Sunday, December 1, 2019

Bệnh tật ở trẻ béo phì

Các bậc phụ huynh ngày càng có điều kiện kinh tế để chăm sóc trẻ chu đáo hơn, nhất là về chế độ dinh dưỡng. Đó là một trong những lý do khiến cho số lượng trẻ béo phì trên cả nước đang có xu hướng gia tăng nhanh trong những năm gần đây. Tại một số thành phố lớn, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo, tiểu học, trung học bị thừa cân, béo phì đã lên đến mức đáng báo động.

Những kỷ lục

Bệnh tật ở trẻ béo phì
Mới chỉ 11 tuổi đã nặng 90,8kg, vòng bụng 110cm, mỡ là 33,4%, cháu Nguyễn Đức H. (ngõ Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội) được chẩn đoán béo phì rất nặng. Thân hình quá to béo khiến cho cháu H. trở nên nặng nề và chậm chạp. Gia đình cháu H. đã phải tranh thủ kỳ nghỉ hè này để đưa H. đi khám và áp dụng các chế độ dinh dưỡng, luyện tập đặc biệt do các bác sĩ của Trung tâm Khám và tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) tư vấn để giảm cân.

Tương tự, cháu Phạm Quốc M., ở Lý Nam Đế (Ba Đình), mới 10 tuổi, nặng đến 66kg, mỡ là 30,4%. Theo mẹ cháu kể lại, cháu rất thích ăn các thức ăn nhanh và đồ ngọt, đồ béo, do đó bố mẹ phải áp dụng cho cháu một chế độ ăn khá cẩn thận. Nhưng cứ mỗi khi mẹ có việc phải đi công tác dài ngày, ở nhà ông bà chiều cháu, lại cho ăn thoải mái nên cháu lại tăng cân nhanh…

Những trường hợp như cháu H., cháu M. ngày càng gặp phổ biến hơn ở lứa tuổi học sinh mẫu giáo, tiểu học, trung học trên địa bàn Hà Nội. Các quận có tỷ lệ trẻ béo phì cao nhất là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng. Một số cuộc khảo sát gần đây cho thấy, tỷ lệ trẻ béo phì đang có xu hướng gia tăng, tại một số địa phương đã lên đến mức đáng báo động. Cụ thể, tỷ lệ trẻ em béo phì trong độ tuổi mẫu giáo (3 đến 6 tuổi) trên địa bàn Hà Nội vào năm 2003 là 5,6%, với học sinh khối tiểu học là 7,9%…

Tại Trung tâm Khám và tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), trung bình mỗi ngày có gần 200 trẻ đến khám và xin tư vấn về dinh dưỡng, trong đó tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì  tập trung nhiều nhất ở độ tuổi từ 6 đến 11 tuổi.  Trong đó tỷ lệ cháu gái bị béo phì cao hơn các cháu trai.

Nguy cơ bệnh tật

 Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, các bậc phụ huynh hãy chú ý đảm bảo cho trẻ một chế độ ăn hợp lý, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao. Với những trẻ đã béo phì thì cần giảm các thức ăn có chất béo, chất đường, các món xào, rán, tăng cường các món luộc, rau quả và chỉ ăn vừa đủ. Đồng thời, ngành y tế, ngành giáo dục phải cùng vào cuộc, có các biện pháp để hạn chế sự gia tăng trẻ béo phì.

Bác sĩ. ThS Lê Thị Hải - Trưởng Trung tâm Khám và tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, trẻ béo phì thường chậm chạp, thiếu hoạt bát, lười vận động hơn so với bạn bè cùng trang lứa, do đó thường dẫn đến kém thông minh hơn. Với những trẻ béo phì do nguyên nhân nội tiết thì các ảnh hưởng xấu đến trí tuệ thể hiện rõ rệt hơn hẳn. Đặc biệt, trẻ béo phì dễ bị đe dọa đến sức khỏe và tuổi thọ, đồng thời cũng tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, xương khớp…

Cụ thể, trẻ béo phì có nguy cơ cao mắc phải các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh ngoài da, sỏi mật. Mặt khác, do trẻ phải chịu sức nặng quá cỡ nên có nguy cơ cao mắc các bệnh thoái hóa xương khớp… Một nghiên cứu cho thấy, tăng 20% cân nặng sẽ làm tăng trung bình 12mg% cholestorol máu và 2mg% glucose máu. Nghiên cứu chỉ ra, người có BMI=35 có nguy cơ bị tiểu đường không phụ thuộc insulin gấp 8 lần người có BMI=25.

Cũng theo bác sĩ Hải, để phòng chống cho trẻ không bị béo phì thì việc đảm bảo chế độ ăn hợp lý và luyện tập thể dục thể thao thường xuyên là giải pháp quan trọng nhất. Thế nhưng có rất nhiều bà mẹ trẻ không hiểu biết đầy đủ về các chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ. Có nhiều bà mẹ thường xuyên ép con trẻ ăn những thức ăn chứa nhiều chất dinh dưỡng gây béo vì nghĩ là ăn càng nhiều càng tốt. Cũng có nhiều bậc phụ huynh do bận rộn công việc mà thường cho trẻ ăn đồ ăn sẵn, thức ăn nhanh như bơ, xúc xích… Trong khi đó, tại các trường tiểu học trong thành phố, sân chơi cho trẻ ngày càng hẹp, giờ học thể dục ngày càng ít được chú trọng. Thậm chí ở nhiều nhà trẻ, mẫu giáo còn có hiện tượng cô giáo ép học sinh phải “cố” ăn hết suất ăn dù trẻ đã no để… lấy thành tích.

(Theo TGSK/ ANTĐ)

Bệnh tật ở trẻ béo phì Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Nguyễn Vinh

0 Comments:

Post a Comment