Tuesday, December 3, 2019

Loét dạ dày tá tràng: Bệnh dễ hiểu lầm

Ở Việt Nam ước tính 7-10% dân số bị loét dạ dày tá tràng. Tỉ lệ nam và nữ trong loét dạ dày là 1/1, còn đối với loét hành tá tràng là 2/1. Đây là bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống nhưng nhiều người bệnh thường trì hoãn điều trị hoặc không tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ.

Th.S Vũ Trường Khanh - Khoa Tiêu hoá, Bệnh viện Bạch Mai sẽ mang đến những kiến thức cần thiết về căn bệnh này.

Những thủ phạm gây loét "bao tử"

Loét dạ dày tá tràng: Bệnh dễ hiểu lầm
Loét dạ dày tá tràng là do mất cân bằng giữa các yếu tố bảo vệ như: niêm mạc, lớp nhày, bicacbonate,… và các yếu tố tấn công như: axit, pepsine. Axit và pepsine trong dịch dạ dày phá huỷ niêm mạc của dạ dày và tá tràng gây loét dạ dày tá tràng.

- Tội phạm hàng đầu phải kể tới do vi khuẩn Helicobacter pylori, đây là một xoắn  khuẩn có khả năng sống trong lớp nhày của dạ dày.

- Các thuốc chống viêm không steroid như: aspirin dùng trong bệnh tim mạch. Các thuốc corticoid: prednisolon, dexamethazone... dùng để điều trị ức chế miễn dịch.

- Do chế độ ăn uống: ăn quá nhiều gia vị chua cay.

- Ngoài ra còn gặp loét dạ dày trong bỏng nặng, chấn thương nặng.

Đau như thế nào cần nghĩ đến loét dạ dày?

Chủ yếu là đau vùng thượng vị: Đau bụng liên quan đến ăn, triệu chứng đau thường liên quan tới bữa ăn từ 30 phút tới 2 giờ, đau có thể xuất hiện khi đói hoặc nửa đêm về sáng. Có khi chỉ biểu hiện bằng cồn cào ăn vào thì dịu đi. Đau bụng có thể xuyên ra sau lưng, đau lan sang phải.

Đau có tính chu kỳ: đau khoảng 2-8 tuần kể cả không điều trị gì thì triệu chứng đau cũng giảm, sau đó sẽ có đợt đau tái phát.

Có những bệnh nhân xuất hiện ợ hơi, ợ chua, nóng rát vùng thượng vị.

Khoảng 20% bệnh nhân bị loét dạ dày tá tràng nhưng không hề có triệu chứng, mà người bệnh vào viện vì các biến chứng như: xuất huyết tiêu hoá, thủng dạ dày hoặc hẹp môn vị hoặc nội soi kiểm tra phát hiện ra bệnh.

Các biến chứng của loét dạ dày

- Xuất huyết tiêu hoá: biểu hiện bằng nôn ra máu, đại tiện phân đen.

- Hẹp môn vị: nôn nhiều làm bệnh nhân không thể ăn được, ăn vào gây nôn và đau bụng.

- Thủng dạ dày hoặc tá tràng: đột ngột người bệnh thấy đau bụng dữ đội, bụng căng cứng.

- Ung thư dạ dày: trong loét hành tá tràng thì không gây ung thư nhưng trong loét dạ dày có thể gây ung thư.

Điều trị loét dạ dày tá tràng:

Loét dạ dày tá tràng là bệnh có thể điều trị khỏi bằng thuốc. Các thuốc điều trị :

- Thuốc trung hoà axit trong dạ dày: maalox, gastropulgite...

- Thuốc giảm tiết axit:

+ Thuốc kháng thụ thể H2 ở màng tế bào: cimetidine,ranitidine, nizatidine, famotidine.

+ Thuốc ức chế bơm proton: omeprazole, lanzoprazole, patoprazole, rabeprazole, esmoprazole

- Các thuốc kháng sinh có tác dụng diệt Helicobacter pylori:  dùng 7 - 10 ngày kháng sinh phối hợp 2 trong 4 loại kháng sinh sau: Amoxillin, Metronidazole, Tetraxycline, Clarithromycine kết hợp với thuốc ức bơm proton.

Lưu ý đối với người bệnh có triệu chứng của loét dạ dày tá tràng:

Cần đến chuyên Khoa Tiêu hoá để  xác định chính xác và điều trị, tránh tự dùng thuốc điều trị  bởi những lý do sau:

- Phần lớn những bệnh nhân có triệu chứng giống loét dạ dày tá tràng nhưng thực tế trên nội soi hoàn toàn không có loét.

- Bệnh nhân bị ung thư dạ dày nhưng có triệu chứng giống loét dạ dày tá tràng.

- Dùng thuốc không đúng dẫn tới kháng thuốc tràn lan của helicobacter pylori.

- Điều trị không có hệ thống dẫn tới bệnh tái phát và  xảy ra các biến chứng.

(Theo Tretoday)

Loét dạ dày tá tràng: Bệnh dễ hiểu lầm Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Nguyễn Vinh

0 Comments:

Post a Comment