Thursday, November 21, 2019

Phòng suy dinh dưỡng ở người cao tuổi

Suy dinh dưỡng (SDD) không chỉ gặp ở trẻ em mà người cao tuổi (NCT) cũng dễ gặp phải. Theo thống kê cho thấy có khoảng 1/3 số NCT bị SDD.

Một số điều kiện thuận lợi đưa đến SDD ở NCT

Phòng suy dinh dưỡng ở người cao tuổi
Ăn uống không điều độ, ăn qua loa, đại khái, ăn ít. Nhất là ăn một mình, đơn độc gây cho việc ăn uống chán chường hoặc thiếu quan tâm đến chất lượng trong mỗi bữa ăn rất có thể gây nên SDD ở NCT. Điều quan trọng nhất đưa đến SDD ở NCT là ăn uống kém chất lượng, thậm chí không đủ bữa, bữa no, bữa đói. Một số NCT thiếu thốn kinh tế hoặc có khả năng về kinh tế nhưng không có người lo cho từng bữa ăn hàng ngày, sự việc cứ kéo dài dẫn đến SDD. Ngoài ra, còn có một số NCT SDD do bệnh tật mạn tính kéo dài như: hệ thống răng kém (răng lung lay hoặc đã rụng nhiều) gây khó khăn trong việc nhai thức ăn. Tuyến nước bọt bị xơ hóa làm giảm khả năng bài tiết nước bọt (trong nước bọt có một số men rất cần cho việc làm nhuyễn thức ăn). Do chức năng sinh lý của NCT bị suy giảm, đặc biệt là các giác quan, nhất là vị giác và khứu giác cho nên không kích thích sự thèm ăn ở NCT. SDD ở NCT còn có thể gặp trong một số trường hợp dễ bị dị ứng với thức ăn, cho nên NCT “sợ ăn” vì lo sợ sau khi ăn vào sẽ bị rối loạn tiêu hóa như: buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy, đau bụng. Một số bệnh về đường tiêu hóa (nhất là bệnh về dạ dày). Bệnh về tâm thần như: bệnh trầm cảm mạn tính, sa sút trí tuệ cũng ảnh hưởng rất lớn đến tiêu hóa và vì vậy rất dễ dẫn đến SDD. Nghiện rượu cũng là một nguyên nhân đáng kể, người nghiện rượu rất chán ăn, thậm chí không muốn ăn bất kỳ loại thực phẩm nào ngoài rượu. Một số trường hợp NCT bị SDD do kiêng khem quá mức cần thiết.

Biểu hiện của SDD ở NCT

Hầu hết người bị SDD có thể tự phát hiện thấy mình bị gầy đi như: sụt cân, quần áo thấy tự nhiên rộng ra, các bắp thịt thấy mềm, nhũn không được rắn chắc như trước đây. Tuy vậy, đối với một số NCT do bị SDD lâu ngày nên đã có ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, trong khi tự bản thân người đó không thể hoặc không biết mình đang mắc bệnh gì. Trong trường hợp này thì những thành viên trong gia đình cũng có thể nhận biết từ NCT là: ông, bà, bố, mẹ kém dần sự minh mẫn, hay quên hay kêu mệt mỏi, chán ăn, ăn không ngon miệng hay cáu gắt vô cớ. NCT SDD thường ăn khó tiêu, dễ táo bón, phân lúc lỏng lúc rắn, hay đau bụng lặt vặt. Nếu NCT mà đang mắc bệnh mạn tính khác như: hen suyễn, bệnh tim, viêm gan, bệnh về xương khớp thì các bệnh này tăng lên nhanh chóng hơn và toàn trạng trở nên dễ bị suy sụp và đặc biệt khi có tác nhân nhiễm trùng xâm nhập thì rất khó tránh khỏi mắc bệnh.

Phòng bệnh SDD ở NCT như thế nào?

Rõ ràng là ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và đủ số lượng là nguồn năng lượng cần thiết cho một người không riêng gì đối với NCT (tức là phải đủ chất và đủ lượng). Ngoài ra, cần có sự động viên, nhắc nhở để NCT chịu khó ăn và ăn đủ số lượng tránh hiện tượng chán ăn, lười ăn, bỏ bữa. Sự quan tâm, động viên của các thành viên khác trong gia đình là hết sức quan trọng, đặc biệt là tìm hiểu các lý do làm cho NCT bị SDD, trên cơ sở đó tìm cách khắc phục dần. Nếu các bữa chính, NCT ăn chưa đủ số lượng thì có thể tạo điều kiện cho họ ăn thêm các bữa phụ. Nên ăn thêm các loại quả như: cam, quít, chuối, bưởi… và nên ăn nhiều rau. Trọng tâm của việc phòng SDD là làm sao NCT ăn được, tiêu hóa được vì vậy thức ăn phải mềm dễ nhai, dễ nuốt nhưng không nên xay nhuyễn vì sẽ làm giảm mùi vị thường có của thức ăn. Tuy vậy, NCT cũng nên hạn chế ăn mỡ động vật, lòng đỏ trứng hoặc các loại phủ tạng và rất nên ăn cá thay cho ăn thịt. Các loại đạm thức vật cũng nên ăn xen vào trong các bữa ăn chính như đậu phụ và các loại đậu khác. Ngoài các vấn đề vừa nêu trên thì việc vận động cơ thể hàng ngày để máu lưu thông, các cơ quan trong cơ thể hoạt động nhịp nhàng từ đó sẽ ăn uống ngon miệng, hấp thu tốt

(Theo PGS.TS. BÙI KHẮC HẬU // Suckhoe & Đoisong)

Phòng suy dinh dưỡng ở người cao tuổi Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Nguyễn Vinh

0 Comments:

Post a Comment