Thursday, December 5, 2019

Ho kéo dài, đừng xem thường!

Ho là một phản xạ quan trọng để bảo vệ đường hô hấp bằng cách tống xuất các chất tiết, dị vật, vi sinh vật... ra khỏi đường hô hấp. Nhiều trường hợp ho kéo dài nhiều tuần, nhiều tháng đến nhiều năm, khiến bệnh nhân đi hết bác sĩ này đến bác sĩ khác để điều trị. Ho kéo dài ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống bệnh nhân, trở ngại công việc và giao tiếp nơi công cộng, làm xáo trộn giấc ngủ, đau ngực, són tiểu, gãy xương sườn, thậm chí ngất.
Ho kéo dài, đừng xem thường!
Theo thời gian, người ta phân loại ho như sau: ho dưới ba tuần gọi là ho cấp tính, ho kéo dài từ ba đến sáu tuần gọi là ho bán cấp, ho kéo dài hơn tám tuần gọi là ho mạn tính (cũng có định nghĩa ho mạn tính kéo dài hơn ba tuần). Ho không phải là một bệnh mà là triệu chứng của rất nhiều bệnh khác nhau, đôi khi là những bệnh trầm trọng. Trong phạm vi bài viết này, chỉ xin đề cập đến các nguyên nhân gây ho mạn tính, nghĩa là thời gian ho hơn ba tuần.

Có nhiều thủ phạm gây ho kéo dài

Cùng lúc có thể có nhiều nguyên nhân gây ho kéo dài trên một bệnh nhân. Một nguyên nhân duy nhất gây ho chỉ có ở 38% bệnh nhân, trong khi hai hoặc nhiều nguyên nhân gây ho chiếm 59% trường hợp.

Ở người lớn: nguyên nhân thường gặp là hen suyễn, trào ngược dạ dày – thực quản, hội chứng chảy mũi sau, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hút thuốc lá, ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân ít gặp thường là suy tim, bệnh phổi mô kẽ, xơ phổi, giãn phế quản, viêm phế quản tăng bạch cầu ái toan, ho sau nhiễm trùng – nhiễm siêu vi đường hô hấp, dùng thuốc ức chế men chuyển, lao phổi. Nguyên nhân hiếm gặp có thể do hít sặc, ung thư phổi, ung thư di căn, ung thư hạch, viêm phổi kéo dài, ápxe phổi, dị vật đường hô hấp, sarcoidosis, ho do tâm lý.

Ở trẻ em: nguyên nhân thường gặp là hen suyễn, trào ngược dạ dày – thực quản, nhiễm trùng đường hô hấp, ho sau nhiễm trùng – nhiễm siêu vi đường hô hấp, ho gà, ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân ít gặp là do dị vật đường hô hấp hoặc thực quản, lao phổi. Nguyên nhân hiếm gặp thường là hít sặc, bất thường bẩm sinh như dị dạng vòng mạch, phổi biệt trí, u trung thất, hít sặc do rối loạn nuốt hay rối loạn vận động thực quản, suy giảm miễn dịch, bệnh xơ nang, rối loạn vận động lông chuyển nguyên phát, bệnh tim mạch, ho do tâm lý.

Trị đúng nguyên nhân tốt hơn dùng thuốc ức chế

Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân ho kéo dài, bác sĩ phải hỏi kỹ những vấn đề liên quan đến bệnh tật và các triệu chứng của bệnh nhân (tiền sử – bệnh sử), khám lâm sàng cẩn thận, từ đó chỉ định thực hiện các xét nghiệm phù hợp và hạn chế bớt việc phải làm các xét nghiệm phức tạp, đắt tiền.

Tuỳ vào bệnh sử và khám lâm sàng, bác sĩ sẽ cho thực hiện xét nghiệm cần thiết. Chụp X-quang ngực thường được chỉ định nhất ở bệnh nhân ho kéo dài, có thể phát hiện viêm phổi, lao phổi, khối u phổi và các nguyên nhân khác như suy tim, giãn phế quản… Hô hấp ký sẽ phát hiện hội chứng tắc nghẽn đường hô hấp (trường hợp ho do hen suyễn). Nội soi mũi xoang, CT xoang… giúp chẩn đoán nguyên nhân của hội chứng chảy mũi sau. CT ngực độ phân giải cao hoặc CT xoắn ốc có thể cho thấy những thay đổi tinh tế phù hợp với ho do bệnh phổi mô kẽ, giãn phế quản. Đo pH thực quản trong 24 giờ hay nội soi dạ dày – thực quản trong trường hợp nghi ngờ ho do trào ngược dạ dày – thực quản.

