Tuesday, June 2, 2020

Lãnh đạo Vietinbank có ‘sốt ruột’ với khoản tiền hơn 2,5 ngàn tỷ đồng nằm ‘ngâm’ tại dự án BOT của CII?

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) hiện cho vay hàng chục ngàn tỷ đồng tại các dự án BOT. Trong đó, dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội (TP.HCM) khởi công 10 năm vẫn chưa xong, số tiền 2.500 tỷ đồng vẫn đang nằm “bất động” tại đây.

Lãnh đạo Vietinbank có ‘sốt ruột’ với khoản tiền hơn 2,5 ngàn tỷ đồng nằm ‘ngâm’ tại dự án BOT của CII?
Ông Trần Minh Bình, thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc ngân hàng làm người đại diện 30% phần vốn Nhà nước tại VietinBank kể từ ngày 13/12/2018.

Kế hoạch 3 năm nhưng 10 năm chưa xong, CII chìm trong nợ nần

Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội khởi công ngày 2/4/2010, theo hợp đồng giữa Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) và UBND TP.HCM. Công trình dự kiến hoàn thành trong 36 tháng kể từ ngày CII được bàn giao mặt bằng.

Thế nhưng, đến nay, đi trên xa lộ Hà Nội vẫn còn nhiều đoạn mặt bằng chưa giải tỏa. Cụ thể, trên địa bàn Q.9 vướng giải tỏa khoảng 800m ở khu vực cầu Rạch Chiếc vì vẫn còn 28 hộ dân và vài đơn vị, doanh nghiệp chưa di dời.
Lãnh đạo Vietinbank có ‘sốt ruột’ với khoản tiền hơn 2,5 ngàn tỷ đồng nằm ‘ngâm’ tại dự án BOT của CII?
Trạm thu phí Xa lộ Hà Nội ngưng thu phí từ 31/12/2017 cho đến nay.

Tương tự, trên địa bàn Q.Thủ Đức đoạn tiếp giáp với Trường ĐH Quốc gia thuộc P.Linh Trung vẫn còn đoạn đường dài 600m chưa giải tỏa. Không những vướng giải tỏa, dự án mở rộng xa lộ Hà Nội thi công chậm vì triển khai nhiều dự án khác trên cùng một mặt bằng.

Cụ thể, có đoạn trùng với tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên trên địa bàn Q.2, Q.Thủ Đức. Trong đó những đoạn bị vướng ở những vị trí dự án xây dựng nhà ga Rạch Chiếc, ga Phước Long, ga Bình Thái, ga Thủ Đức... Hay dự án vệ sinh môi trường nước giai đoạn 2 đang triển khai thi công hệ thống cống thoát nước trên địa bàn Q.2 cũng trùng với dự án mở rộng xa lộ Hà Nội.

Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết chi phí bồi thường giải tỏa dự án mở rộng xa lộ Hà Nội qua địa bàn tỉnh Bình Dương hiện tăng lên 2.780 tỉ đồng. Số tiền này đã tăng gần gấp đôi so với quyết định năm 2016 của UBND TP.HCM về điều chỉnh bổ sung cho công tác đền bù giải tỏa mặt bằng trên địa bàn tỉnh Bình Dương với số tiền 1.410 tỉ đồng.

Kể từ ngày 01/1/2018, các phương tiện không phải đóng tiền khi qua trạm thu phí xa lộ Hà Nội là thông báo của UBND TP.HCM. Đồng thời, CII có trách nhiệm lập hồ sơ kiểm toán doanh thu thực tế để cân đối với việc hoàn vốn cho dự án cầu Rạch Chiếc. Sở Tài chính TP.HCM được giao thực hiện kiểm tra phương án tài chính dự án thu phí hoàn vốn cầu Rạch Chiếc.
Lãnh đạo Vietinbank có ‘sốt ruột’ với khoản tiền hơn 2,5 ngàn tỷ đồng nằm ‘ngâm’ tại dự án BOT của CII?
Vietinbank tài trợ cho CII hơn 2.500 tỷ đồng để thực hiện dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội.

Thành phố cũng quyết định tạm thời chưa tổ chức thu phí giá dịch vụ sử dụng đường bộ để hoàn vốn cho dự án mở rộng xa lộ Hà Nội ngay sau khi kết thúc thu phí hoàn vốn cho dự án cầu Rạch Chiếc. Thời điểm thu phí sẽ được xem xét quyết định sau.

Thông tin trên báo chí thời điểm 2018, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: "Về thời điểm bắt đầu thu phí xa lộ Hà Nội mở rộng, phải chờ hoàn thành một số thủ tục như giấy chứng nhận đầu tư của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cấp và chủ đầu tư ký thêm phụ lục hợp đồng với cơ quan Nhà nước. Thời điểm thu phí sẽ do UBND TP.HCM xem xét quyết định".

