Sunday, December 1, 2019

Thừa cân, béo phì ở trẻ em: Nguyên nhân và tác hại

Thừa cân là tình trạng cân nặng vượt quá cân nặng nên có so với chiều cao. Còn béo phì là tình trạng tích luỹ mỡ thái quá và không bình thường một cách cục bộ hay toàn thểtới mức ảnh hưởng xấu đến sức khỏe (theo WHO).
Thừa cân, béo phì ở trẻ em: Nguyên nhân và tác hại
Các bậc cha mẹ cần chú ý chế độ ăn uống cho trẻ để tránh thừa cân, béo phì.

Nguyên nhân và cơ chế sinh bệnh

- Khẩu phần ăn và tập quán dinh dưỡng: Chế độ ăn giàu lipit hoặc đậm độ nhiệt cao có liên quan chặt chẽ với gia tăng tỷ lệ béo phì. Không chỉ ăn nhiều mỡ, thịt mà ăn nhiều chất bột đường đều có thể gây béo. Thói quen ăn nhiều vào bữa tối và ăn khi xem ti-vi là một đặc trưng của trẻ thừa cân, béo phì.

- Ít hoạt động thể lực: Ít lao động kể cả lao động chân tay và lao động trí óc, cùng với các yếu tố ăn uống, sự gia tăng tỷ lệ béo phì sẽ đi song song với giảm hoạt động thể lực.

- Yếu tố di truyền: Nếu cả bố lẫn mẹ đều bị béo phì thì có 80% số con của họ sẽ bị béo phì. Nếu 1 trong 2 người béo phì thì 40% con của họ sẽ béo phì. Ngược lại, nếu cả 2 người đều bình thường thì chỉ có khoảng 7% con của họ bị béo phì mà thôi.

- Yếu tố kinh tế - xã hội: Béo phì như là một đặc điểm của giàu có. Đây cũng là một đặc điểm của các nước đang phát triển.

- Mẹ bị đái tháo đường khi mang thai: Con của những người phụ nữ bị đái tháo đường khi mang thai thì dường như trở thành béo phì sau này ở tuổi trẻ và có tỷ lệ dung nạp gluco cao hơn ở những trẻ có mẹ không bị đái tháo đường.

- Trẻ có cân nặng sơ sinh thấp: Người ta thấy có mối liên quan giữa suy dinh dưỡng trong thời kỳ bào thai với béo phì và các bệnh mãn tính khác ở tuổi trưởng thành.

- Người mẹ hút thuốc khi mang thai có liên quan đến khả năng tích trữ mỡ của trẻ.

- Có những bằng chứng khoa học từ nhiều cuộc điều tra cho thấy có mối liên quan tỷ lệ thuận giữa thấp chiều cao theo tuổi và thừa cân béo phì trong cùng 1 trẻ hoặc trong những thành viên cùng 1 gia đình ở khu vực thành phố các nước đang phát triển.

Tác hại của thừa cân, béo phì

- Tỷ lệ mắc bệnh tăng: Hội chứng béo phì ở trẻ em sẽ làm tăng các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch, chuyển hóa bất thường gluco, rối loạn gan mật, đường ruột, khó thở khi ngủ…

- Rối loạn thở khi ngủ và hen: Một số nghiên cứu cho thấy 1/3 số trẻ béo phì nặng có triệu chứng khó thở khi ngủ và 5% tắc đường thở nặng khi ngủ, ngáy to. Một nghiên cứu khác cho thấy 94% trẻ béo phì có giấc ngủ không bình thường. Ở Anh, người ta thấy có mối liên quan giữa thừa cân béo phì với bệnh hen.

- Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu được nhận biết là hậu quả nghiêm trọng của trẻ béo phì.

- Chậm dậy thì ở trẻ trai có liên quan đến béo phì.

- Rối loạn dung nạp gluco và đái tháo đường type 2: mặc dù đái tháo đường type 2 còn có nhiều yếu tố liên quan khác như tiền sử gia đình, dân tộc… nhưng yếu tố quan trọng nhất là béo phì.

- Nguy cơ bệnh tim mạch: Vị thành niên bị thừa cân đã duy trì và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở lứa tuổi khi trưởng thành như: tăng huyết áp, tăng cholesterol…

- Rối loạn lipit máu, tăng huyết áp và kháng insulin thường thấy ở trẻ em béo phì.

- Biến chứng gan: Các biến chứng gan ở trẻ béo phì đã được đưa ra báo cáo, đặc biệt là tính nhiễm mỡ gan qua nồng độ gia tăng của Transaminase huyết thanh.

- Biến chứng dạ dày.

- Các biến chứng giải phẫu: Nghiêm trọng đó là bệnh Blount (một dị dạng xương do phát triển quá mạnh xương chày), bên cạnh đó là các bất thường nhỏ hơn như dễ bị bong gân mắt cá chân.

- Bệnh não: Đây là một biến chứng hiếm gặp liên quan đến tăng áp suất trong sọ não.

- Ảnh hưởng tâm lý xã hội: Hậu quả chung của béo phì ở trẻ em tại các nước công nghiệp đang phát triển là chức năng tâm lý xã hội kém, giảm thành công trong học tập, không có một cơ thể khỏe mạnh và phù hợp. Đa số các trẻ béo phì cảm thấy mình xấu xí và mặc cảm không tham gia hoạt động với các bạn. Trẻ béo phì cũng thường xuyên cảm thấy mệt mỏi toàn thân, hay nhức đầu, tê buốt ở 2 chân làm cho cuộc sống thiếu thoải mái.

Thừa cân béo phì ở trẻ em gây ra nhiều tác hại. Vì thế, các bậc cha mẹ cần chăm sóc, theo dõi sự phát triển của con cái một cách toàn diện và có khoa học để trẻ không bị suy dinh dưỡng cũng như không thừa cân, béo phì./.

(Theo Bác sĩ Trần Nguyệt Hoàng // Camau Online)

Thừa cân, béo phì ở trẻ em: Nguyên nhân và tác hại Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Nguyễn Vinh

0 Comments:

Post a Comment