Nội soi phế quản được thực hiện trong các trường hợp nghi ngờ ho do dị vật đường hô hấp…

Để điều trị thành công ho kéo dài, điều quan trọng là tìm được nguyên nhân ho và điều trị thích hợp với nguyên nhân đó hơn là dùng các thuốc ức chế ho rộng rãi. Ðiều trị đúng nguyên nhân sẽ cải thiện đến 97% trường hợp ho kéo dài. Tuy nhiên, nếu ho ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống bệnh nhân thì nên điều trị giảm triệu chứng trong khi chờ đợi kết quả điều trị đặc hiệu nguyên nhân ho. Thuốc long đàm, kẹo ngậm có thể giúp ích trong một số trường hợp. Dextromethorphan và codeine là thuốc ức chế ho.

ThS.BS Lê Thị Thu Hương

Xử trí một số cơn ho kéo dài thường gặp

Hội chứng chảy mũi sau: rất nhiều bệnh như viêm mũi vận mạch, viêm mũi dị ứng, polyp mũi và viêm xoang mạn gây ra hội chứng chảy mũi sau. Bệnh nhân thường có cảm giác ngứa họng hoặc chảy dịch ở thành sau họng. Điều trị với kháng histamin và thuốc corticosteroid dạng xịt mũi.

Hen suyễn: bệnh nhân thường có triệu chứng ho, khó thở, khò khè, nặng ngực. Các triệu chứng này có xu hướng nặng hơn vào ban đêm hoặc sáng sớm. Đo hô hấp ký có hội chứng tắc nghẽn đường hô hấp có hồi phục. Tuy nhiên, trong hen dạng ho – một thể đặc biệt của hen suyễn, triệu chứng chủ yếu là ho khan và thường ho về đêm nên rất dễ chẩn đoán nhầm thành bệnh khác.

Trào ngược dạ dày – thực quản: đây là bệnh lý khá phổ biến, với triệu chứng nóng rát sau xương ức, ợ chua, đầy hơi. Nhiều trường hợp không có triệu chứng điển hình của trào ngược mà chỉ biểu hiện bằng ho kéo dài. Nếu đây là nguyên nhân duy nhất gây ho, điều trị chống trào ngược tích cực có thể cải thiện hầu như các trường hợp. Điều trị bằng thuốc ức chế bơm proton, thuốc đối kháng H2. Nằm đầu cao, tránh các thức ăn nhiều dầu mỡ, chocolate, rượu bia, ngưng hút thuốc lá, không ăn no gần giờ ngủ,…

Thuốc lá: người hút thuốc lá khi bị ho thường cho là “ho do thuốc lá” nhưng nếu có một sự thay đổi trong kiểu ho như ho nhiều hơn, lâu hơn, ho đàm nhiều hơn, ho đàm có vướng máu… hãy coi chừng là dấu hiệu của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hoặc ung thư phổi. Tốt nhất đừng hút thuốc lá, còn nếu đã hút thì nên ngưng càng sớm càng tốt. Khi ngưng hút thuốc, chứng ho sẽ giảm và thường chấm dứt trong vòng một tháng.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bao gồm viêm phế quản mạn tính và khí phế thủng, có thể là nguyên nhân gây ho dai dẳng. Bệnh diễn tiến âm thầm, hơn 50% bệnh nhân không biết mình mắc bệnh cho đến khi xuất hiện các triệu chứng trầm trọng như khó thở. Để chẩn đoán cần chụp X-quang phổi và đo hô hấp ký.

Ho sau nhiễm trùng – nhiễm siêu vi đường hô hấp: bệnh nhân sẽ khỏi hoàn toàn trong vòng ba tuần. Tuy nhiên, ở những bệnh nhân có hiện tượng tăng phản ứng phế quản có thể gây ra ho dai dẳng. Điều trị với thuốc giãn phế quản và corticosteroid đường hít hoặc uống.

Ho do thuốc ức chế men chuyển: thuốc ức chế men chuyển dùng điều trị tăng huyết áp, suy tim, nhồi máu cơ tim. Khoảng 10 – 20% bệnh nhân dùng các thuốc nhóm này bị ho. Bệnh nhân thường có cảm giác ngứa họng, ho khan, thường nặng hơn vào ban đêm. Khi ngưng thuốc ức chế men chuyển, ho thường giảm trong vòng một đến bốn tuần nhưng cũng có thể kéo dài đến ba tháng.

Ô nhiễm không khí: các chất ô nhiễm và chất kích thích trong không khí có thể gây ho dai dẳng. Thậm chí, tiếp xúc ngắn hạn với khói xăng dầu đủ gây ho, tiết đàm và kích thích phổi. Hít phải bào tử nấm mốc, phấn hoa, bụi, lông thú nuôi… trong môi trường cũng có thể gây ho.

(Theo ThS.BS Lê Thị Thu Hương/sgtt)

Ho kéo dài, đừng xem thường! Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Nguyễn Vinh

0 Comments:

Post a Comment