Đầu năm 2020, UBND TP.HCM ra thông báo đề nghị nhà đầu tư chuẩn bị kế hoạch truyền thông để thông tin đến người dân, doanh nghiệp biết việc tái khởi động Trạm thu phí trên Xa lộ Hà Nội, tránh tình trạng mất an ninh trật tự.

UBND TP.HCM khẳng định việc thu phí để hoàn vốn được thực hiện theo đúng quy định tại điều 76 Nghị định số 63/2018 của Chính phủ và nội dung hợp đồng BOT, phụ lục hợp đồng ký kết giữa UBND TP.HCM và nhà đầu tư. Khi đó, một số hạng mục của dự án vẫn chưa hoàn thành do các cơ quan chức năng chưa giải quyết xong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Do đó, ông Hoan đề nghị UBND quận 9 phối hợp với nhà đầu tư rà soát, đánh giá nhu cầu, có phương án hỗ trợ phù hợp cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng để đạt được đồng thuận trong việc giao mặt bằng thi công.

Tuy nhiên, đến nay (giữa năm 2020) nhưng trạm thu phí Xa lộ Hà Nội vẫn chưa được phép hoạt động. Trong khi đó, CII đang chìm đắm trong nợ nần. Theo báo cáo tài chính mới nhất, quý I/2020 của CII, doanh nghiệp này đang có tổng nguồn vốn là hơn 31 ngàn tỷ đồng, trong đó đa phần là “nợ phải trả”. Phần vốn chủ sở hữu của CII hiện có 8.911 tỷ đồng, trong đó vốn góp của chủ sở hữu chiếm 2.831 tỷ đồng. Vốn hóa thị trường (tổng giá trị của số cổ phần của một công ty niêm yết) của CII hiện chỉ ở mức 4.609 tỷ đồng.

Điều đáng lưu tâm, khoản nợ phải trả của CII đang tăng lên từng ngày, tính đến 31/3/2020, nợ phải trả của CII lên đến 22.267 tỷ đồng, tăng 1.724 tỷ đồng so với báo cáo đầu năm 2020. Trong đó, nợ ngắn hạn là 10.776 tỷ đồng, nợ dài hạn là 11.491 tỷ đồng. Đa phần khoản “nợ phải trả” của CII đến từ ngân hàng và phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Gánh nặng nợ nần khiến chi phí lãi vay của CII tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm 2020. Theo báo cáo tài chính, tính đến ngày 31/3/2020, CII phải trả tới 228 tỷ đồng tiền lãnh vay (trong khi đó cùng kỳ năm 2019 chỉ có 156 tỷ đồng). Tính trung bình mỗi ngày, lãnh đạo CII phải “kiếm ra” khoảng 2,5 tỷ đồng để trả lãi ngân hàng và các tổ chức tín dụng.

“Đắm mình” trong các dự án BOT, 3 tháng tăng thêm 6.000 tỷ đồng nợ xấu

Ngày 28/11/2014, CII (chủ đầu tư dự án BOT mở rộng Xa lộ Hà Nội) đã cùng với Vietinbank ký kết hợp đồng tài trợ tín dụng để thực hiện dự án Đầu tư mở rộng Xa lộ Hà Nội. Tổng số tiền tài trợ tín dụng cho dự án là 2.516, 6 tỷ đồng.
Lãnh đạo Vietinbank có ‘sốt ruột’ với khoản tiền hơn 2,5 ngàn tỷ đồng nằm ‘ngâm’ tại dự án BOT của CII?
Ông Trần Minh Bình, thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vietinbank là người "sốt sắng" nhiệt huyết với các dự án BOT.

CII cho biết, với nguồn tài trợ trên, vốn phục vụ cho việc thực hiện toàn bộ Dự án Đầu tư mở rộng Xa lộ Hà Nội được đảm bảo.

Trước đó, VietinBank cũng tài trợ 1.700 tỷ đồng để CII thực hiện dự án nhà máy nước Tân Hiệp và dự án BOT Ninh Thuận. Đến dự lễ có ông ông Lê Vũ Hoàng, Chủ tịch HĐQT và  ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII; phía Vietinbank có ông Trần Minh Bình, lúc này là Phó Tổng giám đốc.

Theo tìm hiểu, hiện Vietinbank đang dư nợ tại CII với số tiền 3.639 tỷ đồng dài hạn và 24 tỷ đồng ngắn hạn.

Dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội chưa biết khi nào mới hoàn thiện và đưa vào thu phí, chưa nói đến việc gặp phản ứng gay gắt, chống đối quyết liệt của người dân.

