Liệt nhẹ dạ dày là một rối loạn mà biểu hiện là dạ dày không thể tống thoát thức ăn xuống tá tràng. Tình trạng này có nhiều nguyên nhân, hay gặp nhất ở bệnh nhân tiểu đường.
Thần kinh phế vị giữ nhiệm vụ kiểm soát chức năng của dạ dày như di chuyển và nghiền nát thức ăn.
Chứng liệt nhẹ dạ dày xảy ra khi thần kinh phế vị bị rối loạn, làm cho thành dạ dày không hoạt động được bình thường, do đó thức ăn bị chậm lại hay không di chuyển xuống dưới được. Lúc này, chất acid, chất men tiêu hóa sẽ phân hủy thức ăn và chờ trọng lực đẩy nó xuống ruột. Khi thức ăn ở lại quá lâu trong dạ dày, sự lên men của thức ăn giúp vi khuẩn trong ruột tăng trưởng. Ngoài ra, chúng cũng có thể kết tụ lại, tạo thành những cục thức ăn cứng có thể gây ói mửa hay làm nghẽn dạ dày, khiến thức ăn không thể đẩy xuống ruột được.
Các nguyên nhân gây liệt nhẹ dạ dày
Đái tháo đường: Đường huyết cao gây nên những thay đổi hóa học trên hệ thần kinh và mạch máu, làm giảm lượng oxy và chất dinh dưỡng, có thể gây tổn thương thần kinh phế vị.
Tuyến thượng thận và tuyến giáp bị tổn thương.
Có những vết sẹo và mô xơ do loét và u bướu trong dạ dày gây ngăn cản di chuyển của thức ăn.
Dùng một số thuốc như anticholinergics, L-dopa, opiates, progesterone, tricyclic antidepressants, octreotide...
Sau giải phẫu dạ dày.
Hội chứng sau khi bị nhiễm vi khuẩn.
Chứng biếng ăn tâm thần hay chứng ăn uống vô độ.
Bệnh rối loạn thần kinh đột quỵ, hay có thương tích ở não…
Bệnh rối loạn cơ trơn như thoái hóa dạng tinh bột (amyloidosis), bệnh cứng bì.
Bệnh lupus ban đỏ.
Ngoài ra, khoảng 40% trường hợp không có nguyên nhân rõ rệt.
Triệu chứng thường thấy nhất là cảm giác đầy hơi sau khi vừa ăn xong, ợ hơi quá đáng và buồn ói. Đôi khi bệnh nhân có cảm giác nóng rát vùng thực quản, hay tức và hơi đau bụng vùng thượng vị. Có khi người bệnh phải nôn ra mới khỏe, có hiện tượng trào ngược dịch dạ dày.
Để chẩn đoán bệnh, cần xét nghiệm máu, siêu âm tổng quát và nội soi dạ dày EGD (esopha-gogastroduodenoscopy). Dùng chất đồng vị phóng xạ để đo lường thời gian thức ăn tống ra khỏi dạ dày (radioisotope gastric-emptying test). Đây là phương pháp tốt nhất để chẩn đoán bệnh. Trong cách này, người bệnh dùng những thức ăn mềm như trứng có chứa thuốc dò để xem thời gian mà thực phẩm vào dạ dày và ở đó trong bao lâu thì được tống vào ruột non. Bình thường thì thời gian mà một nửa số thực phẩm rời dạ dày là khoảng 90-120 phút. Ngoài ra, cũng có thể dùng phương pháp ghi áp kế dạ dày (gastric manometry), phương pháp này đo làn sóng điện và hoạt động của cơ trong dạ dày khi có thức ăn trong dạ dày, dò tìm xem có sự chậm trễ trong sự chuyển hóa thức ăn hay không.
Khi mắc chứng liệt nhẹ dạ dày, thức ăn vào dạ dày được hấp thu chậm hơn và thời gian thức ăn lưu lại trong dạ dày rất khó đoán. Những chất béo, kể cả dầu thảo mộc thường gây trì hoãn tống thức ăn vào ruột non. Những thực phẩm chứa nhiều chất xơ như súp lơ, bắp cải... cũng sẽ bị giữ lại trong dạ dày lâu hơn. Ngoài ra, khi ở lại lâu quá trong dạ dày, thức ăn có thể đóng cục tạo thành những cục thức ăn có thể ngăn chặn đường di chuyển của thức ăn xuống ruột non. Trái lại, những thức ăn lỏng dễ thoát khỏi dạ dày hơn. Do đó, bệnh nhân cần tránh những thức ăn có chất béo, thức ăn có nhiều chất xơ. Nên ăn từng bữa nhỏ và chia làm nhiều bữa ăn, thay vì 2 hay 3 lần thì đổi thành 4 đến 6 lần một ngày.
Các phương pháp điều trị
Dùng thuốc chống ói mửa: Phản ứng bất lợi là thường gây buồn ngủ, và những phản ứng phụ ngoại tháp (extrapyramidal side effects) liên quan đến việc điều hòa các phản xạ vận động cơ. Hiện nay, có nhiều loại dược phẩm có thể kích thích dạ dày co bóp được bình thường. Thuốc thường được khuyên nên uống khoảng 30 phút trước bữa ăn. Bác sĩ có thể dùng một thứ thuốc hay một hỗn hợp thuốc khác nhau để tìm cách điều trị hiệu quả nhất.
Thuốc giúp sự vận động của ruột: Thuốc này giúp tăng tần số và cường độ của co bóp cơ trong đường tiêu hóa, hay để tăng áp suất tại chỗ co bóp thực quản phía dưới (phần luôn luôn có áp suất giữa thực quản và dạ dày).
(Theo SK & ĐS)
0 Comments:
Post a Comment