Chậm kinh hay trễ kinh ở người phụ nữ có rất nhiều nguyên nhân. Một người phụ nữ trong độ tuổi sinh sản khi bị chậm kinh hoặc trễ kinh, nguyên nhân hàng đầu phải nghĩ đến trước tiên là những nguyên nhân liên quan đến thai kỳ như có thai sớm, thai trứng, thai ngoài tử cung…
Đa phần mỗi phụ nữ sẽ đều ít hoặc nhiều lần trải qua hiện tượng chậm kinh nguyệt. Khi thì chậm kinh 2 ngày, 3 ngày, 1 tuần, 10 ngày và nặng hơn nữa là chậm kinh 1 tháng, 2 tháng.
Khi đến kỳ kinh mà kinh nguyệt không xuất hiện thì đó được gọi là chậm kinh. Nếu chị em bị lỡ mất quá 3 kỳ kinh thì được gọi là vô kinh. Có rất nhiều nguyên nhân gây nên hiện tượng chậm trễ kinh nguyệt ở phụ nữ.
Mang thai
Nếu bạn quan hệ tình dục mà không sử dụng các biện pháp tránh thai thì việc chậm kinh hoàn toàn có thể do bạn đang mang thai. Bạn có thể mua que thử thai để kiểm tra xem có phải đang mang thai hay không.Nếu thử thai và xác định có thai, bạn cần đi khám các bác sĩ chuyên khoa phụ sản để xác định vị trí của thai nằm trong hay ngoài tử cung, đã có phôi thai, tim thai hay chưa, một thai duy nhất hay đa thai…
Nguyên nhân gây chậm kinh không liên quan đến thai kỳ có thể gặp
Có những nguyên nhân thường gặp nhất gây nên sự chậm trễ của kinh nguyệt đó là:1. Căng thẳng, stress
Căng thẳng gây nên những tác động tiêu cực tới hormone, thậm chí ảnh hưởng tới phần vỏ não chịu trách nhiệm điều khiển trục hạ đồi - tuyến yên - buồng trứng, dẫn đến rối loạn phóng noãn đưa đến những triệu chứng như trễ kinh, kinh thưa, thậm chí vô kinh trong một thời gian dài.
Giải pháp: Giảm bớt căng thẳng, mệt mỏi quá sức, xây dựng lối sống khoa học, lành mạnh, suy nghĩ lạc quan, tích cực. Kinh nguyệt chỉ ổn định trở lại khi bạn có được sự thoải mái, tâm lý ổn định.
Căng thẳng quá mức cũng là nguyên nhân chậm trễ chu kỳ kinh
2. Hội chứng tiền mãn kinh
Phụ nữ thường mãn kinh trong độ tuổi 48-50 tuổi. Tuy nhiên, từ trước đó vài năm, người phụ nữ đã bắt đầu bước vào giai đoạn tiền mãn kinh. Đây là thời điểm mà người phụ nữ có những chu kỳ không rụng trứng, gây nên chậm kinh, kinh thưa, thậm chí không có kinh trong vài tháng. Khi người phụ nữ hoàn toàn không có kinh trong 12 tháng được xem là mãn kinh.
3. Quá gầy, giảm cân quá mức
Một số phụ nữ là vận động viên điền kinh, hoặc các vận động viên ở các môn thể thể thao khác đang trong quá trình tập luyện chuẩn bị thi đấu cũng có thể có triệu chứng bị trễ kinh hoặc vô kinh dù không có những triệu chứng khác liên quan đến thai nghén.
Ngoài các nguyên nhân về những stress căng thẳng trong thời gian chuẩn bị thi đấu, việc tăng cường vận động thể lực quá mức, giảm cân quá nhiều trong giai đoạn này cũng tác động không nhỏ đến sự điều hòa của trục vỏ não- hạ đồi- tuyến yên- buồng trứng. Đây cũng là nguyên nhân có thể gây nên trễ kinh, vô kinh đối với những người sử dụng các thuốc gây giảm cân quá mức.
Tuy nhiên, tất cả những người phụ nữ này, nếu sinh hoạt tình dục không sử dụng các biện pháp tránh thai cũng nên tự thử thai tại nhà nhằm loại trừ tình trạng thai kỳ có thể xảy ra.
Giải pháp: đó là giảm cân khoa học, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cần thiết và tốt nhất là nên tham vấn ý kiến bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng về chế độ giảm cân sao cho hợp lý.