Rót hàng chục ngàn tỷ đồng cho các dự án BOT trước đây là niềm tự hào của ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT và ông Trần Minh Bình, hiện là Tổng giám đốc Vietinbank.

Theo chia sẻ của ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank trên báo chí, đối với các khoản nợ BOT, chủ tịch VietinBank cho rằng đây là lĩnh vực đầu tư quan trọng của Việt Nam, tạo ra động lực tăng trưởng cho đất nước. Là một ngân hàng lớn, VietinBank là một trong những ngân hàng tài trợ dự án cho BOT. Vị lãnh đạo VietinBank chưa tiết lộ con số dư nợ về BOT hiện tại nhưng ông cho rằng nhu cầu vốn cho lĩnh vực BOT của nền kinh tế sẽ còn gia tăng trong thời gian sắp tới, không chỉ trong giao thông mà còn các lĩnh vực khác.

Ngoài dự án BOT xa lộ Hà Nội đang bị “mắc kẹt” vì giải phóng mặt bằng, pháp lý và phản ứng gay gắt của người dân thì Vietinbank cũng đang gặp một loạt khó khăn ở các dự án BOT khác như: dư nợ tại các dự án BOT của Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả gần 19 ngàn tỷ đồng; 1.022 tỷ đồng tại dự án cầu Thái Hà vượt sông Hồng (trong đó, chủ đầu tư báo lỗ 170 tỷ đồng năm 2019).

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Công ty CP BOT cầu Bạch Đằng xin Chính phủ giải cứu Dự án BOT xây dựng cầu Bạch Đằng – Quảng Ninh. Theo nhà đầu tư này, kể từ khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là UBND tỉnh Quảng Ninh cho phép khai thác vào tháng 10/2018 đến nay, tình hình thu phí hoàn vốn tại dự án rất khó khăn, doanh thu, lưu lượng thực tế rất thấp so với phương án tài chính của dự án.

“Đến hết tháng 4/2020, doanh nghiệp dự án sẽ không còn khả năng chi trả và đứng trước nguy cơ phá sản doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đơn vị tài trợ tín dụng cho dự án là Vietinbank – Chi nhánh Ba Đình cũng có nguy cơ không tái cấu trúc được khoản nợ này, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các chỉ tiêu an toàn tín dụng của toàn hệ thống Vietinbank”, văn bản gửi Thủ tướng nêu rõ.
Lãnh đạo Vietinbank có ‘sốt ruột’ với khoản tiền hơn 2,5 ngàn tỷ đồng nằm ‘ngâm’ tại dự án BOT của CII?
Như vậy, chỉ "vỏn vẹn" 3 tháng, nhưng nợ xấu của Vietinbank đã tăng lên hơn 6 ngàn tỷ đồng.

Cuối năm 2019, trong báo cáo gửi Quốc hội về thực hiện các nghị quyết sau chất vấn, Ngân hàng Nhà nước cho biết, các khoản cho vay với dự án BOT, BT giao thông có nguy cơ rủi ro cho nhà băng. Bởi đa phần các dự án BOT, BT giao thông có tổng mức đầu tư lớn, thời gian vay dài trong khi năng lực tài chính chủ đầu tư hạn chế và tài sản đảm bảo chủ yếu là quyền thu phí... Những điểm yếu này khiến nguy cơ các khoản vay của các nhà đầu tư BOT, BT giao thông "chuyển sang nhóm nợ xấu rất lớn".

Theo báo cáo tài chính quý I/2020 của Vietinbank, nợ xấu tính đến ngày 31/3 ở con số 16.915 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn là 4.624 tỷ đồng. Vào đầu năm 2020, nợ xấu của Vietinbank chỉ ở mức 10.812 tỷ đồng nhưng "vỏn vẹn" 3 tháng, nợ xấu đã tăng lên hơn 6 ngàn tỷ đồng.

Trách nhiệm đang đè nặng “đôi vai” Chủ tịch Lê Đức Thọ và Tổng giám đốc Vietinbank Trần Minh Bình trong việc bảo toàn hàng chục ngàn tỷ đồng nguồn vốn Nhà nước để không bị chuyển qua các nhóm nợ xấu? Khi thẩm định cho vay các dự án BOT, lãnh đạo Vietinbank có lường trước được những rủi ro, khó khăn mà các dự án BOT đang gặp phải hiện nay?

Theo Sức Khỏe 24H

Lãnh đạo Vietinbank có ‘sốt ruột’ với khoản tiền hơn 2,5 ngàn tỷ đồng nằm ‘ngâm’ tại dự án BOT của CII? Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Nguyễn Vinh

0 Comments:

Post a Comment