Đền Cao An Lạc tọa lạc trên đỉnh núi Thiên Bồng ở độ cao 30 mét, thuộc thôn Đại. Xa xưa, thôn Đại có tên là Dược Đậu trang, đến thời Hậu Lê, Dược Đậu trang phát triển thành một xã, có tên là Lạc Đạo, thuộc tổng Kim Đôi. Xã có 3 thôn gồm: Đại, Trung và An Bài. Sau năm 1945, Lạc Đạo trở thành một thôn của xã An Lạc, thị xã Chí Linh (Hải Dương).
Theo thần tích do Nguyễn Bính phụng soạn vào năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) lưu tại đền Cao: tại trang Thanh Tuyền, huyện Nga Sơn, phủ Hà Trung, Thanh Hóa có vợ chồng ông Vương Tĩnh và bà Đào Thị Thanh, lấy nhau đã lâu mà muộn đường con cái. Trong cảnh buồn phiền ấy, ông bà đã chu du thiên hạ và đã dừng chân ở Dược Đậu trang.
Thấy nơi đây con người thuần hậu, đất đai trù phú, ông bà đã dừng lại, sinh sống cùng với dân bản trang. tại quê hương mới , gia đình họ Vương làm ăn phát đạt và sinh được 5 người con, 3 trai, 2 gái. Con trai cả có tên là Minh, thứ hai là Xuân, thứ ba là Hồng. Hai con gái có tên là Đào và Liễu. Năm anh em họ Vương học hành chăm chỉ và được giáo dục đến nơi đến chốn. Một lần về thăm phần mộ tổ tiên ở Thanh Hóa, vợ chồng Vương công đã gặp bão, đắm thuyền và qua đời, để lại muôn vàn đau thương cho anh em họ Vương.
Vào mùa xuân năm Tân Tỵ (981), Lê Hoàn trên đường hành quân chống giặc Tống xâm lược đã đóng đại bản doanh ở vùng núi Dược Đậu. Để tỏ lòng yêu nước, năm anh em họ Vương đã xin nhà vua cho thi tài võ nghệ và mưu lược. Xét tướng mạo và tài năng, Lê Hoàn đã tuyển anh em họ Vương vào đội quân cứu nước.
Quá trình chiến đấu, năm anh em đã lập công lớn. Kháng chiến thắng lợi, anh em họ Vương được mời về kinh đô Hoa Lư mừng chiến thắng, nhận ban thưởng công huân.Vương Minh công được phong Đại tướng quân, bốn anh em đều được phong chức tước và mỹ tự. Trong ngày vui chiến thắng, Vương Minh công đã qua đời đột ngột. Còn lại 4 anh em trở về Dược Đậu trang sinh sống. Sau khi qua đời, năm anh em họ vương đều được triều đình cho xây miếu thờ và đời sau đã được tôn thành Thành hoàng, đời đời phụng sự.
Đền thờ Vương Minh tướng công xây dựng thời Tiền Lê, tọa lạc trên đỉnh núi, giữa một rừng lim xanh tốt quanh năm. Thời Hậu Lê, năm Vĩnh Hựu thứ hai (1736) trùng tu. Đầu thế kỷ 20, đền được tái tạo theo kiến trúc chữ tam, bằng gỗ lim, lợp ngói. Công trình hiện còn vào hậu cung sâu 16,5 mét. Đồ tế tự ở đây còn khá đầy đủ và nhiều cổ vật có giá trị như: Bia ký, long đao, bát bửu, ngai ỷ, đòn bát cống… Đặc biệt là hệ thống đại tự, câu đối ca ngợi công đức của năm anh em họ Vương và cuộc kháng chiến chống Tống thắng lợi của dân tộc. Cùng với đền Cao, đền Bến Tràng, đền Bến Cả thờ 5 anh em họ Vương tạo thành một quần thể di tích.
Theo phong tục, hàng năm nhân dân địa phương tổ chức lễ sinh nhật Vương Minh tướng công (20/10), lễ mừng chiến thắng (24/10) và kỷ niệm ngày mất (24/1 âm lịch). Đây là những ngày hội lớn, hàng năm thu hút đông đảo du khách thập phương về dự.
0 Comments:
Post a Comment