Tuesday, December 3, 2019

Loét dạ dày - tá tràng, làm sao tránh?

Đây là căn bệnh tiêu hóa rất phổ biến ở nước ta. Ngoài việc gây ra những khó chịu cho người bệnh thì tình trạng loét dạ dày - tá tràng còn là tiền đề nguy hiểm dẫn đến ung thư. Ở Việt Nam, ước tính 7 - 10% dân số bị loét dạ dày - tá tràng. Tỷ lệ nam và nữ trong loét dạ dày - tá tràng là 1/1, còn đối với loét hành tá tràng là 2/1.

Các triệu chứng thường gặp nhất

Loét dạ dày - tá tràng, làm sao tránh?
Người bệnh cảm thấy đau tức vùng thượng vị, đặc biệt là liên quan đến tình trạng đói. Triệu chứng đau thường liên quan tới bữa ăn từ 30 phút tới 2 giờ, đau có thể xuất hiện khi đói hoặc nửa đêm về sáng. Có khi chỉ biểu hiện bằng cồn cào, ăn vào thì dịu đi. Đau bụng có thể xuyên ra sau lưng, đau lan sang phải. Đau có tính chu kỳ: đau khoảng 2- 8 tuần, kể cả không điều trị gì thì triệu chứng đau cũng giảm, sau đó sẽ có đợt tái phát. Có những bệnh nhân xuất hiện ợ hơi, ợ chua, nóng rát vùng thượng vị.

Khoảng 20% bệnh nhân bị loét dạ dày - tá tràng nhưng không hề có triệu chứng, mà người bệnh vào viện vì các biến chứng như: xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày hoặc hẹp môn vị, hoặc nội soi kiểm tra phát hiện ra bệnh.

Các biến chứng: Xuất huyết tiêu hóa biểu hiện bằng nôn ra máu, đại tiện phân đen; Hẹp môn vị: nôn nhiều làm bệnh nhân không thể ăn được, ăn vào gây nôn và đau bụng; Thủng dạ dày hoặc tá tràng: đột ngột người bệnh thấy đau bụng dữ dội, bụng căng cứng; Ung thư dạ dày: loét hành tá tràng thì không gây ung thư nhưng loét dạ dày có thể gây ung thư.

Các biện pháp chẩn đoán

Trước kia, người ta chụp Xquang để chẩn đoán loét dạ dày - tá tràng, nhưng phương pháp này tỏ ra kém chính xác và không xác định được bản chất ổ loét là lành tính hay ác tính. Ngày nay, nội soi dạ dày - tá tràng bằng ống mềm cho phép thầy thuốc quan sát trực tiếp được tổn thương, đồng thời sinh thiết giúp chẩn đoán người bệnh có bị nhiễm Helicobacter Pylori (HP) hay không. Trong trường hợp nghi ngờ ổ loét dạ dày ác tính cho phép sinh thiết để chẩn đoán trên vi thể giúp tìm được tế bào ác tính. Nội soi còn giúp theo dõi quá trình liền sẹo và khỏi của ổ loét.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh

Mất cân bằng giữa các yếu tố chống loét: Dạ dày và hành tá tràng thường bị viêm và loét là do 2 đoạn này của ống tiêu hóa thường xuyên tiếp xúc với dịch dạ dày, dịch này có chất toan (ClH) rất cao. Dung dịch toan đó bình thường được phủ kín trong lòng dạ dày nhờ có hàng rào niêm mạc bảo vệ ngăn chặn sự thẩm thấu của H+ vào niêm mạc, hàng niêm mạc này tiết chất nhày và bicarbonat và tái sinh tế bào. Khi dịch vị toan đó đi xuống sau hành tá tràng, độ toan của nó được trung hòa bởi các dịch tụy tạng, dịch mật và dịch ruột non cho nên đoạn ruột non sau hành tá tràng ít khi bị loét. Khi có sự mất cân bằng giữa chất toan với các yếu tố bảo vệ nói trên ClH sẽ tấn công niêm mạc gây viêm rồi phá hủy niêm mạc gây trợt và loét.

Nhiều yếu tố làm mất cân bằng giữa các yếu tố gây loét và yếu tố chống loét, trong đó quan trọng nhất và thông thường nhất là vi khuẩn HP sống trong lớp nhày của dạ dày. Ở dạ dày, men urê của HP đã phân hủy urê của dịch vị thành NH3 và CO2 làm pH của dịch dạ dày tăng lên. Sự gia tăng pH dịch vị không những tạo an toàn cho sự khu trú của HP trên niêm mạc dạ dày gây viêm rồi gây loét bởi các độc tố của nó mà còn kích thích dạ dày tăng tiết một loại chất có tác dụng làm tăng tiết chất toan trong dạ dày. Nhưng không phải bất cứ ai bị nhiễm HP cũng đều bị loét, bởi còn phụ thuộc vào loại HP (còn gọi là týp), chỉ có loạt HP týp 1 mới có nhiều độc tố gây loét.

Ngoài ra còn các yếu tố di truyền trong gia đình và nhiều yếu tố khác phối hợp, các yếu tố này ở người chưa bị nhiễm HP cũng đã có thể gây viêm rồi gây loét như: rượu, thuốc lá, cà phê, aspirin và các chất kháng viêm không steroid... Các trạng thái bị choáng nặng (chấn thương sọ não, nhồi máu cơ tim, nhồi máu phổi, bỏng nặng, choáng nhiễm khuẩn...) cũng có thể dẫn đến loét dạ dày - hành tá tràng. Ngoài ra cũng cần lưu ý đến một số bệnh có thể gây thêm loét dạ dày, hành tá tràng như u tụy tạng, bệnh xơ gan.

Các biện pháp điều trị

Chống yếu tố gây loét: Làm mất tác dụng của chất toan bằng các thuốc chống toan. Diệt HP (nếu có) bằng các thuốc kháng sinh. Thường phải phối hợp ít nhất 2 loại kháng sinh và sử dụng cùng với các thuốc kháng tiết toan, vừa để chống ClH vừa để tăng cường hiệu lực diệt HP của kháng sinh. Cần loại bỏ các yếu tố gây viêm loét như đã nói ở trên. Nếu vì một bệnh khác mà phải dùng aspirin và thuốc kháng viêm không steriod, thầy thuốc sẽ phải cân nhắc cẩn thận.

Có thể điều trị khỏi bằng thuốc: Các thuốc điều trị như thuốc trung hòa axit trong dạ dày, thuốc giảm tiết axit, thuốc kháng thụ thể H2 ở màng tế bào, thuốc ức chế bơm proton, các thuốc kháng sinh có tác dụng diệt HP..., các thuốc này phải sử dụng theo chỉ định của bác sĩ.

Người bệnh có triệu chứng của loét dạ dày - tá tràng cần đến chuyên khoa tiêu hóa để xác định chính xác và điều trị, tránh tự dùng thuốc điều trị vì phần lớn những bệnh nhân có triệu chứng giống loét dạ dày - tá tràng nhưng thực tế trên nội soi hoàn toàn không có loét. Bệnh nhân bị ung thư dạ dày nhưng có triệu chứng giống loét dạ dày - tá tràng. Dùng thuốc không đúng dẫn tới kháng thuốc tràn lan của HP. Điều trị không có hệ thống dẫn tới bệnh tái phát và xảy ra các biến chứng.

BS. Nguyễn Trường Sơn // Sức khỏe & Đời sống

Loét dạ dày - tá tràng, làm sao tránh? Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Nguyễn Vinh

0 Comments:

Post a Comment