Giảm cân quá mức khiến estrogen không sản sinh đủ dễ gây chậm đến tháng
4. Béo phì, tăng cân quá mức
Ngược lại với quá trình giảm cân, tăng cân quá mức và đột ngột cũng có thể gây rối loạn kinh nguyệt. Những người tăng cân quá mức, lượng mỡ dư thừa tích trữ cũng góp phần sản sinh quá nhiều estrogen còn có thể gây nên tình trạng tăng sinh nội mạc tử cung, gây xuất huyết âm đạo bất thường .
Giải pháp: Ổn định cân nặng, chế độ dinh dưỡng vừa đủ, không nên để cơ thể tăng cân đột ngột. Khi có tình trạng xuất huyết âm đạo kéo dài, người phụ nữ cần đi khám sớm để có thể phát hiện những trường hợp tăng sinh nội mạc tử cung bất thường có thể xảy ra.
Tăng cân quá mức cũng là nguyên nhân gây chậm kinh mà không có thai
5. Hội chứng buồng trứng đa nang
Buồng trứng đa nang là một trong những nguyên nhân gây chậm kinh, trễ kinh. Nguyên nhân của hội chứng buồng trứng đa nang ở người phụ nữ chưa được hiểu rõ. Tuy nhiên, những người này thường có tình trạng béo phì, nam hóa, cường androgen, rối loạn rụng trứng, kinh thưa, chậm kinh.
Giải pháp: Hãy tới gặp bác sĩ để điều trị và giảm thiểu ảnh hưởng của vấn đề này tới chu kỳ kinh và chức năng sinh sản.
6. Sử dụng rượu bia, các chất kích thích thường xuyên
Sử dụng quá nhiều rượu bia, các chất kích thích cũng là một trong những nguyên nhân chậm kinh ở phụ nữ. Tuy nhiên, những người phụ nữ sử dụng rượu bia và các chất kích thích, nếu bị chậm kinh, trễ kinh… cũng cần đi khám chuyên khoa phụ sản sớm để loại trừ những nguyên nhân liên quan đến thai kỳ. Những người này thường ở độ tuổi trẻ, thường không tránh thai hoặc sử dụng các biện pháp tránh thai không an toàn khi quan hệ tình dục.
Sử dụng các chất kích thích dễ gây chậm trễ chu kỳ
7. Bệnh nội tiết
Các bất thường về hệ nội tiết khác ngoài hệ sinh dục nữ cũng góp phần không nhỏ dẫn đến rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, chậm kinh, vô kinh. Những bệnh lý tuyến giáp như cường giáp, nhược giáp, hoặc tình trạng cường prolactin máu do u tuyến yên tiết ra… đều có thể gây rối loạn kinh nguyệt của người phụ nữ.
8. Tác dụng phụ của thuốc
Nếu bạn đang sử dụng các loại thuốc như que cấy tránh thai dưới da, vòng tránh thai chứa nội tiết tố, thuốc tiêm tránh thai…hoặc một số thuốc chống trầm cảm hay các loại thuốc hóa trị liệu ung thư… thì đó cũng là nguyên nhân gây nên chậm kinh.
Giải pháp: Hãy trao đổi với bác sĩ về vấn đề gặp phải này. Các bác sĩ sẽ đưa ra những biện pháp khắc phục tùy vào từng thể trạng.
Chậm kinh nhưng không phải do những nguyên nhân liên quan đến thai kỳ có nguy hiểm không?
Việc chu kỳ kinh bị gián đoạn do nhiều nguyên nhân gây nên. Tùy từng nguyên nhân có những cách khắc phục khác nhau.
Đối với người phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, nếu có quan hệ tình dục nhưng không sử dụng các biện pháp tránh thai, các nguyên nhân liên quan đến thai kỳ luôn được đặt ra trước tiên. Đối với những em bé trong độ tuổi dậy thì, việc chậm kinh có thể do truc hạ đồi tuyến yên buồng trứng chưa ổn định dẫn đến tình trạng không rụng trứng của lứa tuổi này. Còn đối với những người phụ nữ ở tuổi trung niên, việc chậm kinh có thể là do tình trạng không rụng trứng khi dự trữ buồng trứng đã giảm thấp, dấu hiệu sớm của tiền mạn kinh.
Vì vậy, chị em cần tới gặp bác sĩ khi có những nghi ngờ về vấn đề về rối loạn kinh nguyệt của mình. Bên cạnh việc hỏi bệnh sử và thăm khám lâm sàng, các bác sĩ sẽ dựa vào kết quả chẩn đoán hình ảnh học, xét nghiệm nội tiết để có chẩn đoán xác định và điều trị đúng.
0 Comments:
Post a Comment