Hội chứng Dumping còn gọi là hội chứng dạ dày rỗng nhanh chóng, do thức ăn trong dạ dày được vận chuyển quá nhanh xuống ruột. Đó là hệ quả trực tiếp của sự thay đổi về chức năng dự trữ và các cơ chế làm rỗng của dạ dày sau phẫu thuật dạ dày. Triệu chứng thường gặp là nôn và đau bụng vùng thượng vị sau khi ăn và các rối loạn vận mạch. Theo thời gian, các triệu chứng có thể cải thiện mà không cần điều trị, hoặc chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn. Những trường hợp nặng cần điều trị nội khoa thậm chí phải phẫu thuật. Bài viết sẽ cho thấy phần nào những hiểu biết về bệnh lý này.
Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ
Có thể nói hầu hết các phẫu thuật về dạ dày đều làm tăng nguy cơ dẫn tới hội chứng Dumping, đó là các trường hợp cắt đoạn dạ dày, cắt dây thần kinh X... Một số bệnh lý cũng có thể làm tăng khả năng mắc bệnh như đái tháo đường, trào ngược dạ dày-thực quản, hội chứng Zollinger-Ellison...
Các dấu hiệu lâm sàng
Biểu hiện lâm sàng của hội chứng Dumping có thể chia làm hai nhóm, nhóm triệu chứng tiêu hóa và nhóm triệu chứng về rối loạn thần kinh vận mạch.
Triệu chứng sớm xuất hiện sau khi ăn khoảng 15 - 30 phút, thường gặp cả hai nhóm là bệnh nhân đau bụng vùng thượng vị, buồn nôn, nôn, tiêu chảy; kèm theo bệnh nhân có thể hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, hồi hộp, đánh trống ngực do nhịp tim tăng...
Triệu chứng muộn xuất hiện sau khi ăn khoảng 1 - 3 giờ, thường đơn thuần chỉ là các dấu hiệu của rối loạn thần kinh vận mạch, bệnh nhân mệt lả, vã mồ hôi, run rẩy, có thể ngất lịm; một số có biểu hiện của hạ đường huyết đột ngột do kích thích giải phóng quá nhiều insulin vào máu. Những trường hợp nặng, biểu hiện kéo dài dẫn tới chán ăn, sụt cân và suy dinh dưỡng; triệu chứng cũng có thể gây ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc sống của bệnh nhân.
Chẩn đoán và điều trị
Khi có những dấu hiệu và triệu chứng trên, bạn cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Chẩn đoán thường dựa vào tiền sử có cắt đoạn dạ dày, triệu chứng lâm sàng như đã mô tả, kết quả nội soi và chụp Xquang có thuốc cản quang dạ dày và một số xét nghiệm đặc hiệu khác.
Cần lưu ý là, hầu hết các trường hợp không cần điều trị triệu chứng cũng thuyên giảm sau khoảng vài tháng tới một năm. Tuy vậy, khi không thuyên giảm hoặc mong muốn các triệu chứng giảm nhẹ, bạn cần được bác sĩ khám và chỉ định phương pháp điều trị thích hợp. Các lựa chọn điều trị bao gồm thay đổi chế độ ăn, dùng thuốc và phẫu thuật.
Thay đổi chế độ ăn: Bệnh nhân nên ăn bữa nhỏ và chia làm nhiều bữa, không uống nước trong bữa ăn, dùng các thức ăn có hàm lượng carbohydrate thấp, nhiều pectin (đào, táo), tránh các thức ăn có tính acid như chanh, quất..., tăng lượng đạm và mỡ để đáp ứng đủ với nhu cầu năng lượng, tăng cường vitamin, sắt và canxi... Ăn xong nằm ngay cũng là cách để thức ăn chậm lưu thông từ dạ dày xuống ruột giúp cải thiện được triệu chứng.
Khi điều chỉnh chế độ ăn mà các triệu chứng không giảm, thầy thuốc sẽ cân nhắc dùng thuốc cho phù hợp, nhất là các trường hợp có triệu chứng nặng. Acarbose giúp làm chậm quá trình hấp thu carbohydrate, làm giảm sản xuất monosaccharide do ức chế alpha-glucosidase, thường chỉ định cho các trường hợp có triệu chứng muộn và ở người đái tháo đường týp II, viên 100 mg ngày uống 2 – 3 lần. Octreotide giúp làm giảm quá trình làm rỗng thức ăn trong dạ dày, giảm vận chuyển thức ăn trong ruột non, ức chế giải phóng insulin và các hormon của ruột, làm co mạch nội tạng, có tác dụng tốt với cả các trường hợp xuất hiện triệu chứng sớm và muộn, octreotid 50mcg tiêm dưới da 2 – 3 lần/ngày khoảng 30 phút đến 2 giờ trước bữa ăn, điều chỉnh liều tùy theo đáp ứng, octreotide giúp cải thiện triệu chứng ở hầu hết các trường hợp có biểu hiện triệu chứng nặng và kéo dài. Điều trị ngoại khoa được cân nhắc khi điều trị nội khoa thất bại với mục tiêu là tái cấu trúc sinh lý của dạ dày, tuy nhiên cần tiếp cận bệnh nhân hết sức thận trọng vì không phải bao giờ cũng đạt được hiệu quả điều trị như mong muốn.
(Theo Sức khỏe & Đời sống)
0 Comments:
Post a Comment