòa tháp gồm 94 tầng âm u này cùng với hài cốt của khoảng năm triệu người London dùng các thang máy chạy bằng hơi nước để di chuyển. Đề án này không bao giờ trở thành hiện thực nhưng một nghĩa trang lớn khác đã được xây dựng ở Brooklands, Surrey, nằm cách London 23 dặm với một tuyến đường sắt đặc biệt đi từ nhà ga riêng ở Waterloo.
Nghĩa trang lớn nhất
Nghĩa trang bao la nhất trên thế giới là một nghĩa trang cổ đại và xa châu Âu. Nó có tên là Wadi us-Salaam (Thung lũng Hòa bình), một thành phố rộng lớn dành cho người chết ở Najaf, Iraq. Hoạt động ít nhất cũng được 1.400 năm, quy mô của nó – chiều dài phải đến 10km – làm chúng ta phải choáng ngợp. Trong những năm gần đây, chủ nhân của những ngôi mộ ở nghĩa trang này đã có cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Ấy vậy mà người Hồi giáo Shia và Sunni khi chết cũng đi về một chỗ.
Hầm mộ dưới lòng Paris
Một trong những cách dễ chịu nhất để tránh cái nóng bức của Calcutta là đến Nghĩa trang South Park. Khu an dưỡng địa này mở cửa vào năm 1767 để làm nơi an nghỉ cho những nhân viên quá cố của công ty Đông Ấn. Dưới tán cây nhiệt đới rậm rạp và tiếng quạ kêu là những ngôi mộ, những mái vòm, những tháp và đài tưởng niệm. An nghỉ nơi đây không chỉ có các giáo viên, những nhà khảo sát và các kiến trúc sư mà còn có Đại tá Robert Kyd, người sáng lập ra Vườn thực vật Calcutta, và Trung tướng Charles Stuart, viên tướng gốc Anh-Ireland sau theo đạo Hindu. Nghĩa trang tuyệt đẹp này ra đời hàng chục năm trước khi Quốc hội Anh và Pháp ra quyết định xây dựng nghĩa trang ở nước họ.
Nghệ thuật thiết kế nghĩa trang, vốn rất đa dạng trong các thế kỷ 18 và 19, đã không hề mất đi kể từ đó. Các Nghĩa trang Woodland ở Stockholm, Nghĩa trang Brionvega ở gần Treviso và nhà nguyện ở Nghĩa trang Farkasreti ở Budapest đều là những câu trả lời đầy tính biểu tượng, được thiết kế đẹp và giàu trí tưởng tượng cho câu hỏi chúng ta chôn cất người chết ở đâu và như thế nào.
Đó cũng là những nơi chúng ta có thể nghiên cứu về những kiến trúc bất thường, tận hưởng khung cảnh lãng mạn, chia sẻ không gian với cây cỏ và các loài, tưởng nhớ người đã khuất hay đơn giản chỉ là nằm giữa các ngôi mộ đủ mọi hình dáng, phong cách và chìm vào giấc ngủ.
BM
0 Comments:
Post a Comment