Đường tiêu hóa bị đặt tên là “nhạy cảm” khi dễ buồn nôn, ói, đầy hơi hay thường gặp nhất là tiêu chảy xen lẫn với táo bón mỗi khi căng thẳng tinh thần, dị ứng thực phẩm hoặc sau đợt điều trị bội nhiễm lâu ngày bằng thuốc kháng sinh.
Bên cạnh việc thuốc dùng chống co thắt và chống dị ứng, người bệnh có thể giúp cho thầy thuốc điều trị hiệu quả hơn qua hai phương án:
- Theo dõi thói quen ăn uống để loại bỏ các món ăn có khả năng gây hiện tượng dị ứng trên đường tiêu hóa.
- Tập trung vào các dạng thực phẩm không dẫn đến phản ứng lên men trong khung ruột mỗi khi vừa chớm ghi nhận cảm giác bất an trong đường ruột.
Với người mắc bệnh này, những thực phẩm sau đây là nên dùng: Sữa chua loại có thêm vi khuẩn lactobacillus để tái lập quân bình vi sinh trên nền ruột; thịt gia cầm (nếu thịt heo thì dùng thịt nạc) để dễ được đường ruột dung nạp, nếu được thịt dê thì càng tốt hơn nữa vì chất đạm carnitin trong thịt dê có tác dụng chống dị ứng; các món rau trộn với giấm và dầu hoa hướng dương để tăng lượng sinh tố E và A cho niêm mạc khung ruột...
Những thức ăn sau đây cần tránh: Các loại đậu vì lượng chất xơ nếu thừa là đòn bẩy cho tình trạng đầy hơi, bước đầu của hội chứng đường ruột nhạy cảm; các loại rau, cải vì làm tăng lượng hơi độc indol trong khung ruột, nhất là khi nạn nhân táo bón; sữa tươi vì men lactose trong sữa là yếu tố thúc đẩy phản ứng tiêu chảy; tạm ngưng thịt hộp, thịt xông khói, khô mắm tối thiểu 5-7 ngày vì các món này làm tình trạng dị ứng thêm trầm trọng; nho tươi vì là loại trái có thể bất ngờ gây tiêu chảy.
Nhưng nói gì thì nói, muốn phòng ngừa “hội chứng đường ruột nhạy cảm” mà chỉ dựa vào món ăn thì không đủ. Bên cạnh các biện pháp ức chế stress, như thiền định, yoga, dưỡng sinh... nên lưu ý là đường tiêu hóa khó lòng sinh sự nếu bữa ăn đừng thất thường và thực đơn đừng đơn điệu.
Ăn uống thất thường lại thêm thực đơn quá đơn điệu thì không bệnh mới là lạ.
(Theo Người Lao Động)
0 Comments:
Post a Comment